Chính trị

Quán triệt nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, xây dựng pháp luật tới 63 tỉnh, thành

18/05/2025, 09:18

Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện 2 nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế tư nhân, xây dựng pháp luật được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tổng Bí thư Tô Lâm có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng.

Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân diễn ra sáng nay, 18/5.

Hội nghị do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ điểm cầu chính tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội tới các điểm cầu bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị…

Quán triệt nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, xây dựng pháp luật tới 63 tỉnh, thành- Ảnh 1.

Hội nghị có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, cán bộ chủ chốt của 63 tỉnh, thành phố. Ảnh: Media Quốc hội.

Hội nghị có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương, cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; báo cáo viên Trung ương, báo cáo viên cấp tỉnh, cấp huyện...

Tổng Bí thư Tô Lâm tham dự hội nghị và có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng.

Trước khi tham dự hội nghị, tại điểm cầu chính Nhà Quốc hội, các đại biểu tham quan triển lãm "Những thành tựu trong xây dựng và thực thi pháp luật" và "Những thành tựu trong phát triển kinh tế tư nhân và các gian hàng trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp tư nhân".

Theo chương trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch thực hiện Nghị quyết 68.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66 về đổi mới công tác xây dựng, thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 66.

Quán triệt nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, xây dựng pháp luật tới 63 tỉnh, thành- Ảnh 2.

Quang cảnh hội trường. Ảnh: Media Quốc hội.

Theo ban tổ chức, ngay sau sự kiện này, các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tinh thần và nội dung hội nghị trong toàn hệ thống chính trị và tầng lớp nhân dân; khẩn trương cụ thể hóa, đưa những quan điểm chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng thành hành động cụ thể, đạt hiệu quả rõ nét, thực chất.

Đồng thời, bảo đảm mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp nắm vững, thấm nhuần mục đích, nội dung của 2 nghị quyết có ý nghĩa cách mạng, đột phá, thể hiện tư duy chiến lược và tầm nhìn dài hạn của Đảng.

Đặc biệt, vai trò, trách nhiệm, quyết tâm chính trị mạnh mẽ của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần được đề cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tuyên truyền, để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu, doanh nghiệp tin, cùng hành động.

Mỗi cán bộ, đảng viên cần đóng vai trò là kênh kết nối chính sách với thực tiễn, vừa lan tỏa kịp thời chủ trương, chính sách, vừa lắng nghe, phản hồi tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, góp phần tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của toàn hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong xã hội, thắp lên ngọn lửa niềm tin, đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống. Mỗi quyết sách được lan tỏa bằng sự thấu hiểu, đồng hành và chia sẻ, tạo ra bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc trong kỷ nguyên mới của dân tộc.

Nghị quyết 66 xác định năm 2025, cơ bản hoàn thành tháo gỡ những "điểm nghẽn" do quy định pháp luật.

Nghị quyết xác định tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam có hệ thống pháp luật chất lượng cao, hiện đại, tiệm cận chuẩn mực, thông lệ quốc tế tiên tiến, phù hợp thực tiễn đất nước, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân.

Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội; quản trị quốc gia hiện đại với bộ máy Nhà nước tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa năm 2045.

Nghị quyết 68 xác định tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp trên 60% GDP.