Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động
Bộ Xây dựng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 209/NQ-CP ngày 28/10/2024 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.
(Xây dựng) - Bộ Xây dựng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 209/NQ-CP ngày 28/10/2024 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.
![]() |
Các cơ quan, đơn vị triển khai xây dựng Kế hoạch hành động bắt đầu thực hiện từ quý I/2025, thời gian hoàn thành trong tháng 03/2025. |
Mục đích của Kế hoạch nhằm đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác ATVSLĐ, đáp ứng yêu cầu tình hình mới trong toàn ngành Xây dựng; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, công đoàn, đoàn thanh niên của các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành Xây dựng về công tác ATVSLĐ. Kế hoạch đề ra 4 nhiệm vụ, giải pháp.
Thứ nhất, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động. Cụ thể, tổ chức quán triệt, hướng dẫn, tuyên truyền và phổ biến nội dung Chỉ thị số 31-CT/TW và Nghị quyết số 209/NQ-CP.
Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu đối với công tác ATVSLĐ, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của ngành Xây dựng, bảo đảm quyền của người lao động được làm việc trong điều kiện ATVSLĐ, gắn liền với kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm của mỗi cơ quan, đơn vị.
Đẩy mạnh, đa dạng hóa, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, kiến thức về ATVSLĐ; coi trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước triển khai thực hiện chuyển đổi số trong công tác truyền thông, tuyên truyền về ATVSLĐ.
Nhân rộng các gương điển hình, mô hình, kinh nghiệm hay trong công tác ATVSLĐ, đồng thời phê phán các hành vi vi phạm pháp luật về ATVSLĐ; xây dựng và nâng cao chất lượng phong trào thi đua về công tác ATVSLĐ, hình thành văn hóa an toàn lao động; coi trọng công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá, khen thưởng trong thực hiện phong trào thi đua về công tác ATVSLĐ.
Tổ chức các hoạt động Tháng hành động về ATVSLĐ, phối hợp Tháng Công nhân thiết thực, hiệu quả, hướng về cơ sở và các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ Trung ương...
Thứ hai, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về ATVSLĐ. Cụ thể, tổng kết thi hành pháp luật về ATVSLĐ. Rà soát, hoàn thiện các chính sách, pháp luật về ATVSLĐ liên quan đến hoạt động xây dựng (Luật Xây dựng, Luật ATVSLĐ, các Nghị định, Thông tư có liên quan). Rà soát hoàn thiện bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ATVSLĐ đồng bộ, đầy đủ, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Thứ ba, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ. Từng bước ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác báo cáo, thống kê, cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực ATVSLĐ, hệ thống văn bản pháp luật về ATVSLĐ trên hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý thông tin về ATVSLĐ trong ngành Xây dựng.
Nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSLĐ, thanh tra, kiểm tra ATVSLĐ trong thi công xây dựng công trình; nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về ATVSLĐ vào chiến lược, quy hoạch phát triển ngành Xây dựng giai đoạn 2025–2030 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm của Bộ Xây dựng.
Thứ tư, tăng cường nguồn lực cho công tác an toàn, vệ sinh lao động. Cụ thể, đẩy mạnh xã hội hoá, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho công tác ATVSLĐ.
Tăng cường nguồn lực Nhà nước và doanh nghiệp đầu tư cho công tác ATVSLĐ gắn với đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; lồng ghép nội dung ATVSLĐ vào trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, chương trình, dự án liên quan đến lao động, y tế, môi trường.
Các cơ quan, đơn vị triển khai xây dựng Kế hoạch hành động bắt đầu thực hiện từ quý I/2025 để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này, thời gian hoàn thành trong tháng 3/2025; lồng ghép nội dung ATVSLĐ gắn với kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm, phát triển kinh tế - xã hội của cơ quan, đơn vị và các chương trình, dự án do cơ quan, đơn vị triển khai, thực hiện.
Bộ Xây dựng đề nghị Công đoàn Xây dựng Việt Nam, Đoàn Thanh niên Bộ Xây dựng, Công đoàn cơ quan Bộ: Xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai các nội dung theo Kế hoạch này.