Đường bộ

Đề xuất phân cấp địa phương làm cơ quan chủ quản 5 dự án cao tốc lớn

19/05/2025, 15:44

Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao các địa phương là cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư 5 tuyến cao tốc: Bắc Kạn - Cao Bằng, Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 2), Vinh - Thanh Thủy, Quảng Ngãi - Kon Tum và Quy Nhơn - Pleiku.

Phù hợp với quy định pháp luật đầu tư công

Bộ Xây dựng vừa có văn bản báo cáo lãnh đạo Chính phủ về việc giao cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư 5 tuyến đường bộ cao tốc: Bắc Kạn - Cao Bằng, Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 2), Vinh - Thanh Thủy, Quảng Ngãi - Kon Tum, Quy Nhơn - Pleiku.

Đề xuất phân cấp địa phương làm cơ quan chủ quản 5 dự án cao tốc lớn- Ảnh 1.

Theo đánh giá, việc giao các địa phương làm cơ quan chủ quản 5 dự án cao tốc là phù hợp với quy định hiện hành (Ảnh minh hoạ).

Phân tích cơ sở về đề xuất trên, Bộ Xây dựng cho biết, Nghị định 165/2024 quy định việc giao UBND cấp tỉnh là cơ quan quản lý quốc lộ để đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH, bảo đảm lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh và khả năng bố trí nguồn lực của địa phương. Nội dung này chỉ quy định việc bàn giao tài sản là các tuyến quốc lộ do Bộ Xây dựng đang quản lý, khai thác chuyển về địa phương quản lý.

Đối với 5 tuyến cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng, Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 2), Vinh - Thanh Thủy, Quảng Ngãi - Kon Tum, Quy Nhơn - Pleiku là các tuyến cao tốc chưa hình thành tài sản nên sẽ áp dụng theo quy định pháp luật về đầu tư công.

Tại khoản 4 và khoản 11 Điều 4 Luật Đầu tư công đã quy định: "Bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương là cơ quan chủ quản được Thủ tướng Chính phủ giao".

"Như vậy, việc Thủ tướng Chính phủ giao cơ quan chủ quản cho các địa phương là phù hợp theo quy định pháp luật về đầu tư công.

Thời gian qua, nhiều dự án cao tốc như: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột; Biên Hoà - Vũng Tàu; Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1); Hoà Bình - Mộc Châu; Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng; Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM... đã được Thủ tướng giao các địa phương làm cơ quan chủ quản tương tự 5 tuyến cao tốc nêu trên để triển khai thực hiện", Bộ Xây dựng dẫn chứng.

Thực hiện chủ trương của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và bảo đảm tiến độ triển khai dự án, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, quyết định việc giao các địa phương là cơ quan chủ quản của 5 tuyến cao tốc, làm cơ sở để các địa phương chủ động triển khai đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Nhiều thuận lợi nhưng cần chú trọng nâng cao năng lực

Ủng hộ chủ trương phân cấp cho địa phương đầu tư các dự án đường bộ cao tốc, PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), việc phân cấp, phân quyền sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi.

"Dự án đi qua, địa phương sẽ hưởng lợi trực tiếp. Đảm nhận vai trò tổ chức thực hiện, địa phương cũng phát huy tối đa trách nhiệm trong huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện, giải quyết các vướng mắc về mặt bằng, vật liệu vốn là những yếu tố quan trọng quyết định đến tiến độ các dự án giao thông", ông Chủng nói.

Đề xuất phân cấp địa phương làm cơ quan chủ quản 5 dự án cao tốc lớn- Ảnh 2.

PGS.TS Trần Chủng.

Mặc dù vậy, PGS.TS Trần Chủng cũng lưu ý, đường bộ cao tốc là công trình giao thông cấp đặc biệt. Riêng 5 dự án cao tốc được đề xuất đều có yếu tố địa hình, địa chất, thuỷ văn phức tạp, quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật cao.

Thực tế này đòi hỏi sự chuyên nghiệp từ công tác khảo sát thiết kế, quản lý giám sát, tổ chức thi công, nguồn nhân lực… Địa phương cần có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa, nâng cao năng lực để bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả đầu tư dự án.

Trong trường hợp đấu thầu, công tác đánh giá nhà thầu cũng cần được thực hiện nghiêm ngặt. Chủ đầu tư phải yêu cầu các nhà thầu chứng minh giá bỏ thầu, trúng thầu là khả thi, đáp ứng yêu cầu thiết kế kỹ thuật (tổ chức thi công thế nào, việc đánh giá, lựa chọn điểm rơi trong thi công các hạng mục quan trọng, tránh việc kế hoạch triển khai bị ảnh hưởng bởi thời tiết, thiên tai; Ứng dụng khoa học công nghệ ra sao; Phương án dự phòng trong trường hợp phải rút ngắn tiến độ…).

"Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, kể cả khi phân cấp, Bộ Xây dựng cần có kế hoạch kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện các yếu tố bất cập cần điều chỉnh hoặc phối hợp tháo gỡ vướng mắc.

Ngược lại, các địa phương trong quá trình thực hiện vai trò cơ quan chủ quản/chủ đầu tư nếu gặp phải các khó khăn, vướng mắc phức tạp cần kịp thời lấy ý kiến tham vấn từ các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng hoặc thuê chuyên gia để đáp ứng yêu cầu mỹ thuật, kỹ thuật dự án", PGS.TS Trần Chủng nêu quan điểm.

Đề xuất phân cấp địa phương làm cơ quan chủ quản 5 dự án cao tốc lớn- Ảnh 3.

