Làm gì để cát ở Thanh Hóa hết cảnh "đội giá"?
Lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã chỉ ra nguyên nhân khiến nguồn cát khan hiếm, tăng giá và đưa ra một số giải pháp khắc phục.
Theo phản ánh của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, hiện nay nguồn vật liệu xây dựng bị thiếu, trong đó cát thiếu trầm trọng dẫn đến giá cả biến động, tăng cao so với trước đây.

Thời gian gần đây, nguồn cát trên địa bàn Thanh Hoá bị thiếu, một trong số nguyên nhân là vừa qua có 12 mỏ cát bị dừng hoạt động.
Khai thác hết công suất, không viện cớ cầm chừng
Đơn cử như trước tháng 3, giá cát xây dựng bao gồm cả thuế VAT là 200.000 đồng/m3 tại mỏ. Thế nhưng hiện nay giá tăng lên 350.000 đồng/m3, chưa bao gồm VAT. Nhiều mỏ cát không đủ hàng bán do cung không đủ cầu, khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Ông Phan Thanh Quang, Phó giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hoá cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 25 giấy phép khai thác cát còn hiệu lực với khối lượng 5 triệu m3, công suất hơn 600.000m3/năm. Thời gian qua, có 12 mỏ cát bị tạm dừng hoạt động (2 mỏ bị UBND tỉnh chỉ đạo dừng hoạt động, do khai thác gây sạt lở, chồng lấn và 10 mỏ liên quan đến công tác điều tra do vi phạm về khai thác khoáng sản).

Thiếu cát, nhiều công trình xây dựng cũng bị ảnh hưởng.
"12 mỏ cát dừng hoạt động có công suất 461.000m3, tương đương 72% trữ lượng cát cung cấp ra thị trường. Hiện nay chỉ còn lại 13 mỏ cát hoạt động với công suất chiếm 28% so với trạng thái bình thường. Đây là nguyên nhân chính khiến cát xây dựng trên địa bàn tỉnh khan hiếm, tăng giá. Để xử lý vấn đề này lâu dài thì phải từng bước giải quyết, không thể xử lý ngắn hạn được", ông Quang nói.
Cũng theo ông Quang, trong tháng 4 này, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các địa phương khảo sát, cập nhật giá vật liệu để công bố theo tháng nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà thầu, làm cơ sở hoàn thiện công tác quyết toán, nghiệm thu dự án, công trình.
Mặt khác, Sở Xây dựng cũng đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các mỏ đang hoạt động phải khai thác hết công suất, không viện cớ bị thanh, kiểm tra để tạm dừng, khai thác cầm chừng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung.
Cát nhân tạo có thể là vật liệu thay thế
Về giải pháp, ông Quang nêu giải pháp có thể đẩy mạnh sử dụng cát nhân tạo trong hoạt động xây dựng, xem xét nâng công suất các mỏ cát để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thời gian tới, Sở xây dựng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, đưa các mỏ cát đủ điều kiện vào đấu giá, tăng nguồn thu cho ngân sách.
Ở góc độ khác, ông Phạm Văn Hoành, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cho biết: Đối với các mỏ được cấp phép thì công suất khai thác dàn trải trong 1 năm và việc này đã được tính toán trước khi cấp phép. Nếu khai thác vượt quá công suất sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy, gây sạt lở.
Nói về việc cấp phép mỏ, ông Hoành cho rằng: Thời gian từ khi hoàn thiện các thủ tục, thăm dò đến khi đi vào khai thác phải mất hơn 850 ngày. Như vậy, để cấp một mỏ cát thì thời gian rất lâu trong khi thực tế nhu cầu cần cát rất cao. Ngoài ra, trong quy hoạch các vùng được xác định còn khối lượng cát thì không còn nhiều.
Về kế hoạch lâu dài, ông Hoành cho biết: Dựa trên tính toán hàng năm, Thanh Hoá cần khoảng 5,2 triệu m3 cát, trong khi hiện tại mới chỉ có 2,4 triệu m3 nên phải bổ sung phần còn lại bằng cách nhập thêm cát ở tỉnh Nghệ An về. Giải pháp nữa là vận động các doanh nghiệp, nhà thầu nghiên cứu, thay thế vật liệu cát bằng đá, đất, hoặc cát nhân tạo, không nhất thiết công trình nào cũng phải dùng tới cát. Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ rà soát, tham mưu UBND tỉnh cấp thêm mỏ đá để làm cát nhân tạo thay cát thông thường trong xây dựng.
Liên quan đến việc tạm dừng 12 mỏ cát, đại tá Trịnh Văn Giang, Phó giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, cơ quan điều tra Bộ Công an đã lập án, đấu tranh, bắt giữ các đối tượng có hành vi khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh và Công an tỉnh Thanh Hóa tham gia phối hợp.
Ngoài ra, mới đây, Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã khởi tố, bắt giữ 12 đối tượng khai thác trái phép 12.318m3 cát trên sông Chu tại xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân để phục vụ công tác điều tra.
Khi có kết luận điều tra, cơ quan điều tra sẽ có kiến nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý trách nhiệm cán bộ liên quan theo phân cấp quản lý khoáng sản.