Xã hội

Trà Vinh: Hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

18/03/2025, 16:54

Sau 14 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Trà Vinh vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2024.

(Xây dựng) – Sau 14 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Trà Vinh vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2024.

img
Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân tham gia xây dựng NTM. (Ảnh: CTTTV)

Từ khó khăn…

Ngày 11/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 567/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2024. Thủ tướng giao UBND tỉnh Trà Vinh có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về kinh tế và môi trường để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng NTM.

Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, những ngày đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tỉnh gặp nhiều khó khăn. Trà Vinh là tỉnh ven biển có điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế biển và ven biển như công nghiệp, nông nghiệp, du lịch… Tỉnh có diện tích tự nhiên là 2.390,77km2, có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, 106 đơn vị hành chính cấp xã (tháng 12/2024 vừa qua, đã sáp nhập còn lại 104 đơn vị cấp xã). Trà Vinh là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đồng bào Khmer chiếm trên 30% dân số của tỉnh. Năm 2010, hạ tầng kinh tế - xã hội ở địa phương còn nhiều yếu kém chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đời sống và thu nhập của bà con nông dân còn gặp nhiều khó khăn.

Lúc bấy giờ, tất cả các xã chưa có quy hoạch nông thôn mới. Giao thông, bình quân các cấp đường giao thông nông thôn được cứng hóa chỉ đạt tỷ lệ 40% so với qui định, thấp nhất là đường trục chính nội đồng chỉ đạt tỷ lệ 25%, chưa có xã nào đạt tiêu chí này; thủy lợi cơ bản chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu phục vụ sản xuất; 70% trường học các cấp chưa đảm bảo về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; cơ sở vật chất văn hóa còn thô sơ, các xã, ấp chưa có nhà văn hóa, khu thể thao; về nhà ở dân cư còn nhiều nhà tạm, dột nát; tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao (chiếm 20,13%); thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 19,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ sử dụng điện sinh hoạt, chiếm 91,5%; nước hợp vệ sinh chiếm 94,8% (trong đó nước sạch chiếm 30%)...

“Nhưng cán bộ phụ trách từ tỉnh đến địa phương hết sức đồng lòng. Kết quả bước đầu đánh giá các tiêu chí NTM khiêm tốn, chỉ có 2/85 xã đạt 8 tiêu chí NTM, các xã còn lại chỉ đạt từ 7 tiêu chí trở xuống, bình quân chung của tỉnh chỉ đạt 4,9 tiêu chí/xã, chưa đánh giá được tỷ lệ ấp, hộ nông thôn mới. Bên cạnh đó, nguồn lực Trung ương phân bổ cho tỉnh thấp, nguồn lực của tỉnh còn hạn chế để đầu tư cho Chương trình. Tỉnh phát động thi đua xây dựng NTM”, ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh nói.

Đến kết quả khả quan

Đến nay, toàn tỉnh có 100% xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 60% xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 9 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 9/9 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đạt 100%. Trong đó, có 2 huyện Cầu Kè, Tiểu Cần được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện; thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn năm 2024 tăng xấp xỉ 4,05 lần so với năm 2010 (từ 18,53 triệu đồng năm 2010 lên 75,08 triệu đồng năm 2024), tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 23,63% năm 2010 xuống còn khoảng 0,87% năm 2024, khoảng cách phát triển giữa nông thôn - đô thị từng bước được thu hẹp. Tỷ lệ hộ có mức sống trung bình, khá, giàu trên địa bàn tỉnh đều tăng qua từng năm.

img
Công trình bờ kè thị trấu Cầu Kè góp phần địa phương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. (Ảnh: CTV)

Cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn có sự chuyển dịch tích cực, công nghiệp và dịch vụ nông thôn tăng trưởng nhanh, bền vững. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng ổn định; Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai có hiệu quả góp phần việc tạo việc làm và nâng cao thu nhập của người dân. Đến nay, toàn tỉnh đã có 393 sản phẩm OCOP được công nhận. Hình thành vùng nguyên liệu 5.276ha dừa hữu cơ đạt tiêu chuẩn EU, USDA, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Trà Vinh” cho quả dừa sáp và Hiệp hội Dừa Việt Nam công nhận cây dừa sáp trồng tại Trà Vinh là “Cây dừa Việt Nam”…

Công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã có bước đột phá lớn, nhất là vấn đề xử lý rác thải khu dân cư, tạo cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp và từng bước làm thay đổi nhận thức, trách nhiệm của người dân. Nhiều mô hình cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn, đã được các địa phương áp dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế.