Xã hội

15 năm gieo chữ của người thầy vượt lên số phận

04/07/2025, 06:00

Từ một cậu bé mang di chứng chiến tranh đến người thầy tận tụy 15 năm gieo chữ không mỏi, thầy Chu Quang Đức không chỉ viết nên câu chuyện cuộc đời bằng nghị lực phi thường, mà còn tiếp tục thắp sáng ước mơ tri thức cho bao thế hệ học trò.

Tuổi thơ gian khó

Ngay từ lúc chào đời, Chu Quang Đức mang trong mình nhiều thiệt thòi do ảnh hưởng chất độc da cam. Cha anh là một cựu chiến binh từng chiến đấu tại chiến trường miền Trung. Cơ thể gầy yếu, tay chân teo tóp khiến những bước đi đầu đời của Đức trở thành một hành trình đầy thử thách.

15 năm gieo chữ của người thầy vượt lên số phận- Ảnh 1.

Thầy Chu Quang Đức hướng dẫn học sinh cách làm bài.

Tưởng chừng số phận đã khép lại cánh cửa tương lai, nhưng trong trái tim nhỏ bé ấy lại rực sáng ý chí vươn lên từ nghịch cảnh.

Ông Chu Quang Chiến, cha của thầy Đức xúc động nhớ lại: "Từ nhỏ, Đức không thể tự đến trường do sức khỏe yếu, tôi vẫn đều đặn đưa con đến trường bằng chiếc xe đạp cũ kỹ từ khi học tiểu học rồi lên trung học.

Nhà tôi làm nông, cuộc sống vất vả lắm, vợ chồng tôi chạy ăn từng bữa để nuôi 5 đứa con nhỏ. Nhưng thấy con ham học, tôi không đành để con bỏ dở giấc mơ".

Thế nhưng, dù có bố mẹ đồng hành, con đường học tập của Đức chưa từng bớt gian truân. Việc học đối với Đức chưa bao giờ là điều dễ dàng.

Đôi tay không lành lặn khiến cậu không thể cầm bút ghi chép như các bạn, buộc phải vận dụng tối đa khả năng nghe hiểu trong giờ học, rồi mượn vở bạn bè chép lại bài học.

Với những nội dung khó, Đức kiên trì đọc đi đọc lại nhiều lần cho đến khi nắm chắc kiến thức. Trên hành trình đến lớp, cậu luôn nhận được sự đồng hành của bố và người thân, ngày ngày đưa đón bất kể nắng mưa.

Dù đường đất trơn trượt và tai nạn xảy ra thường xuyên, Đức chưa bao giờ nản chí. Cũng nhờ ý chí bền bỉ ấy, suốt 12 năm học phổ thông Đức đều giữ vững danh hiệu học sinh giỏi.

Giấc mơ thành hiện thực

Mơ ước trở thành giáo viên, mang kiến thức về những miền quê còn nhiều khó khăn, đã thôi thúc chàng trai sinh năm 1984 này thi đỗ Khoa Toán - Tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Năm 2002, anh tốt nghiệp cử nhân, đánh dấu thành quả của hàng ngàn giờ học tập bền bỉ. Khóa luận tốt nghiệp của anh đạt điểm tuyệt đối và nằm trong top 10 đề tài xuất sắc nhất toàn khóa.

15 năm gieo chữ của người thầy vượt lên số phận- Ảnh 2.

Thầy Đức luôn tận tâm với nhiều thế hệ học trò.

"Lên đại học, bố tôi tiếp tục đồng hành cùng tôi đến trường. Hai bố con thuê trọ gần trường để tiện đi lại. Những ngày đầu, bố đẩy xe lăn đưa tôi đến lớp, có lúc phải bế tôi lên tận giảng đường tầng bốn. Sau đó, bố vừa đi làm thuê để có thêm thu nhập, vừa tiếp tục hỗ trợ tôi học hành", thầy Đức nghẹn ngào chia sẻ.

