Xóa sổ căn bệnh truyền nhiễm một thời 80 - 90% dân số Việt Nam mắc phải
Sau 7 thập kỷ nỗ lực, hôm nay 14/4, Bộ Y tế tổ chức Lễ công bố thanh toán bệnh mắt hột tại Việt Nam, đẩy lùi căn bệnh truyền nhiễm một thời gây mù lòa ra khỏi cộng đồng. Việt Nam nằm trong 21 quốc gia đã thành công trong việc thanh toán bệnh mắt hột.
Tại Lễ công bố thanh toán bệnh mắt hột tại Việt Nam, ông Phạm Ngọc Đông, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương chia sẻ: Hành trình thanh toán bệnh mắt hột ở Việt Nam trải qua nhiều thập kỷ, mang lại nhiều kinh nghiệm quý giá.

Việt Nam là 1 trong 21 quốc gia đã thanh toán căn bệnh mắt hột (ảnh minh họa).
Việc đẩy lùi căn bệnh này cũng nhờ vào sự kiên trì nghiên cứu ứng dụng công nghệ nhãn khoa tiên tiến trong khám, chẩn đoán, điều trị các bệnh về mắt; huy động các nguồn lực xã hội và tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè đồng nghiệp quốc tế trong công tác phòng chống mù lòa ở Việt Nam.
Bệnh mắt hột do vi khuẩn Chlamydia trachomatis. Bệnh lan truyền qua tiếp xúc với dịch tiết từ mắt hoặc mũi của người bị nhiễm bệnh.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh đau mắt hột bao gồm: Điều kiện sống thấp; Những người sống trong điều kiện không gian hẹp cũng có nguy cơ lây nhiễm cao hơn; Vệ sinh kém; Trẻ em từ 4 đến 6 tuổi là độ tuổi dễ mắc đau mắt hột nhất. Địa bàn không có nhà vệ sinh hay các côn trùng như ruồi, nhặng khiến bệnh dễ lây lan và bùng phát thành dịch.
Bệnh mắt hột nếu được phát hiện sớm có thể được điều trị bằng kháng sinh. Nếu bệnh không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng, bao gồm: Viêm kết mạc bờ mi; Sẹo mí mắt bên trong; Biến dạng mí mắt; Sẹo giác mạc, viêm loét giác mạc; Lông xiêu, lông quặm, khô mắt.
Cách đây 70 năm, trước bối cảnh bệnh mắt hột chiếm tới 80 - 90% dân số, 15% số người bị lông quặm do bệnh mắt hột, tỷ lệ gây mù cho 2% dân số vùng nông thôn. Nhiều thập kỷ sau đó, phong trào phòng chống bệnh mắt hột lan rộng khắp cả nước. Viện Mắt hột – Bệnh viện Mắt Trung ương trong vai trò hạt nhân của ngành Mắt, vừa triển khai các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các phương pháp tiên tiến trong phòng chống bệnh mắt hột; Đến các hoạt động triển khai xây dựng, đào tạo mạng lưới cán bộ nhãn khoa ở các địa phương, thành lập các đoàn xe lưu động khám mắt, mổ quặm ở cộng đồng; phát động các phong trào tuyên truyền, phổ biến kiến thức toàn dân giữ gìn vệ sinh cá nhân, phòng chống bệnh mắt hột và các biến chứng liên quan.
Dù chính thức công bố thanh toán bệnh mắt hội, nhưng Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay: "Chúng ta không chủ quan với thành quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, bên cạnh các hoạt động tuyên truyền phòng bệnh, nâng cao nhận thức cộng đồng về căn bệnh này, phát động các phong trào cải thiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân".
Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, Tiến sĩ Angela Pratt cho biết, bệnh mắt hột là căn bệnh của đói nghèo. Về thành công thanh toán bệnh mắt hột Tại Việt Nam, TS. Angela Pratt nhấn mạnh: "Những cộng đồng ở vùng sâu vùng xa không có nước sạch và vệ sinh là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhưng Việt Nam đã chứng minh rằng có thể tiếp cận được những nhóm dân cư khó tiếp cận nhất, đầu tư đúng mức để bảo vệ sức khỏe của người dân và đảm bảo một tương lai không còn bệnh mắt hột".