Nhất trí đề xuất chi hơn 31 nghìn tỷ đồng miễn, hỗ trợ học phí
Nhất trí với đề xuất chi khoảng 31,4 nghìn tỷ đồng để miễn, hỗ trợ học phí, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Chính phủ nghiên cứu, quy định chi trả hỗ trợ học phí theo phương thức cấp trực tiếp cho người học.
Sáng 22/5, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trình bày tờ trình. Ảnh: Media Quốc hội.
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, trên cơ sở rà soát quy định hiện hành, dự thảo Nghị quyết bổ sung thêm đối tượng được miễn, hỗ trợ đóng học phí gồm: trẻ em mầm non dưới 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục; học sinh trung học phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục.
Theo dự thảo Nghị quyết, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ học phí đối với cả trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.
Dự kiến thời gian trình thông qua, ban hành Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV và áp dụng chính sách từ năm học 2025-2026.
Đánh giá tác động đến ngân sách Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết theo số liệu thống kê năm học 2023-2024, hiện cả nước có 23,2 triệu học sinh (trong đó có 21,5 triệu học sinh công lập, chiếm 93%; 1,7 triệu học sinh ngoài công lập, chiếm 7%).
Để thực hiện miễn học phí và hỗ trợ học phí từ năm học 2025 – 2026 cho các đối tượng theo dự thảo Nghị quyết ước tính cần khoảng 31,4 nghìn tỷ đồng/năm học.
Trong đó, tổng nhu cầu kinh phí tính theo mức học phí tối thiểu bình quân của ba khu vực (thành thị, nông thôn, miền núi) là khoảng 30,6 nghìn tỷ đồng. Cụ thể, khối công lập là 28,7 nghìn tỷ đồng; Khối dân lập, tư thục là 1,9 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, còn có kinh phí để thực hiện miễn, hỗ trợ học phí cho người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục khác là 774,2 tỷ đồng cho 431.551 học viên (đều là học viên công lập, hiện nay chưa có học viên tư thục).
Mức ngân sách cần đảm bảo cụ thể sẽ phụ thuộc vào mức học phí cụ thể của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Media Quốc hội.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết Ủy ban cơ bản nhất trí với chính sách song đề nghị Chính phủ nghiên cứu, quy định việc chi trả hỗ trợ học phí cho nhóm đối tượng này theo phương thức cấp trực tiếp cho người học.
Về kinh phí thực hiện Nghị quyết, cơ quan thẩm tra chỉ ra, theo dự thảo Nghị quyết, để thực hiện miễn học phí và hỗ trợ học phí từ năm học 2025 – 2026 cho các đối tượng theo dự thảo Nghị quyết ước tính khoảng 31,4 nghìn tỷ đồng/năm học.
Hiện nay, tổng ngân sách nhà nước đã và sẽ thực hiện không thu, miễn, hỗ trợ tiền đóng học phí kể từ ngày 01/9/2025 theo quy định pháp luật hiện hành là 22,4 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, số ngân sách nhà nước phải bảo đảm thêm khi thực hiện chính sách theo Nghị quyết này là khoảng 9 nghìn tỷ đồng/năm học. Mức ngân sách cần bảo đảm ở từng địa phương phụ thuộc vào quy định đóng học phí của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá kỹ lưỡng khả năng cân đối ngân sách của các địa phương, nhất là các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Đồng thời, bổ sung số kinh phí thực hiện đối với học viên học chương trình giáo dục phổ thông tại cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục khác vào tổng nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước để thực hiện miễn, hỗ trợ học phí từ năm học 2025 - 2026 cho các đối tượng theo dự thảo Nghị quyết; điều chỉnh dự toán ngân sách năm 2025 đối với các nhiệm vụ phát sinh năm 2025 gắn với việc triển khai Nghị quyết này.