Đề xuất Hải Phòng được quyết định đầu tư dự án cảng biển từ 2.300 tỷ đồng
Sáng 17/4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35 năm 2021 của Quốc hội, thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.
Tăng cường phân cấp, phân quyền
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự thảo nghị quyết của Quốc hội quy định 6 nhóm chính sách lớn với 41 chính sách cụ thể. Trong đó, quy định về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý đầu tư; quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên, môi trường; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình (Ảnh: Media Quốc hội)
Về quản lý đầu tư, dự thảo nghị quyết đề nghị UBND thành phố Hải Phòng được chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng mới có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển Hải Phòng.
Với các dự án đầu tư xây dựng bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư trước thời điểm nghị quyết có hiệu lực, UBND thành phố có thẩm quyền chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư.
UBND thành phố được tổ chức quản lý, bảo trì những tuyến đường thủy nội địa quốc gia qua địa bàn; quản lý hoạt động cảng, bến thủy nội địa trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia qua địa bàn thành phố.
Ngoài ra, ngân sách thành phố được hưởng 100% nguồn thu phí, lệ phí tuyến đường thủy nội địa và quản lý hoạt động cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn thành phố.
Việc đầu tư, bảo trì tuyến đường thủy nội địa, cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn thành phố được sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Cũng theo nghị quyết, hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ hoạt động xuất, nhập khẩu (không bao gồm thuế giá trị gia tăng) để thực hiện đầu tư các dự án, công trình kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, khu thương mại tự do thế hệ mới và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đảo Bạch Long Vỹ, nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách Trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước và ngân sách Trung ương không hụt thu.
Dự thảo nghị quyết đề xuất cho phép thành phố thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng hạ tầng trung tâm logistics phục vụ cảng biển, cảng hàng không, cảng thủy nội địa với quy mô trên 50 ha; dịch vụ logistics phục vụ cho cảng biển, cảng hàng không, cảng thủy nội địa trên địa bàn với quy mô đến 50 ha.
Thành phố được cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng trung tâm logistics phục vụ cảng biển, cảng hàng không, cảng thủy nội địa, quy mô trên 50 ha.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đề xuất thành phố được thu hồi đất xen kẹt trong khu dân cư để tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất vào mục đích phát triển đô thị, thương mại - dịch vụ theo quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Thẩm tra dự thảo nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày báo cáo cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính tán thành việc ban hành nghị quyết và nhận thấy hồ sơ cơ bản đủ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày báo cáo thẩm tra (Ảnh: Media Quốc hội)
Tuy nhiên, Thường trực Uỷ ban đề nghị trong bối cảnh đang thực hiện chủ trương của Đảng về thay đổi địa giới hành chính, tờ trình cần đánh giá tổng thể, từ đó mở rộng phạm vi áp dụng nghị quyết cho địa bàn mới được sáp nhập; xây dựng chính sách đột phá, sáng tạo, bao quát, toàn diện.
Uỷ ban cũng đề nghị có chính sách đặc thù phù hợp để phát huy lợi thế, đặc điểm riêng biệt về vị trí địa lý, kinh tế, văn hóa đối với phần địa bàn mở rộng sau sáp nhập.
"Mặc dù dự thảo nghị quyết đã có điều khoản mở cho trường hợp sáp nhập, tuy nhiên quy định đó mới chỉ là nguyên tắc chung. Các đánh giá tác động, mục tiêu đặt ra hiện chỉ trên cơ sở địa giới hiện có, dân số hiện hữu, tiềm năng hiện nay của riêng Hải Phòng trước sáp nhập…", ông Mãi nói.
Ứng dụng khoa học, công nghệ tăng hiệu quả quản lý cảng biển
Nêu ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng tình ban hành nghị quyết và đề nghị Chính phủ có văn bản xin ý kiến Bộ Chính trị để áp dụng luôn cơ chế, đặc thù trong nghị quyết này với địa bàn sau sáp nhập.
Tại kỳ họp thứ 9, nếu Quốc hội thông qua, có thể áp dụng luôn cho địa bàn sau sáp nhập để đồng bộ.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn góp ý vào dự thảo nghị quyết (Ảnh: Media Quốc hội)
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nghị quyết cần mạnh mẽ, sâu hơn, bám sát và cập nhật ngay tinh thần, nội dung mới trong Nghị quyết Trung ương 10, 11.
Qua tờ trình của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận thấy, nghị quyết lần này đã mở rộng phân cấp, phân quyền theo đúng tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Trong đó, dự thảo nghị quyết mở rộng phạm vi cho Hải Phòng được quyết các dự án quy mô lớn hơn trên 2.300 tỷ đồng và quản lý đất đai. Điều này là hợp lý vì khi Hải Phòng sáp nhập với Hải Dương, diện tích rộng hơn nên cơ chế đất đai được quyết sẽ mạnh hơn.
Lưu ý nội dung ứng dụng công nghệ, Chủ tịch Quốc hội lấy ví dụ cảng của Singapore hiện đứng hàng đầu thế giới nhưng chỉ cần 30 nhân sự.
Ông cho rằng, nghị quyết này cần tăng cường chính sách về ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo vào quản lý cảng biển để có thể tăng năng suất và hiệu quả quản lý, đưa cảng biển Hải Phòng phát triển mạnh hơn.
Song song đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải bổ sung nội dung về môi trường để đảm bảo Hải Phòng phát triển nhanh nhưng phải bền vững.

Quang cảnh phiên họp (Ảnh: Media Quốc hội)
Góp ý dự thảo, Phó chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh quan tâm hai chính sách về đất đai và logistics. Trong đó, ông nhấn mạnh cần có tiêu chí cụ thể về đất xen kẹt Hải Phòng được phép thu hồi, tránh lạm dụng chính sách.
Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tán thành trình Quốc hội hồ sơ nghị quyết, đề nghị Chính phủ tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ.