Thị trường

Thuế thu nhập cá nhân: Cân nhắc bỏ bậc 35%, đặt ngưỡng trần cho khấu trừ học phí, viện phí

28/07/2025, 13:20

Bộ Tài chính đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN từ năm 2026. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng nên áp dụng sớm từ năm 2025 và cần nâng mạnh tay hơn để phù hợp thực tế, tránh thiệt thòi cho người nộp thuế.

Bộ Tài chính vừa có dự thảo tờ trình Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân, áp dụng cho kỳ tính thuế từ năm 2026.

Theo đó, Bộ Tài chính đưa ra hai kịch bản. Ở kịch bản thứ nhất, mức giảm trừ sẽ được điều chỉnh tương ứng với mức tăng của CPI. Như vậy, giảm trừ cho người nộp thuế sẽ tăng từ 11 triệu đồng hiện tại lên khoảng 13,3 triệu đồng mỗi tháng, trong khi mức giảm trừ cho người phụ thuộc sẽ nâng từ 4,4 triệu lên 5,3 triệu đồng.

Kịch bản thứ hai tính toán dựa trên mức tăng thu nhập bình quân và GDP bình quân đầu người. Nếu chọn phương án này, mức giảm trừ cho người nộp thuế có thể đạt 15,5 triệu đồng/tháng, còn người phụ thuộc sẽ được tính 6,2 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, còn cho khấu trừ học phí, viện phí cho bản thân mình và người phụ thuộc. 

Thuế thu nhập cá nhân: Cân nhắc bỏ bậc 35%, đặt ngưỡng trần cho khấu trừ học phí, viện phí- Ảnh 1.

Bậc thuế TNCN hạ xuống còn 5 bậc nhưng vẫn giữ mức cao 35% (Ảnh minh họa).

Nên áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2025

TS Nguyễn Ngọc Tú, Giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, dự thảo mới này thể hiện được sự cầu thị của Bộ Tài chính khi "bảo thủ" nhiều năm vẫn giữ quan điểm đề xuất theo CPI.

Ông Tú lựa chọn kịch bản hai, nhưng ông lại cho rằng, nâng giảm trừ gia cảnh lên 15,5 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 6,2 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc chưa thỏa đáng.

Theo ông, mức 17-18 triệu đồng/tháng sẽ phù hợp hơn cho người nộp thuế, nhằm tạo động lực thúc đẩy người nộp thuế, cũng như bù đắp thiệt thòi trước đây cho họ, tạo niềm tin vào việc sửa luật thuế thu nhập cá nhân.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Được, Trưởng ban Chính sách Hội Tư vấn và Đại lý thuế TP.HCM, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cũng chọn kịch bản 2. Song, ông kiến nghị cần áp dụng ngay từ kỳ tính thuế thu nhập cá nhân của năm 2025, chứ không chờ đến năm 2026.

Dẫn chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong giai đoạn 2020-2025 đã tăng khoảng 21,24%, vượt qua ngưỡng 20% - mức bắt buộc phải điều chỉnh theo quy định về giảm trừ gia cảnh, ông Được cho rằng, áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2025 hoàn toàn hợp lý.

Cẩn trọng khi cho trừ học phí, viện phí

Về việc khấu trừ học phí, viện phí, theo ông Nguyễn Văn Được, nên tách biệt giữa người nộp thuế và người phụ thuộc. Với người phụ thuộc là con, có thể cho khấu trừ chi phí giáo dục và y tế.

Tuy nhiên, với người phụ thuộc là cha mẹ hoặc đối tượng khác, chỉ nên cho khấu trừ chi phí chăm sóc sức khỏe. Việc giảm trừ chi phí giáo dục cho các đối tượng này là không phù hợp.

Thuế thu nhập cá nhân: Cân nhắc bỏ bậc 35%, đặt ngưỡng trần cho khấu trừ học phí, viện phí- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Được, Trưởng ban Chính sách Hội Tư vấn và Đại lý thuế TP.HCM.

Ông cũng đề xuất cần đặt ra ngưỡng trần cụ thể cho các khoản khấu trừ. Mức chi này không nên vượt quá một tỷ lệ nhất định trên thu nhập của người nộp thuế.

Một phương án khác là lấy mức phí của bệnh viện, trường học công lập làm cơ sở xác định mức khấu trừ hợp lý.

Ông Được nói, có thể cho phép khấu trừ toàn bộ học phí, viện phí trong hệ thống công lập. Nhưng vẫn cần giới hạn tỷ lệ phù hợp so với thu nhập.

Cách làm này vừa hỗ trợ người nộp thuế, vừa bảo đảm nghĩa vụ đóng góp cho ngân sách. Đồng thời, cũng giúp duy trì sự công bằng giữa các nhóm thu nhập.

Ông nhấn mạnh, mức khấu trừ cần được tính toán kỹ. Tránh đặt quá cao gây thất thu ngân sách và làm giảm hiệu quả điều tiết của chính sách thuế.

Cân nhắc bỏ bậc 35%

Tại dự thảo, Bộ Tài chính cũng đề xuất 2 phương án sửa đổi biểu thuế, theo hướng giảm số bậc thuế về 5 bậc và nới rộng khoảng cách giữa các ngưỡng thu nhập chịu thuế - mức thuế suất cao nhất đều là 35%.

Ông Nguyễn Văn Được đánh giá, việc giãn từ 7 bậc xuống còn 5 bậc tính thuế là hợp lý, nhưng nên cân nhắc bỏ bậc 35% để khuyến khích người có thu nhập cao mong muốn gia tăng thu nhập, nỗ lực cống hiến nhiều hơn.

Đồng thời, kéo giãn mức thu nhập tính thuế theo mỗi bậc, chẳng hạn, mức 5% có thể tính cho thu nhập tính thuế đến 20 triệu đồng/tháng thay vì mức "đến 10 triệu đồng" như hiện nay, giảm áp lực tài chính cho người nộp thuế và có tính khoan thư sức dân.

Vị chuyên gia này cũng đánh giá cao việc bổ sung các quy định về miễn thuế TNCN để hỗ trợ phát triển khoa học, công nghệ, miễn thuế TNCN từ hoạt động bảo vệ môi trường, lợi tức từ hoạt động nông, lâm nghiệp…