Cân nhắc phương án đầu tư mở rộng cao tốc Bắc - Nam
Dù nhận được đề xuất tham gia của nhiều doanh nghiệp giao thông lớn, phương án đầu tư mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo phương thức đối tác công - tư (PPP) vẫn đang được các cấp có thẩm quyền nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm hiệu quả, tiến độ.
Cuộc đua của các "ông lớn"
Gần hai tháng kể từ ngày làm việc với Bộ Xây dựng về phương án đầu tư mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, văn bản xin làm nhà đầu tư dự án của các doanh nghiệp giao thông liên tục được gửi đến cấp có thẩm quyền.

Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn được đầu tư mở rộng lên 6 làn xe.
Mới nhất (5/7), Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường gửi văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng xem xét, chấp thuận chủ trương cho phép nghiên cứu, làm nhà đầu tư 9 đoạn tuyến theo phương thức PPP, hợp đồng BOT. Tổng chiều dài các đoạn tuyến là 415km, tổng mức đầu tư khoảng hơn 59.600 tỷ đồng.
Trước đó, Tập đoàn Đèo Cả từng hai lần gửi văn bản đề xuất lãnh đạo Chính phủ phương án đầu tư mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Phương án 1 phân chia thành 7 dự án thành phần, phù hợp cho nhiều doanh nghiệp cùng tham gia thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Phương án 2 phân chia thành 3 dự án thành phần, phù hợp với mô hình một số doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư theo phương thức PPP.
Cuối tháng 5/2025, Tập đoàn Sơn Hải cũng gửi văn bản đề xuất lãnh đạo Chính phủ, Bộ Xây dựng xem xét, cho phép doanh nghiệp đầu tư mở rộng theo quy mô hoàn chỉnh cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Hoài Nhơn đến Nha Trang bằng 100% vốn nhà đầu tư, gồm các đoạn: Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang.
Đầu tháng 6/2025, thêm một "ông lớn" xuất hiện là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành với đề xuất là nhà đầu tư đoạn Vũng Áng - Bùng - Vạn Ninh (chiều dài 104km) và Phan Thiết - Dầu Giây (chiều dài 99km) theo phương thức PPP.
Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) cũng đề xuất cho phép là nhà đầu tư dự án trên tổng chiều dài khoảng 300km, tổng mức đầu tư hơn 45.300 tỷ đồng theo phương thức PPP.
Ngày 2/7, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng xem xét cho VEC chủ trì hợp tác với SCIC và một số nhà đầu tư khác nghiên cứu mở rộng các đoạn tuyến từ Mai Sơn đến Diễn Châu và từ Bãi Vọt đến Cam Lộ theo từng giai đoạn. Tổng mức đầu tư hơn 61.700 tỷ đồng.
Cần sự điều tiết hài hòa
Theo PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (Varsi), đối với một số dự án/đoạn tuyến được đánh giá có lưu lượng tốt, hiệu quả kinh tế cao cùng nhận được nguyện vọng tham gia của nhiều nhà đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là phương án có thể tính tới. Khi ấy, các doanh nghiệp có thể liên danh, liên kết, tập hợp sức mạnh tham gia dự thầu.
Ông Trần Anh Tú, Tổng giám đốc Vidifi cho biết, định hướng tham gia độc lập hay liên danh sẽ được đơn vị xác định rõ dựa trên phương án đầu tư/phân chia đoạn tuyến và khối lượng công việc được giao (nếu có).
Trường hợp quy mô quy mô đoạn tuyến vừa phải, trong vòng năng lực, Vidifi sẽ nghiên cứu, cân đối nguồn lực đầu tư độc lập. Nếu dự án/gói thầu lớn, cần nguồn lực lớn, doanh nghiệp sẵn sàng "bắt tay" với một số doanh nghiệp khác.
Ở góc nhìn khác, ông Phạm Hồng Quang, Tổng giám đốc VEC cho rằng, sự điều tiết hài hoà từ phía cấp có thẩm quyền sẽ là giải pháp tốt trong trường hợp nhiều doanh nghiệp cùng quan tâm một dự án.
"Ví dụ, một nhà đầu tư chọn một dự án có lưu lượng lớn, hiệu quả đầu tư cao sẽ đồng thời phải tham gia một số dự án ít tiềm năng hơn", ông Quang chia sẻ.
Phân chia quy mô đầu tư thế nào?
Đề xuất phương án đầu tư mở rộng 15 dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông, hai phương án đầu tư đã được Bộ Xây dựng báo cáo lãnh đạo Chính phủ.
Phương án 1, gộp các đoạn tuyến cao tốc thành 1 dự án (gồm 15 dự án thành phần), tổng chiều dài 966km, tổng mức đầu tư khoảng 128.292 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng).
Phương án 2, tách thành 2 dự án (mỗi khu vực một dự án). Dự án 1 gồm 8 dự án thành phần từ Mai Sơn đến Cam Lộ, tổng chiều dài khoảng 415km, tổng mức đầu tư khoảng 54.182 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng).
Dự án 2 bao gồm 7 dự án thành phần từ Quảng Ngãi đến Dầu Giây, tổng chiều dài khoảng 551km, tổng mức đầu tư 74.110 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng).
Ủng hộ phương án 2, ông Trương Việt Đông, Chủ tịch HĐTV VEC cho rằng, phương án này có tổng mức đầu tư nhỏ hơn, thuận lợi trong lựa chọn nhà đầu tư. Song, một số hạn chế vẫn có thể gặp phải như thời gian triển khai thi công không đồng thời trên toàn tuyến; tăng chi phí quản lý do công địa thi công không liên tục.
Trên cơ sở đó, VEC đề xuất mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam theo phương án 2 và phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, triển khai đầu tư mở rộng từ năm 2026 với 3 dự án thành phần thuộc dự án 1, 2 dự án thành phần thuộc dự án 2. Giai đoạn 2, đầu tư mở rộng sau khi kết thúc thời gian bảo hành của các nhà thầu thi công giai đoạn trước (sau năm 2028)...
Chủ tịch Varsi Trần Chủng cho rằng, việc phân chia dự án thành phần/gói thầu cần nghiên cứu phù hợp, dựa trên sự đánh giá về năng lực của các doanh nghiệp trong nước, khả năng huy động vốn chủ sở hữu của họ. Quy mô dự án nên nghiên cứu trong khoảng 20.000 - 30.000 tỷ đồng. Thời gian thu hồi vốn từ 15 - 20 năm.
Nghiên cứu hình thức hợp đồng O&M
Tại văn bản báo cáo lãnh đạo Chính phủ số 6314 ngày 4/7/2025, Bộ Xây dựng đề xuất sau khi hoàn thành toàn bộ các dự án thành phần trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ triển khai tổ chức thu phí các đoạn tuyến đầu tư công theo Nghị quyết của Quốc hội, quy định của Luật Đường bộ (dự kiến từ tháng 1/2026).
Quá trình thu phí, Bộ Xây dựng sẽ lựa chọn các nhà đầu tư PPP theo quy định, ưu tiên đầu tư theo phương án O&M (kinh doanh - quản lý) kết hợp BOT trên toàn tuyến để đồng bộ, phát huy hiệu quả toàn tuyến.
Ủng hộ đề xuất trên, Chủ tịch Varsi Trần Chủng cho rằng, việc xem xét áp dụng đồng thời hai hình thức hợp đồng O&M và BOT là việc cần tính tới, đặc biệt là các dự án thành phần trước đây được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước.