Chính trị

Đề nghị cân nhắc quy định phân chia tỷ lệ tiền sử dụng đất, thuê đất

26/05/2025, 15:16

Tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) sáng 26/5, nhiều đại biểu băn khoăn về quy định phân chia tỷ lệ giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. HCM) cho biết, dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) quy định với các địa phương không nhận bổ sung cân đối ngân sách, phân chia tỷ lệ ở tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo hướng ngân sách Trung ương hưởng 30% còn địa phương hưởng 70%. Trong khi đó, theo Luật Ngân sách hiện hành, địa phương được hưởng 100% từ nguồn này.

Đề nghị cân nhắc quy định phân chia tỷ lệ tiền sử dụng đất, thuê đất- Ảnh 1.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân phát biểu đóng góp ý kiến. Ảnh: Media Quốc hội.

Theo đại biểu, quy định trên nhằm nâng cao vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, tuy nhiên đề nghị Quốc hội cân nhắc thời điểm và bối cảnh.

Ông cho biết, trong tình hình hiện nay để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 2 con số, phát huy được tiềm năng, lợi thế các địa phương khi hợp nhất, sáp nhập nhằm mở rộng không gian phát triển và kết nối các khu vực, nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng tại các địa phương rất lớn, đặc biệt tại các đô thị lớn.

Lấy ví dụ tại TP.HCM, theo kế hoạch đầu tư dự trù năm 2026 – 2030, TP. HCM cần nguồn lực đầu tư công 1,1 triệu tỷ đồng; trong đó, nguồn thu từ đất khoảng 550 nghìn tỷ đồng. Nếu phân chia theo tỷ lệ trên, tức địa phương sẽ hụt thu 165 nghìn tỷ đồng trong 5 năm, tương ứng mỗi năm hụt thu khoảng 33 nghìn tỷ đồng.

"Điều này sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai đầu tư công của thành phố trong giai đoạn 2026 – 2030", ông nói và cho biết, TP.HCM rất cần nguồn lực để triển khai các dự án giao thông trọng điểm.

Trong đó có đề án đường sắt đô thị, các tuyến đường kết nối TP.HCM với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sau khi sáp nhập, các dự án mở rộng quốc lộ 1, quốc lộ 22, quốc lộ 13 và thực hiện xây dựng các cầu quan trọng như: cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Bình Tiên, cầu Nguyễn Khoái.

Từ đó, đại biểu đề nghị xem xét việc chia tỷ lệ ngân sách từ nguồn này, trước mắt trong 10 năm tới chưa thu, nếu thu chỉ nên thu ở mức tối đa từ 5 - 10%.

Đề nghị cân nhắc quy định phân chia tỷ lệ tiền sử dụng đất, thuê đất- Ảnh 2.

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) tham gia thảo luận. Ảnh: Media Quốc hội.

Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) cho rằng, nếu trong ngắn hạn thực hiện ngay việc phân chia tỷ lệ thu ngân sách cần cân nhắc sao cho các địa phương, đặc biệt là các địa phương đang tự cân đối được ngân sách không phải phụ thuộc vào ngân sách Trung ương khi triển khai.

Lấy ví dụ tỉnh Quảng Ninh, nếu triển khai phương án 1, tổng thu ngân sách của Quảng Ninh trong năm 2025 theo phương án trên sẽ mất cân đối khoảng 4.300 tỷ đồng; trong đó, thuế đất giảm khoảng 2.000 tỷ đồng.

Theo đại biểu Hà, thực tế quy mô thu các khoản tiền sử dụng đất, thuế đất phụ thuộc rất lớn vào trình độ phát triển kinh tế - xã hội, năng lực tổ chức thực hiện của các địa phương và quy định của nhà nước về quản lý kinh tế và đất đai, khả năng thu hút đầu tư từng địa phương.

Đề nghị cân nhắc quy định phân chia tỷ lệ tiền sử dụng đất, thuê đất- Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng giải trình, tiếp thu ý kiến ĐBQH tại thảo luận ở hội trường về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Ảnh: Media Quốc hội.

Giải trình ý kiến của các ĐBQH, ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội tiếp thu chưa quy định tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương trong luật, trừ khoản thu tiền đất, tiền thuê đất được phân chia từ dự toán ngân sách năm 2026.

Trong năm 2026 khi Luật có hiệu lực sẽ giao Chính phủ xây dựng trình Quốc hội để quy định tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cho phù hợp và đảm bảo ổn định lâu dài.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương đã được chỉ đạo tại Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương và Kết luận 93 của Bộ Chính trị, mục tiêu đến năm 2030 ngân sách trung ương phải chiếm từ 58 - 60% trong tổng chi ngân sách, có nghĩa là từ năm 2026 đã phải triển khai thực hiện nội dung này.

Chính vì vậy, nếu Luật Ngân sách sửa đổi không quy định tỷ lệ phân chia các khoản thu ngân sách trung ương và địa phương, sẽ không thực hiện được những chỉ đạo của Bộ Chính trị, Trung ương về nâng cao vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương để triển khai trong thời gian tới.

Mặt khác, dự thảo Luật quy định thực hiện phân chia tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương thống nhất trong cả nước theo Nghị quyết 18 trên cơ sở các ý kiến góp ý vào thực tế Luật Thủ đô mới được Quốc hội thông qua năm 2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Hiện nay, TP Hà Nội đang tập trung triển khai rất nhiều dự án, công trình trọng điểm, do đó, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Bộ Tài chính sẽ rà soát, nghiên cứu và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội tiếp thu nội dung TP Hà Nội được giữ lại 100% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của Luật Thủ đô.