Thầu Chín ở Xiêm chạm đến cảm xúc của khán giả
Thầu Chín ở Xiêm là bộ phim tái hiện thời gian hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc...
![]() |
Một cảnh trong phim Thầu Chín ở Xiêm |
Một bộ phim lịch sử chỉn chu, hấp dẫn
Chuyện phim được xây dựng trên nền kịch bản cùng tên đã đoạt giải thưởng cuộc thi sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc. Xem phim, khán giả vừa cảm nhận được hình tượng quen thuộc của Bác, vừa thấy những nét mới lạ xung quanh thời gian vị lãnh tụ trẻ hoạt động cách mạng ở Xiêm (Thái Lan). Giai đoạn đó tuy ngắn ngủi, nhưng lại là bước đệm quan trọng trước khi Người chuẩn bị hợp nhất ba tổ chức cộng sản, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam - một dấu mốc cực kỳ quan trọng trong lịch sử dân tộc. Không gian lịch sử này tạo nên sự hấp dẫn riêng về màu sắc văn hóa, mà dòng phim về lãnh tụ còn chưa khai thác tới.
Những góc quay đẹp, sống động, chân thực trong phim đã khiến không ít khán giả xem phim xúc động. Đó là cảnh băng rừng vượt suối chuyển đến nơi ở mới của cả bản người Việt cùng vị lãnh tụ trẻ Nguyễn Ái Quốc, hình ảnh lúc o Hoàn gội đầu bên thau nước lá hay cảnh người lao động Xiêm-Việt gồng mình làm cầu ở bến cảng dưới làn roi của thực dân Pháp...
Thầu Chín ở Xiêm do Cục Điện ảnh đặt hàng Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam với kinh phí 10 tỷ đồng, được lựa chọn chiếu khai mạc cho Tuần phim Kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra trên cả nước từ 30/1- 5/2. |
Trong phim, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thể hiện những phẩm chất của một người hoạt động cách mạng chân chính. Người tham gia dựng chùa, làm ruộng, quét đường... như một dân làng bình dị; Người tuyên truyền về sự gắn kết của tình đồng bào, đồng chí không chỉ bằng lời nói mà bằng việc đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi với anh em, đồng chí.
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho biết, anh làm Thầu Chín ở Xiêm theo thể loại phim tài liệu lịch sử hư cấu. Các chi tiết đều có thật, được chắp nối lại. Các nhân vật quan trọng trong phim cũng đều theo nguyên mẫu ngoài đời, có lai lịch cụ thể, như nhà hoạt động cách mạng Đặng Thúc Hứa, vợ chồng bà Đặng Quỳnh Anh (o Nho). “Chúng tôi phải phục dựng lại hoàn toàn sân bay Udon, sân bay Bangkok và bến cảng, cho giống với đầu thế kỷ 20 ở Thái Lan. Vì đây là bộ phim chiếu cho khán giả cả hai đất nước Việt và Thái Lan, nên mọi chi tiết càng phải chính xác”, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho biết.
Với thời lượng hơn 100 phút, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng mong muốn đem đến cho người xem một bộ phim lịch sử chỉn chu, được chăm chút kỹ và “chạm đến cảm xúc khán giả”.
Nhiều bài học cho thế hệ trẻ
Một trong những yếu tố làm nên sự thành công cho bộ phim là dàn diễn viên. Mạnh Trường đã chứng tỏ sự lựa chọn của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng là hoàn toàn đúng đắn khi anh thể hiện một cách nhẹ nhàng và xúc động hình ảnh nhân vật Thầu Chín - Bác Hồ trong phim Thầu Chín ở Xiêm. Tôi chọn Trường vì cậu ấy có đôi mắt sáng, giàu biểu cảm, bởi thần thái phải được toát ra từ đôi mắt. Tôi đã phải trò chuyện với cậu ấy cả năm để thuyết phục, động viên. Diễn viên không thấy được mình giống nhân vật, nhưng đạo diễn được xem nhiều tư liệu và ảnh về Bác, trong đó, có cái chưa công bố, nên tôi biết thần thái Trường có thể làm được", đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho biết.
Ngoài thành công của nhân vật Thầu Chín do nam diễn viên Mạnh Trường thủ vai, dàn diễn viên phụ cũng được chọn lọc, khắc họa với nhiều nét riêng góp phần vào thành công chung của bộ phim. Đó là nhân vật o Hoàn xinh đẹp rất cảm mến Thầu Chín. Theo đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, đây là nhân vật tưởng tượng. Một người như Nguyễn Ái Quốc khi đó được nhiều người yêu quí là bình thường và điều này tài liệu còn ghi lại nhiều. Vấn đề là tình cảm đó có được đáp lại hay không. Phim này không có bạo lực, không tình yêu, không kinh dị, không có mấu chốt cơ bản để hấp dẫn, thì phải có “mẹo mực” để cho phim hấp dẫn. Vì thế, o Hoàn là nhân vật hư cấu, có tính chất mấu chốt "làm mềm phim đi". Người ta có thể kết nối những cảm xúc mà nếu không có thì khó có thể chuyển tải câu chuyện.
Trong Thầu Chín ở Xiêm, cộng đồng người Việt từ bậc trưởng làng đến các lão nông, thanh niên, phụ nữ đều có chung nét hồn hậu, chân chất với tấm lòng hướng về cố quốc. Những tên mật thám, những kẻ truy lùng Nguyễn Ái Quốc tên thì ngây ngô, tên thì nham hiểm, võ biền càng làm cho mối xung đột, kịch tính của phim được đẩy cao.
Đúng như lời Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đây là một phim định hướng khán giả dựa trên những sự thật lịch sử hấp dẫn. Có gay cấn, có xúc động, có hài hước và có nhiều bài học đáng giá cho thế hệ trẻ. Thầu Chín ở Xiêm có nét mới mẻ, hấp dẫn khi tìm kiếm, khắc họa được chất đời trong quãng thời gian hoạt động cách mạng của Người tại Xiêm.
Đúng như mong muốn của đạo diễn, bộ phim trong những buổi công chiếu đầu tiên đã chạm được vào cảm xúc của khán giả và là một bộ phim về Bác thật sự rung động người xem.
Thầu Chín ở Xiêm cũng đã góp phần thay đổi cách suy nghĩ của không ít khán giả về phim do nhà nước tài trợ, sản xuất, đa phần đều chỉ nặng tính tuyên truyền, thiếu sự hấp dẫn. “Mình đã xem hết Thầu Chín ở Xiêm với sự bất ngờ và háo hức. Phim đã làm cho mình và nhiều khán giả nghĩ khác về phim do Nhà nước tài trợ, sản xuất”, chị Đỗ Hương Giang (Lương Thế Vinh, Hà Nội) bày tỏ!