Đề xuất cấp xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật khi bỏ cấp huyện
Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đề xuất bổ sung lại thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với cấp xã khi không còn cấp huyện.
Bộ Tư pháp đang thẩm định hồ sơ dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự luật này do Bộ Tư pháp soạn thảo, dự kiến trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 9 sắp tới.
Một trong những nội dung đáng chú ý mà cơ quan soạn thảo đề xuất liên quan đến thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật sau khi bỏ tổ chức cấp huyện.

Sau khi bỏ tổ chức mô hình cấp huyện, UBND cấp xã sẽ là nơi trực tiếp thực hiện hàng loạt thủ tục hành chính (ảnh minh họa).
Theo đó, dự thảo đề xuất bổ sung quy định về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp xã.
Điều này nhằm phù hợp với yêu cầu tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã hiện nay để hình thành các đơn vị hành chính cấp xã (mới) gồm xã, phường và đặc khu ở hải đảo để phù hợp với mô hình tổ chức mới.
Dự thảo cũng đề xuất thay thế quy định về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương cấp xã để phù hợp với chủ trương đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp.
Đồng thời, khắc phục triệt để sự chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền địa phương.
Cụ thể, dự thảo của Bộ Tư pháp đề xuất HĐND cấp xã ban hành nghị quyết để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp.
Còn UBND cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao; phân cấp và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp.
Đối với việc xử lý văn bản của chính quyền địa phương cấp huyện sau khi bỏ mô hình này, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định HĐND cấp tỉnh bãi bỏ nghị quyết của HĐND cấp huyện.
UBND cấp tỉnh bãi bỏ quyết định của UBND cấp huyện theo lộ trình chậm nhất 2 năm kể từ ngày luật có hiệu lực bãi bỏ toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp huyện.
Việc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện được thực hiện bằng 2 hình thức, gồm: HĐND cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh tự bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của HĐND cấp huyện, UBND cấp huyện; HĐND, UBND cấp xã khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật đồng thời đề xuất HĐND cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan do HĐND, UBND cấp huyện ban hành.
Nghị quyết số 74 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp nêu rõ, UBND cấp tỉnh lập hồ sơ đề án trước ngày 1/5. Trước ngày 30/5, Bộ Nội vụ thẩm định, lập hồ sơ đề án của Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, kế hoạch nêu rõ, trước ngày 1/5, UBND cấp tỉnh lập hồ sơ đề án. Trước ngày 30/5, Bộ Nội vụ lập hồ sơ đề án của Chính phủ để trình Quốc hội. Ủy ban Pháp luật và Tư pháp thẩm tra, Quốc hội xem xét, thông qua trước ngày 20/6.
Theo Kế hoạch, tổng kết việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp diễn ra trước ngày 20/9.