Đường sắt đô thị

Chuyên gia bàn giải pháp vận hành đường sắt đô thị an toàn

17/04/2025, 21:56

Chiều 17/4, Trường Cao đẳng Đường sắt phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức hội thảo "An toàn trong vận hành đường sắt đô thị" tại Hà Nội, kết nối trực tuyến với các điểm cầu ở Đà Nẵng và phía Nam.

Yêu cầu về an toàn, kỹ thuật trong vận hành metro cao hơn đường sắt quốc gia

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án Hợp tác kỹ thuật "Tăng cường năng lực đào tạo đường sắt đô thị cho Trường Cao đẳng Đường sắt", nhằm nâng cao kiến thức, nhận thức và triển khai các cơ chế phòng ngừa tai nạn trong vận hành metro - loại hình giao thông đô thị hiện đang được phát triển tại Hà Nội và TP.HCM.

Chuyên gia bàn giải pháp vận hành đường sắt đô thị an toàn- Ảnh 1.

Yếu tố an toàn trong đường sắt đô thị được quan tâm hàng đầu.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trương Trọng Vương - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đường sắt - nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn vận hành metro một cách thường xuyên, liên tục. Từ dự án hợp tác với JICA, nhà trường đã mời các chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản và Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế.

Theo các chuyên gia, đường sắt đô thị có nhiều đặc điểm khác biệt so với hệ thống đường sắt quốc gia, như hoạt động với tần suất cao, khối lượng vận chuyển lớn, điện khí hóa toàn tuyến và chạy trên hạ tầng riêng biệt (cầu cạn, hầm ngầm). Do đó, yêu cầu về an toàn và kỹ thuật trong vận hành metro cũng cao hơn, trong khi kinh nghiệm xử lý sự cố tại Việt Nam còn hạn chế.

Chuyên gia bàn giải pháp vận hành đường sắt đô thị an toàn- Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Hữu Thiện.

PGS.TS Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, đường sắt đô thị là loại hình vận tải đòi hỏi độ tin cậy, tính an toàn và sự êm thuận cao trong quá trình vận hành. Trong đó, kết cấu tầng trên của đường ray đóng vai trò then chốt. Đường ray cần được thiết kế phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện làm việc thực tế. Các yếu tố như loại ray, chiều dài ray, phương pháp hàn và xử lý ứng suất nhiệt đều phải được tính toán kỹ lưỡng. Việc xử lý ứng suất sau hàn cũng cần tuân thủ nghiêm ngặt để tránh biến dạng nhiệt gây mất an toàn.

Các bộ phận như tà vẹt, phụ kiện liên kết ray và tấm đệm đàn hồi phải bảo đảm đủ độ bền, cách điện và tính đàn hồi phù hợp. Thi công chính xác và kiểm soát sai số trong giới hạn cho phép là điều kiện tiên quyết để đảm bảo đoàn tàu vận hành ổn định, giảm rung lắc và kéo dài tuổi thọ kết cấu.

"Để nâng cao an toàn trong khai thác, cần thường xuyên kiểm tra các chỉ tiêu động như gia tốc dao động của ray khi tàu chạy qua. Đây là cơ sở đánh giá chất lượng kết cấu tầng trên trong điều kiện làm việc thực tế. Mọi dấu hiệu bất thường như dao động vượt ngưỡng, âm thanh lạ tại mối nối, hay độ võng không bình thường của ray đều phải được xử lý kịp thời để ngăn ngừa sự cố đáng tiếc", PGS.TS Nguyễn Hữu Thiện nhấn mạnh.

Theo ông, để đảm bảo an toàn vận hành metro tại Việt Nam, cần bắt đầu từ việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng kết cấu tầng trên của đường ray. Hệ thống phải được thiết kế đúng chuẩn, thi công chính xác, nghiệm thu đạt yêu cầu và duy trì kiểm tra trong suốt quá trình khai thác. Chỉ khi đó, hành trình mới thực sự an toàn, tiện nghi cho hành khách và góp phần phát triển bền vững giao thông đô thị tại các thành phố lớn.

Cần đội ngũ kỹ thuật viên trình độ chuyên môn cao

Chuyên gia bàn giải pháp vận hành đường sắt đô thị an toàn- Ảnh 3.

Ông Yokotobi chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong vận hành đường sắt.

Từ kinh nghiệm Nhật Bản, ông Yokotobi - điều tra viên Ủy ban An toàn giao thông Nhật Bản – chia sẻ, nước này phân loại tai nạn đường sắt thành 7 nhóm, bao gồm: đâm va, trật bánh, hỏa hoạn, tai nạn tại đường ngang, gây thiệt hại về người, đường bộ và tài sản.

Trong giai đoạn từ tháng 4/2023 đến tháng 3/2024, Nhật Bản ghi nhận 680 sự cố đường sắt, trong đó có tới 381 vụ gây thiệt hại về người.

Ông Yokotobi cũng nhấn mạnh quy trình điều tra tai nạn đường sắt tại Nhật Bản gồm 8 bước, trong đó đặc biệt coi trọng việc đưa ra khuyến nghị phòng ngừa và theo dõi hiệu quả khắc phục.

Từ những chia sẻ tại hội thảo, các chuyên gia khẳng định, để metro vận hành an toàn, cần đảm bảo chất lượng kết cấu hạ tầng ngay từ đầu, đồng thời đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên và giảng viên có trình độ chuyên môn cao. Đây là yếu tố then chốt giúp giao thông đô thị Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai.