Thấy gì từ việc sân khấu Lan Anh, Trống Đồng đóng cửa?
Từng là tụ điểm quen thuộc với người yêu nhạc, sân khấu Trống Đồng và Lan Anh chính thức ngừng hoạt động sau 3 thập kỷ. Theo chuyên gia, đây không chỉ là sự rút lui của một không gian biểu diễn, mà là lời cảnh tỉnh về cách đầu tư cho văn hóa lâu dài.
Nơi lưu giữ thanh xuân nhiều nghệ sĩ
Với thế hệ nghệ sĩ 7x, 8x như Cẩm Ly, Đan Trường, Lam Trường, Đàm Vĩnh Hưng, Quang Hà… sân khấu Trống Đồng, Lan Anh không chỉ là nơi lưu giữ thanh xuân mà còn là "thánh đường âm nhạc", nơi chắp cánh cho con đường ca hát. Thời hoàng kim, hai sân khấu này có sức chứa lên đến gần 4.000 khán giả.

Hình ảnh một thời tại Sân khấu Lan Anh.
Từ một người thợ cắt tóc đam mê âm nhạc, Đàm Vĩnh Hưng từng dành dụm tiền để xem Minh Tuyết, Cẩm Ly… hát ở sân khấu Trống Đồng. Những ngày chập chững vào nghề, anh bắt đầu với công việc hát lót cũng ngay tại sân khấu này.
Trong khi đó, sân khấu Lan Anh là nơi chứng kiến anh giành giải 4 Tiếng hát Truyền hình TP.HCM năm 1998. Năm 2003, liveshow đầu tiên của anh cũng được tổ chức tại đây với 2 đêm diễn chật kín khán giả.
Sân khấu Lan Anh cũng là nấc thang giúp ca sĩ Quang Hà được khán giả biết đến nhiều hơn. "Thời ấy, cát sê của tôi chỉ có 50.000 đồng cho 3 bài nhưng được hát trên sân khấu lớn, có hình ảnh trên các băng rôn quảng cáo đêm nhạc", ca sĩ nhớ lại.
Từ sân khấu hoành tráng thành bãi đậu xe
Phía sân khấu Lan Anh không đưa ra lý do ngừng hoạt động. Trong khi đó, đại diện Trống Đồng cho biết sân khấu không còn sáng đèn từ tết Nguyên đán Ất Tỵ vì thiếu ban điều hành.

Hình ảnh hoang tàn tại Sân khấu Lan Anh sau hơn 30 năm hoạt động.
Ngoài ra, cơ sở vật chất hiện xuống cấp trầm trọng, nhiều hạng mục đã hỏng nặng, không đáp ứng được việc tổ chức các show diễn. Thời gian qua, mặt bằng sân khấu được tận dụng làm bãi đậu xe và vật tư của Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM.
Từng là khán giả của sân khấu Trống Đồng từ nhỏ, nhạc sĩ Tô Hiếu tâm sự với Báo Xây dựng, có thời tối nào anh cũng đi xem vì giá vé rẻ, không gian rộng, thoáng. Đây cũng là nơi anh và nhiều nghệ sĩ, khán giả lưu giữ nhiều kỷ niệm thanh xuân.
Đến khi làm show, anh luôn muốn chọn sân khấu Trống Đồng vì địa điểm thuận lợi, giá cả phù hợp, thậm chí rẻ hơn nếu tổ chức tại các trung tâm hội nghị, tiệc cưới trên địa bàn thành phố.
Các show "Tìm nhau trao yêu thương", "Tình nghệ sĩ" do anh tổ chức hồi năm 2023 là 2 trong số những đêm nhạc cuối cùng ở Trống Đồng.
Nói về việc sân khấu Lan Anh, Trống Đồng ngưng hoạt động, Tô Hiếu thừa nhận, bây giờ khán giả thích vào những nơi có máy lạnh, màn hình led. "Khán giả trẻ giờ thích phòng trà hoặc concert ở sân vận động hơn. Với khán giả có điều kiện ít hơn, họ cũng có thể ngồi nhà xem liveshow qua mạng.
Năm 2023, khi Cát Phượng làm show "Đêm của cười 4" đã bỏ tiền đầu tư sửa sang lại sân khấu, bỏ hết những ghế hư và may mới vỏ bọc tại Trống Đồng rất tốn kém nhưng vẫn không đủ để cứu vãn tình thế", Tô Hiếu tâm sự.
Bài toán cần lời giải
Nhà sản xuất âm nhạc, chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh chia sẻ, mỗi chương trình, anh và ê kíp luôn đặt sân khấu là trung tâm chiến lược cả về sáng tạo lẫn vận hành.

