Học viện ACST phát động thi đua, tập trung bốn trọng tâm, một phương châm
Ngày 11/7, Học viện Chiến lược, Bồi dưỡng Cán bộ Xây dựng (Học viện ACST) tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2025 - 2030.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Học viện vừa trải qua quá trình hợp nhất, ổn định tổ chức và từng bước khẳng định vai trò là trung tâm chiến lược, bồi dưỡng cán bộ hàng đầu của ngành Xây dựng.

Toàn cảnh hội nghị.
Ổn định tổ chức, hoàn thành nhiều nhiệm vụ trọng tâm
Theo báo cáo sơ kết, trong 6 tháng đầu năm 2025, Học viện tổ chức 93 lớp đào tạo, bồi dưỡng với 5.529 lượt học viên; thực hiện 51 nhiệm vụ tham mưu chính sách cho Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan; triển khai 7 đề án, 7 dự án và 2 chiến lược; xuất bản Tạp chí Xây dựng và Đô thị số 100 và 52 lượt tin, bài truyền thông.
Các hoạt động hợp tác quốc tế cũng được thúc đẩy mạnh mẽ như ký kết với Học viện Thị trưởng quốc gia Trung Quốc, HDF (Pháp). Công tác chuyển đổi số, quản lý tài sản, tài chính, tổ chức cán bộ được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Bước đầu sau sáp nhập, Học viện giảm 43% đầu mối đơn vị, từ 30 xuống còn 17 đầu mối, góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý. Việc xây dựng hệ thống quy chế, quy định nội bộ mới đang được khẩn trương hoàn thiện trong quý III/2025.
Phát động thi đua yêu nước giai đoạn 2025-2030: Bốn trọng tâm, một phương châm
Tại hội nghị, TS Phạm Văn Bộ, Phó giám đốc Học viện phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2025 - 2030 với tinh thần kế thừa truyền thống, bám sát yêu cầu thực tiễn, hướng tới hiệu quả thiết thực.
Phong trào thi đua tập trung 4 trọng tâm: Thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể trong sạch, vững mạnh, đổi mới lề lối làm việc, nâng cao hiệu lực quản lý.
Thi đua "Dạy tốt, học tốt, nghiên cứu tốt, tư vấn chính sách kịp thời", thúc đẩy chuyển đổi số trong giảng dạy, xây dựng chương trình linh hoạt, hiện đại, lấy người học làm trung tâm.
Thi đua vì cộng đồng, thực hiện các chương trình "Chung tay vì người nghèo", "Xây dựng nông thôn mới", "Xóa nhà tạm, nhà dột nát", góp phần lan tỏa tinh thần trách nhiệm xã hội và lòng yêu nước trong thời đại mới.
Thi đua thực hiện văn hóa công sở - kỷ cương - hiệu quả - thân thiện - sáng tạo; xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại, hình ảnh cán bộ Học viện "tận tụy - trách nhiệm - chuẩn mực - sáng tạo".
"Với phương châm ‘Đoàn kết - sáng tạo - hành động - hiệu quả’, tôi kêu gọi toàn thể viên chức, giảng viên, người lao động tích cực hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2025 - 2030, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, bằng tinh thần trách nhiệm và khát vọng cống hiến", TS Phạm Văn Bộ nhấn mạnh.

"Dạy tốt, học tốt, nghiên cứu tốt, tư vấn chính sách kịp thời" là một trong những trọng tâm phong trào thi đua của Học viện ACST.
Mục tiêu hướng tới hiệu quả, thực chất, lan tỏa
Học viện đặt mục tiêu đến năm 2030: Đăng ký ít nhất 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 10 lượt tập thể lao động xuất sắc; 10-15 cá nhân tiêu biểu và 3-5 tập thể tiêu biểu trong các phong trào thi đua.
Các giải pháp gồm: Đổi mới nội dung thi đua; tổ chức thi đua chuyên đề gắn với chuyển đổi số; nâng cao hiệu quả công tác khen thưởng; ứng dụng công nghệ trong đánh giá thi đua; đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến trong toàn Học viện.
Phát biểu kết luận Hội nghị, TS Ngô Anh Tuấn, Giám đốc Học viện đồng ý với tham luận của các đại biểu. Ông cũng nhấn mạnh, thời gian tới sẽ chỉnh sửa lại chức năng nhiệm vụ của các đơn vị cho phù hợp.
TS Ngô Anh Tuấn đề nghị mỗi cán bộ, viên chức cần nêu cao tinh thần phấn đấu, xây dựng và đóng góp vào các hoạt động chung của Học viện, bắt đầu từ việc lên kế hoạch công tác ngắn hạn và dài hạn của mỗi cá nhân, phấn đấu để Học viện ngày càng phát triển.