Vướng mặt bằng, các dự án giao thông miền núi Quảng Ngãi hiện ra sao?
Ghi nhận của PV Báo Xây dựng, những ngày gần cuối tháng 4/2025, trên các công trường giao thông ở địa bàn miền núi Quảng Ngãi đang được tăng tốc thi công với tinh thần khẩn trương để hoàn thành đưa vào khai thác ngay năm nay.
Hối hả trên công trường những dự án giao thông huyết mạch
Tranh thủ thời tiết nắng ráo, nhà thầu thi công dự án đường DH77 (Di Lăng - Sơn Bao) huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi hối hả đắp đất, thi công hệ thống các cầu trên tuyến.

Công tác thảm bê tông nhựa đoạn đầu tuyến đường DH77 được nhà thầu khẩn trương thực hiện để đảm bảo hoàn thành đưa dự án về đích.
Ngay đoạn đầu tuyến, sau khi hoàn thành nền đường và bó vỉa, nhà thầu Tấn Khánh Hưng đẩy nhanh thi công thảm nhựa mặt đường. Mũi thi công "dàn trận" triển khai từng công đoạn dải thảm bê tông nhựa nóng, lu nén liên tục. Nhiều hộ dân sinh sống ven tuyến cho biết, tuyến đường thay áo mới, không còn cảnh ổ gà, ngập nước hay bùn lầy mỗi khi mưa lớn.
Đại diện nhà thầu Tấn Khánh Hưng cho biết, hiện tại nguồn vốn năm 2025 bố trí cho hạng mục thảm bê tông nhựa chưa được phân khai. Song, vì tiến độ dự án, đơn vị chủ động tài chính thuê thiết bị, mua sắm vật tư để tăng tốc thi công. Đảm bảo cùng liên danh nhà thầu thi công hoàn thành công trình như yêu cầu của chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Xuân Hoàng, giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Sơn Hà cho biết, dự án đường DH77 dài hơn 6,5km, vốn đầu tư 50 tỷ đồng. Sau hơn 2 năm, khối lượng hoàn thành trên 70%. Trong đó, đã thảm nhựa hơn 4km, đang tập trung thi công các cống thoát nước ngang cùng một số hạng mục liên quan.
"Dự án đang gặp một số khó khăn, nhất là mặt bằng chưa được xử lý dứt điểm. Tuy vậy, chúng tôi sẽ tập trung xử lý rốt ráo, đưa dự án về đích đúng tiến độ", ông Hoàng nói.

Tiến độ các dự án giao thông ở miền núi Quảng Ngãi đang được đẩy nhanh để đảm bảo hoàn thành trước khi không có còn chính quyền cấp huyện.
Tại huyện Sơn Tây, công trình cầu Sơn Mùa bắc qua sông Đăk Đrinh đã nên hình, nên dáng với những trụ cầu được thi công xong, nhà thầu đã hoàn thành lao lắp dầm, tổ chức thi công bản mặt cầu. Trên công trường dự án, hàng chục đầu xe cơ giới, thiết bị phục vụ thi công dự án tấp nập ra vào. Hai bên mố cầu, nhà thầu đang tập kết đất, đá để thi công.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Trường Giang cho biết, công trình cầu Sơn Mùa là tuyến giao thông huyết mạch của địa phương. Sau hơn 2 năm thi công, giá trị xây lắp đạt khoảng 65%.
Địa phương chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu cần tăng cường công tác tổ chức thi công, bố trí thêm nhân lực, vật lực và tài chính, tăng mũi thi công đảm bảo hoàn thành công trình trong năm, vượt tiến độ so với hợp đồng ký kết.
Được biết, cầu Sơn Mùa dài 437m, trong đó phần cầu dài gần 180m với 6 trụ, 2 mố; phần còn lại là đường dẫn 2 đầu cầu. Dự án khởi công cuối năm 2023, có tổng mức đầu tư hơn 79 tỷ đồng. Công trình được đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác sẽ giải quyết bài toán giao thông trên tuyến, thay thế cho cầu Sơn Mùa cũ xuống cấp, hư hỏng không đảm bảo an toàn.