Sân khấu Trống Đồng tọa lạc ở vị trí trung tâm, nằm trên trục đường Cách Mạng Tháng Tám (phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM).
"Để làm được điều đó, chúng tôi phải tính được khán giả sẽ được gì khi đến không gian đó? Họ có cảm thấy đáng tiền, đáng thời gian không? Đặc biệt, khán giả trẻ ngày nay rất nhạy cảm với trải nghiệm: ánh sáng, hình ảnh, công nghệ trình diễn phải đủ mới, đủ "viral", đủ khác biệt.
Vì vậy, các show lớn thường phải thuê thêm thiết bị âm thanh ánh sáng, dựng sân khấu riêng hoàn toàn. Tức là gần như biến một nhà thi đấu, một nhà hát thành sân khấu tạm thời đúng chuẩn quốc tế chứ không chỉ dùng hạ tầng có sẵn.
Điều này khiến chi phí đội lên rất cao, trong khi sân khấu chuyên biệt như Lan Anh hay Trống Đồng, nếu được đầu tư cải tạo hợp lý, thì lẽ ra có thể gánh được vai trò này một cách hiệu quả hơn", ông Minh nói.
Theo ông Minh, sân khấu Lan Anh, Trống Đồng đóng cửa trong bối cảnh đang thiếu những trung tâm biểu diễn tầm trung. Đó là những sân khấu có sức chứa 3.000-5.000 người, hạ tầng tốt, không gian linh hoạt, tương đương các nhà hát hiện đại ở Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan.
Đây là một bài toán cần có góc nhìn đô thị, kinh tế và văn hóa cùng lúc. Nếu không, các sân khấu chuyên biệt sẽ tiếp tục biến mất, nhường chỗ cho bất động sản hoặc trung tâm thương mại.
"Sẽ vô cùng đáng tiếc, vì văn hóa biểu diễn không thể phát triển mạnh nếu thiếu không gian diễn phù hợp", nhà sản xuất Hồng Quang Minh nhận định.
Để giải bài toán này, ông Minh cho rằng, cần gọi hợp tác công tư (PPP) để phát triển trung tâm biểu diễn đa năng. Cùng đó là quy hoạch lại một số khu đất trung tâm, không chỉ để khai thác kinh tế mà còn phục vụ mục tiêu phát triển đời sống tinh thần đô thị.
Điều quan trọng nhất là cần nhìn ngành công nghiệp biểu diễn như một phần chiến lược trong kinh tế sáng tạo chứ không chỉ là hoạt động văn hóa đơn lẻ.
Cùng với sân khấu Cầu Vồng 126 (đã được di dời sang rạp Đại Đồng - Cao Thắng, TP.HCM vào năm 2016), sân khấu Lan Anh, Trống Đồng cùng nằm trên tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám.
Sân khấu Trống Đồng thành lập vào tháng 6/1989. Năm 1990, điểm diễn này được cấp phép hoạt động ca nhạc chuyên nghiệp, có sức chứa gần 4.000 chỗ.
Sân khấu Lan Anh được thành lập năm 1997, có sức chứa hơn 3.000 người. Sân khấu này thường diễn ra các chương trình ca nhạc lớn, live concert, liveshow của các nghệ sĩ. Đây cũng từng là địa điểm được ban tổ chức giải thưởng Làn Sóng Xanh chọn thực hiện các buổi lễ trao giải trong 19 năm liên tiếp kể từ năm 1998.