Tòa phán quyết ra sao về 196 lô đất liên quan cựu Chủ tịch Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu?
Hội đồng xét xử cho biết, để ưu tiên thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước, tòa án đề nghị gỡ bỏ lệnh hạn chế giao dịch các lô đất để đảm bảo quyền lợi của các bên.
Sáng 11/7, TAND TP Hà Nội tuyên án sơ thẩm đối với cựu Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu và 40 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại doanh nghiệp này và các địa phương liên quan.
Trong đó, Nguyễn Văn Hậu lĩnh mức án tổng cộng 30 năm tù.

Các bị cáo nghe tuyên án sáng 11/7 (Ảnh: N.H).
Liên quan số tiền 718 tỷ đồng mà Tập đoàn Phúc Sơn nộp ngày 3/7, tòa án xác định đây là số tiền dựa trên văn bản thỏa thuận giữa bị cáo Hậu, Tập đoàn Phúc Sơn và ông Trần Công Bình (đối tác của doanh nghiệp) cam kết chuyển nhượng 196 lô đất không thuộc danh sách bị kê biên. Các bên tự thỏa thuận, tự đảm bảo, tự chịu trách nhiệm về các tài sản đảm bảo. Tòa án ghi nhận thỏa thuận này phù hợp với quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân.
"Để ưu tiên thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước, hội đồng xét xử đề nghị gỡ bỏ hạn chế giao dịch để đảm bảo quyền lợi của các bên", bản án nêu rõ.
Về dân sự, cấp sơ thẩm cũng yêu cầu tịch thu bốn thửa đất của bị cáo Đặng Trung Hoành (cựu Chánh văn phòng huyện ủy Mang Thít, Vĩnh Long), phong tỏa 25 tài khoản của bị cáo Hậu để đảm bảo việc thi hành án.

Hội đồng xét xử cho biết, các bị cáo có 15 ngày để kháng án (Ảnh: N.H).
Ngoài ra, hội đồng xét xử tuyên gỡ bỏ các lệnh phong tỏa, kê biên, hạn chế giao dịch tài sản của các bị cáo khác; buộc sung công quỹ Nhà nước tổng số tiền các bị cáo hưởng lợi bất chính và nhận hối lộ là hơn 130 tỷ đồng.
Hội đồng xét xử kết luận, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho tài sản Nhà nước. Hành vi của các bị cáo làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, kinh doanh và gây bất bình, bức xúc trong dư luận xã hội.
"Bị cáo Nguyễn Văn Hậu đã thao túng, làm tha hóa, biến chất, sa ngã nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ của nhiều địa phương nên cần nghiêm trị mặc dù bị cáo đã rất tích cực khắc phục hậu quả", cấp sơ thẩm đánh giá.
Hành vi đưa hối lộ của Nguyễn Văn Hậu còn làm băng hoại đạo đức, ảnh hưởng xấu tới cách hành xử của các bị cáo là cán bộ. Khi lượng hình, tòa án cũng đã cân nhắc giữa công và tội đối với các bị cáo là cấp dưới, làm theo chỉ đạo nên phạm tội với vai trò thứ yếu, không có động cơ vụ lợi, không được hưởng lợi hoặc hưởng lợi rất ít.
Hội đồng xét xử cũng ghi nhận nhiều bị cáo đã có nhận thức tích cực, đặc biệt Nguyễn Văn Hậu đã giúp các cơ quan tiến hành tố tụng sớm làm sáng tỏ vụ án.
Trên cơ sở lượng hình, tòa tuyên phạt Nguyễn Văn Hậu 14 năm tù về tội Đưa hối lộ, 7 năm tù về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và 9 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt, Hậu lĩnh 30 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Văn Hậu lĩnh 30 năm tù (Ảnh: N.H).
Hoàng Thị Thúy Lan nhận mức án 14 năm tù về tội Nhận hối lộ. Cùng tội này, bị cáo Lê Duy Thành (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc) lĩnh 12 năm tù; Phạm Hoàng Anh (cựu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc) 8 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Văn Khước (cựu Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Vĩnh Phúc) bị phạt 7 năm tù; Hoàng Văn Nhiệm (cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính Vĩnh Phúc) 4 năm tù...
Bị cáo Cao Khoa (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi) và Lê Viết Chữ (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi) cùng bị phạt 7 năm tù. Các bị cáo Phạm Văn Vọng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc), Phùng Quang Hùng (cựu Chủ tịch Vĩnh Phúc) và Hà Hòa Bình (cựu Phó Chủ tịch tỉnh này) đều bị phạt 3 năm tù.