Cầu Sơn Mùa hoàn thành trên 65% sản lượng xây lắp, nhà thầu đang tập trung cao độ cho công tác mặt cầu.
Cạnh cầu Sơn Mùa, công tác thi công tuyến kè sông Đăk Đrinh cũng nhộn nhịp không kém. Cả công trường dự án như bước vào giai đoạn nước rút. Ghi nhận cho thấy, phần lớn mái kè đã được nhà thầu hoàn thiện, phần đỉnh kè một số đoạn tuyến đã được đổ bê tông kiên cố. Từ đường Đông Trường Sơn nhìn qua, tuyến kè như bức tường kiên cố bảo vệ dãy nhà dân nằm sát bên sông.
Đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Sơn Tây cho biết, tiến độ dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra, nhà thầu đang chạy đua để hoàn thành dự án trong tháng 6/2025.
Tập trung tháo gỡ vướng mắc
Trong khi đó, tại huyện miền núi Trà Bồng, công tác tổ chức thi công cầu Trà Bói cũng đang được tổ chức khẩn trương. Ghi nhận cho thấy, trên công trường dự án, nhà thầu đang đẩy mạnh việc khoan cọc, đổ trụ cầu.
Tuy nhiên, theo đại diện nhà thầu, công địa thi công hai đầu cầu còn vướng mặt bằng, gây cản trở thi công và khó khăn trong triển khai thiết bị cơ giới.
Để đảm bảo tiến độ dự án và giải ngân vốn, huyện Trà Bồng đang tích cực vào cuộc, phê duyệt phương án bồi thường để sớm bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu tổ chức thi công xuyên suốt.
Trong khi đó, dự án đường tránh tây thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà dài hơn 2km, vốn đầu tư 70 tỷ đồng. Sau nhiều năm thi công, đến nay vẫn trong tình trạng dang dở.
Ghi nhận dọc tuyến cho thấy đoạn nhà thầu thi công xong nền đường, rải cấp phối. Một số đoạn nham nhở do vướng mặt bằng.
Trên công trường dự án, nhiều vật tư, thiết bị cơ giới để lâu không sử dụng đã gỉ sắt, hư hỏng, xuống cấp. Người dân địa phương phản ánh, nhiều tháng qua công trường hầu như không có công nhân làm việc.

Dự án đường tránh tây thị trấn Di Lăng thi công dang dở do vướng mặt bằng, huyện Sơn Hà đang tích cực tháo gỡ.
Theo kế hoạch, dự án đường tránh tây thị trấn Di Lăng dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trong tháng 4/2024, song đến nay mọi thứ vẫn ngổn ngang. Dọc tuyến chính, nhiều hộ dân chưa được di dời.
Lý giải tiến độ dự án chậm trễ, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Sơn Hà cho biết, nguyên nhân là do vướng trong khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Theo ông Hoàng, hiện dự án còn vướng 56 thửa đất, trong đó, có 48 thửa đất thuộc diện bố trí đất tái định cư. Chậm trễ này có phần nguyên nhân từ việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của huyện đến năm 2030 chậm phê duyệt và hệ số điều chỉnh giá đất của tỉnh cũng chưa được ban hành, khiến chủ đầu tư không có cơ sở để phê duyệt phương án bồi thường.
"Để tháo gỡ vướng mắc, tăng tốc thi công hoàn thành dự án, chủ đầu tư phối hợp với các tổ chức và hộ gia đình, cá nhân tổ chức đo đạc, kiểm kê đất đai và tài sản gắn liền với đất bị ảnh hưởng bởi dự án để lập phương án bồi thường. Trên cơ sở đó, trình UBND huyện ban hành quyết định bồi thường cho người dân", ông Hoàng cho hay.