Thi công cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (Ảnh: Đăng Minh, chụp tháng 4/2025).

Tăng kết nối, tạo dư địa phát triển cho địa phương

Theo đề xuất trước đó, dự án cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng có chiều dài khoảng 90km, đầu tư trước năm 2030. Trong đó, chiều dài tuyến đi qua tỉnh Bắc Kạn khoảng 60km, qua tỉnh Cao Bằng gần 30km.

Tuyến đường được đề xuất đầu tư quy mô đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế từ 80 - 100km/h.

Dự án là công trình hạ tầng đường bộ quan trọng, kết nối giữa cửa khẩu tỉnh Cao Bằng và Hà Nội, giảm khoảng 50km so với hiện tại đi theo hướng Cao Bằng - Lạng Sơn - Bắc Giang - Bắc Ninh - Hà Nội, giảm thời gian, chi phí di chuyển đến các cửa khẩu khu vực Đông Bắc (cửa khẩu Trà Lĩnh, cửa khẩu Tà Lùng…).

Sau khi hoàn thành, dự án sẽ kết hợp với tuyến cao tốc đã được đầu tư như: CT.05, CT.09 và các tuyến cao tốc đang được đầu tư như: CT.10, CT.15, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông cao tốc khu vực miền Bắc.

Đối với dự án cao tốc đoạn Vinh - Thanh Thuỷ, theo phương án đầu tư được Bộ Xây dựng nghiên cứu, lấy ý kiến, tuyến cao tốc có chiều dài khoảng 65km.

Điểm đầu tại Km0 giao với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt tại nút giao Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Điểm cuối tại khu vực cặp cửa khẩu Thanh Thuỷ - Nậm On biên giới Việt Nam - Lào.

Giai đoạn 1, tuyến tốc được đề xuất đầu tư quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, chiều rộng nền đường 24,75m (đoạn có vận tốc 100-120km/h) và chiều rộng nền đường 22m (đoạn có vận tốc thiết kế 60-80km/h) phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 19.431 tỷ đồng, dự kiến khởi công năm 2026, hoàn thành năm 2028.

Tuyến cao tốc Vinh - Thanh Thủy được đầu tư sẽ hình thành tuyến kết nối ngắn nhất từ trục dọc của Lào tới trục dọc Bắc - Nam của Việt Nam, kết nối thuận lợi, giảm chi phí vận tải từ Thủ đô Viêng Chăn ra biển, kết nối với các khu kinh tế ven biển của Việt Nam, tạo điều kiện giao lưu kinh tế giữa Việt Nam và Lào.

Đây cũng là tiền đề hình thành trục Đông Tây mới có tốc độ cao kết nối các nước khu vực sông Mê Kông và khu vực biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, rút ngắn quãng đường và thời gian vận chuyển từ 10 - 15 ngày so với đường biển.

Với ưu thế năng lực thông hành lớn, tốc độ cao, an toàn, tuyến đường bộ cao tốc Vinh - Thanh Thủy cùng với tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông cũng sẽ tạo thành mạng lưới đường cao tốc trong tỉnh Nghệ An nói riêng và khu vực Bắc Trung bộ nói chung, rút ngắn khoảng cách di chuyển từ cửa khẩu Thanh Thủy đến các trung tâm, đô thị lớn trên địa bàn tỉnh Nghệ An và cảng biển Nghệ An (Khu bến Cửa Lò).

Cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum có tổng chiều dài khoảng 144km.

Điểm đầu Km 0+000 giao với tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông thuộc địa phận huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

Điểm cuối giao với tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây thuộc địa phận TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum.

Theo phương án đề xuất, tuyến cao tốc được đề xuất đầu tư quy mô 4 làn xe cao tốc theo quy hoạch, vận tốc thiết kế 80 - 100 km/h. Sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 44.300 tỷ đồng. Theo lộ trình đề xuất, dự án được khởi công cuối năm 2026, hoàn thành cuối năm 2029.

Đánh giá của Bộ Xây dựng cho thấy, dự án được đầu tư sẽ hình thành tuyến đường bộ tốc độ cao, ngắn nhất, thuận lợi nhất để kết nối tỉnh Quảng Ngãi với tỉnh Kon Tum; kết nối các cửa khẩu của Lào, Campuchia trong khu vực Tây Nguyên với các trục dọc Bắc - Nam, kết nối với các khu kinh tế ven biển của Việt Nam.

Dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku được đề xuất đầu tư với tổng chiều dài khoảng 125km, đi qua địa phận 2 tỉnh: Bình Định (khoảng 40km) và Gia Lai (khoảng 85km).

Tuyến được đề xuất quy mô 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục, bề rộng nền đường 24,75m, vận tốc thiết kế 100km/h. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 43.734 tỷ đồng. Dự án dự kiến được thực hiện từ năm 2025, hoàn thành năm 2029.

Việc đầu tư dự án sẽ hình thành trục ngang Đông - Tây kết nối vùng Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối trục dọc (cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông, QL1, đường bộ ven biển) phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tạo dư địa, không gian và động lực phát triển mới cho địa phương.

Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 2) được đề xuất đầu tư tổng chiều dài 58,5km, đoạn Tân Quang đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy.

Tuyến cao tốc được đề xuất đầu tư quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, vận tốc thiết kế 100km/h. Các đoạn đi qua địa hình khó khăn thiết kế với cấp 80, vận tốc thiết kế 80km/h. Sơ bộ tổng mức đầu tư gần 14.900 tỷ đồng. Dự kiến, dự án được khởi công cuối năm 2026, hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2028.