Thủ tướng: Chuyển đổi xanh là hành trình tất yếu
Chiều 17/4, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì lễ bế mạc Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) Việt Nam năm 2025 với chủ đề "Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm".
Tại hội nghị, lãnh đạo các nước thành viên P4G đồng thuận thông qua hai tuyên bố: Tuyên bố Hà Nội về chuyển đổi xanh bền vững lấy con người làm trung tâm và Tuyên bố Tăng cường Hợp tác P4G và các tổ chức, cơ chế đa phương nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali tại Lễ bế mạc Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) Việt Nam năm 2025.
Phát biểu bế mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, chuyển đổi xanh là hành trình tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu để thực hiện thành công những mục tiêu phát triển bền vững.
Quá trình này đòi hỏi sự hợp tác toàn cầu, toàn diện giữa Chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân để bảo đảm phát triển bao trùm, công bằng, không ai bị bỏ lại phía sau.
Trên cơ sở đóng góp của tất cả thành viên P4G và các đối tác, hội nghị đã thông qua Tuyên bố Hà Nội về chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm cùng Tuyên bố P4G về tăng cường hợp tác, phối hợp giữa P4G và các tổ chức, cơ chế quốc tế về tăng trưởng xanh.
Đặc biệt, những phiên thảo luận diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến sâu sắc, chia sẻ các bài học quý, câu chuyện hay, đồng thời đề xuất sáng kiến đột phá cho phát triển xanh. Cũng trong khuôn khổ hội nghị, nhiều hoạt động thực chất, hiệu quả được tổ chức như triển lãm giải pháp sản xuất xanh, sản phẩm xanh và sự kiện kết nối doanh nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh, hội nghị thượng đỉnh P4G đạt 5 kết quả đồng thuận.
Thứ nhất, đồng thuận về huy động tài chính thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, các mô hình hợp tác công - tư và chính sách tài chính sáng tạo.
Thứ hai, đồng thuận về khuyến khích nghiên cứu và phát triển giải pháp công nghệ xanh, đầu tư nhiều hơn cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đặc biệt là hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn lực, hỗ trợ cần thiết.
Thứ ba, đồng thuận về chuyển đổi hệ thống nông nghiệp và lương thực bền vững, vừa đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng, vừa đóng vai trò quan trọng bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Thứ tư, đồng thuận về phát triển và đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tạo điều kiện để mọi cá nhân có quyền tiếp cận giáo dục đầy đủ, mở rộng cơ hội việc làm, giảm bất bình đẳng xã hội.
Thứ năm, đồng thuận về chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững, thân thiện với môi trường; tăng cường hợp tác trong phát triển và chia sẻ công nghệ, cung cấp các khoản vay ưu đãi cho dự án năng lượng tái tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ việc chuyển đổi năng lượng, đồng thời khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, tổng hòa của 5 đồng thuận trên cho thấy sự đồng thuận về tư duy, nhận thức, chia sẻ trách nhiệm chung, đề cao hợp tác đa phương, cùng hành động; nêu cao tinh thần đoàn kết, hợp tác quốc tế, kết nối các nguồn lực dựa trên cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các quốc gia, tổ chức và doanh nghiệp tăng cường phối hợp với những thành viên P4G, chung tay đóng góp trách nhiệm vì tương lai xanh của thế giới; biến cam kết thành hành động, biến ý tưởng thành dự án cụ thể, biến đồng thuận thành quyết tâm triển khai mạnh mẽ. Từ đó, cùng nhau vượt khó khăn, thách thức, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể, xây dựng thế giới ngày càng xanh, sạch, đẹp và tốt lành hơn.