Tính độc lập của Fed đang bị đe dọa
Theo khảo sát của quỹ quản lý đầu tư UBS Asset Management công bố hôm nay (3/7), các nhà quản lý dự trữ lo ngại tính độc lập của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang bị đe dọa.
Cụ thể, 2/3 nhà quản lý dự trữ lo ngại sự độc lập của Cục Dự trữ Liên bang đang gặp rủi ro và hơn một nửa cho rằng luật pháp tại Hoa Kỳ có thể xấu đi, điều ảnh hưởng đáng kể đến việc phân bổ tài sản của họ.
Ngoài ra, 35% trong số gần 40 ngân hàng trung ương tham gia khảo sát tin rằng Mỹ có thể yêu cầu các đồng minh chuyển đổi nợ dài hạn sang các công cụ khác, chẳng hạn như trái phiếu không lãi suất với kỳ hạn siêu dài.

Các nhà quản lý dự trữ lo ngại sự độc lập của Cục Dự trữ Liên bang đang gặp rủi ro.
Kết quả khảo sát phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng về vị thế "nơi trú ẩn an toàn" của đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới và thị trường trái phiếu lớn nhất, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục đối đầu với các đồng minh lâu năm về thương mại và an ninh, đồng thời chỉ trích Fed.
Các mức thuế “Ngày Giải phóng” mà Tổng thống Donald Trump áp đặt vào ngày 2/4 đã tác động tiêu cực đến cả đồng USD và trái phiếu kho bạc Mỹ. Ông Trump cũng gây áp lực buộc Fed phải cắt giảm lãi suất, trong khi các cố vấn của ông đưa ra những ý tưởng không chính thống để kiểm soát khối nợ công đang phình to của Mỹ.
Người đứng đầu chiến lược và tư vấn thị trường có chủ quyền toàn cầu tại UBS Asset Management, Max Castelli cho biết, những lo ngại này cho thấy rõ ràng cách mà “Ngày Giải phóng” đã thay đổi quan điểm của các nhà quản lý dự trữ về đồng USD.
Trong tương lai, 29% nhà quản lý dự trữ cho biết họ đang cân nhắc giảm tỷ trọng tài sản tại Mỹ để phản ứng với các diễn biến gần đây, theo khảo sát. Tuy nhiên, trong năm tới, 25% ngân hàng trung ương dự kiến sẽ giảm tỷ trọng đồng USD trong danh mục, sau khi loại bỏ những ngân hàng muốn tăng tỷ trọng, con số này thấp hơn một chút so với năm trước.
"Khi được hỏi liệu có sự thay đổi lớn trong vị thế thống trị của đồng USD hay không, câu trả lời là không" chuyên gia Castelli nói, đồng thời cho rằng các nhà quản lý dự trữ cần thời gian để điều chỉnh.
Gần 80% người trả lời kỳ vọng đồng USD, hiện chiếm 58% dự trữ ngoại hối toàn cầu, sẽ tiếp tục là đồng tiền dự trữ thống trị.
Trong năm tới, vàng - được UBS xếp hạng cùng các tài sản không phải tiền tệ - là tài sản được ưa chuộng nhất, với 52% ngân hàng trung ương dự kiến bổ sung vàng vào danh mục. Ngoài ra, 39% người trả lời cho biết họ có kế hoạch tăng tỷ trọng vàng dự trữ lưu trữ trong nước.
Castelli cho rằng xu hướng này chủ yếu phản ánh lo ngại của các ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi về rủi ro bị trừng phạt, đặc biệt liên quan đến vàng được lưu trữ tại Mỹ.
Chính sách của Tổng thống Donald Trump cũng làm dấy lên câu hỏi tại Đức về dự trữ vàng của ngân hàng trung ương nước này, một phần trong số đó đang được lưu trữ tại Fed New York.
Trong 5 năm tới, các nhà quản lý dự trữ dự đoán đồng euro sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ các thay đổi toàn cầu, theo sau là đồng nhân dân tệ và các tài sản tiền điện tử. Đồng USD đã tụt từ vị trí đầu bảng năm ngoái xuống vị trí thứ 9.
Dù vậy, trong năm tới, chỉ 6% người trả lời dự kiến bổ sung đồng euro, trong khi đồng nhân dân tệ dẫn đầu với 25%. Đồng đô la Canada, bảng Anh và yên Nhật cũng là những đồng tiền được nhiều người trả lời dự kiến tăng tỷ trọng.
"Có rất nhiều lạc quan về châu Âu. Nhưng kỳ vọng đang rất cao, và nếu châu Âu không thực hiện được các cải cách, tôi nghĩ sự phục hưng của châu Âu sẽ khá ngắn ngủi", ông Castelli nhận định.