Anh Dũng, bạn học cùng lớp với thầy Đức năm xưa nhớ lại: "Chúng tôi không ai coi việc giúp Đức là gánh nặng, mà là niềm vui. Cậu ấy không than vãn, không né tránh khó khăn mà luôn mỉm cười đón nhận mọi điều với thái độ tích cực. Chính tinh thần ấy đã lan tỏa, khiến ai tiếp xúc cũng muốn dang tay giúp đỡ".

Sau những năm miệt mài học tập, Đức chọn làm việc tại Trung tâm Trợ giúp nạn nhân chiến tranh Hà Nội.

Ở đây, anh tìm thấy điểm tựa nghề nghiệp và sự đồng cảm sâu sắc với những phận đời chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh. Những buổi tư vấn của anh không chỉ xoa dịu nỗi đau, mà còn tiếp thêm niềm tin cho những mảnh đời bất hạnh.

Năm 2010, thầy Đức trở về giảng dạy môn Tin học tại Trường THPT Mê Linh, nơi đã ươm mầm ước mơ sư phạm của mình.

Thầy Nguyễn Duy Chung, Hiệu trưởng Trường THPT Mê Linh, cũng là giáo viên chủ nhiệm cũ của thầy Đức, tự hào chia sẻ: "Tôi vẫn nhớ hình ảnh cậu học trò ngồi trên chiếc xe lăn nhưng luôn tràn đầy tinh thần chiến thắng số phận và khát vọng tri thức.

Khi trở thành đồng nghiệp, tôi càng thêm khâm phục. Sự bền bỉ và tận tụy của thầy là tấm gương sáng cho cả giáo viên và học trò noi theo".

Lặng lẽ với sứ mệnh người thầy

"Tôi thường kể cho học trò nghe về hành trình học tập đầy gian khó của mình, về những hy sinh lặng thầm của cha mẹ. Tôi kiếm được đồng tiền đầu tiên bằng chính sức lực và tri thức của mình để đỡ đần cha mẹ, tôi cảm thấy hạnh phúc và biết ơn vô cùng. Tôi luôn dặn các em học sinh rằng: "Đừng bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ cuộc".

15 năm gieo chữ của người thầy vượt lên số phận- Ảnh 3.

Trường THPT Mê Linh - nơi thầy Đức công tác.

Suốt gần hai thập kỷ gắn bó với bục giảng, thầy Đức không chỉ là người truyền đạt tri thức, mà còn là người gieo cho học sinh niềm tin vào chính mình. Những tiết học của thầy không chỉ là con chữ, mà còn là những câu chuyện thấm đẫm trải nghiệm của chính thầy.

Dù đã ra trường nhiều năm, Phạm Phương Chi, cựu học sinh Trường THPT Mê Linh, vẫn không giấu nổi xúc động khi nhắc về người thầy đặc biệt của mình: "Giờ học của thầy lúc nào cũng gần gũi và tràn đầy cảm hứng. Thầy là người khiến em tin rằng, chỉ cần cố gắng, ai cũng có thể viết nên câu chuyện thành công của riêng mình".

Em Lê Trần Phương Thảo, học sinh lớp 12A9, Trường THPT Mê Linh xúc động chia sẻ: "Chính hình ảnh kiên cường và tinh thần lạc quan của thầy đã giúp chúng em hiểu rằng, chỉ cần không ngừng nỗ lực và tin vào bản thân, mọi giới hạn đều có thể vượt qua".

Những nỗ lực bền bỉ của thầy Đức không chỉ ghi dấu trong lòng học trò, mà còn được xã hội ghi nhận bằng những phần thưởng xứng đáng.

Năm 2012, thầy Đức được Thành đoàn Hà Nội vinh danh là một trong 10 Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu. Cùng năm, thầy nhận Giấy khen của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Hà Nội và Giải thưởng "Khi Tổ quốc cần" do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trao tặng.

Năm 2020, thầy là đại biểu TP Hà Nội tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.