Giao thông kết nối ra sao khi TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu sắp "về một nhà"?
Hiện việc đi lại giữa Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM chỉ có đường thủy là đi trực tiếp, còn đường bộ vẫn phải "quá giang" qua Đồng Nai theo QL51 và mất trung bình 3 - 4 giờ xe chạy.
Ngay sau khi kỳ họp thứ 29 HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhiệm kỳ 2021-2026 thông qua nghị quyết tán thành chủ trương nhập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TP.HCM, câu chuyện về hạ tầng giao thông kết nối giữa các địa phương nhận được sự quan tâm của người dân.
Nhiều tuyến đường bộ đang quá tải

Hiện nay cung đường chính qua hai địa phương vẫn chủ yếu là cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ra QL51.
Trên thực tế, giữa Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM chưa có đường bộ kết nối trực tiếp, việc qua lại phải "quá giang" Đồng Nai.
Hiện tại, những người đi xe máy thường chọn lộ trình từ TP.HCM theo Xa lộ Hà Nội, băng qua Đồng Nai rồi nhập vào quốc lộ 51 để về Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuyến đường này rộng rãi, phù hợp cho cả xe máy, ô tô và xe khách. Tuy nhiên, quốc lộ 51 đã quá tải từ lâu, đặc biệt đoạn qua Long Thành thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm hoặc những ngày lễ lớn.
Một phương án khác là đi phà Cát Lái từ TP Thủ Đức sang Nhơn Trạch (Đồng Nai), rồi tiếp tục ra quốc lộ 51. Cách đi này giúp rút ngắn quãng đường, phù hợp với xe máy và ô tô dưới 30 chỗ. Dù vậy, vào giờ cao điểm, việc chờ phà cũng có thể mất đến 20 - 30 phút.


Mới đây có thêm phương án đi vào cao tốc Bến Lức - Long Thành để lưu thông qua lại.
Đối với ô tô, lựa chọn ưu tiên nhất là lên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, sau đó nhập quốc lộ 51 để về Vũng Tàu.
Có một lựa chọn khác linh hoạt hơn là sau khi qua cầu Long Thành, rẽ vào đường 319 (Nhơn Trạch), đi đường Trần Phú, Trường Chinh rồi nối vào cao tốc Bến Lức - Long Thành qua nút giao Phước An, trước khi nhập quốc lộ 51.
Hiện nay phương án đi nhanh nhất từ TP.HCM tới Vũng Tàu là phà biển Cần Giờ – Vũng Tàu. Phà hoạt động 6-20h ngày thường và đến 21h vào cuối tuần, giãn cách mỗi chuyến chừng 60 phút. Tuyến có cự ly khoảng 15km, điểm đầu tại bến Tắc Suất, thị trấn Cần Thạnh (Cần Giờ) đến TP Vũng Tàu (gần trụ sở Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu).
Người dân từ trung tâm TP.HCM xuống huyện Cần Giờ (khoảng trên 30km), lên phà và sau khoảng hơn 30 phút là có thể đặt chân đến phố biển Vũng Tàu. Phà có thể chở xe máy, ô tô con. Người dân cũng có thể đi bằng tàu cao tốc Bạch Đằng – Vũng Tàu từ bến Bạch Đằng (quận 1) thẳng tới TP Vũng Tàu chỉ mất chưa đầy 2 tiếng và ngược lại.

Phà vượt biển Cần Giờ - Vũng Tàu chỉ mất hơn 30 phút.
Ngoài ra, các hãng xe khách như Hoa Mai, Toàn Thắng, Anh Quốc, Hải Vân… vẫn đang khai thác mạnh tuyến TP.HCM - Vũng Tàu với giá vé dao động từ 160.000 - 190.000 đồng/người.
Đẩy nhanh xây cầu, đường kết nối
Để tháo gỡ nút thắt giao thông, thời gian qua nhiều công trình trọng điểm đã và đang được triển khai. Cầu Nhơn Trạch (thuộc tuyến Vành đai 3 TP.HCM) đã thông xe kỹ thuật và có thể lưu thông qua lại được trong vài tháng tới.
Tiếp đó là cầu Phước Khánh bắc qua sông Lòng Tàu, góp phần quan trọng vào việc kết nối Bà Rịa - Vũng Tàu với TP.HCM. Trong tương lai, tuyến Vành đai 4 cũng sẽ là hành lang quan trọng, kết nối TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy vậy, các dự án này vẫn chưa giải quyết triệt để nhu cầu đi lại nhanh chóng giữa hai địa phương sát nhau nhưng ngăn cách bởi hệ thống sông rạch chằng chịt.
Mới đây, Sở Giao thông công chánh TP.HCM đã đề xuất nghiên cứu xây dựng tuyến đường ven biển kéo dài từ Tiền Giang, qua TP.HCM, đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo quy hoạch, đoạn qua TP.HCM dài khoảng 45,5 km, điểm đầu kết nối với đường ven biển Tiền Giang, điểm cuối nối với cảng Phước An (Đồng Nai). Đặc biệt còn có thêm phương án xây dựng cầu vượt biển Cần Giờ - Vũng Tàu đang được nghiên cứu, với chiều dài khoảng 10km, quy mô 6 làn xe.
Nếu thành hiện thực, hành trình từ TP.HCM đi Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ được rút ngắn 40km so với hiện nay, không còn cảnh phải vòng vèo qua nhiều địa phương khác. Tuyến đường ven biển và cây cầu vượt biển sẽ không chỉ giải quyết nhu cầu kết nối nhanh chóng giữa TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu, mà còn mở ra chuỗi đô thị biển sầm uất kéo dài từ Gò Công (Tiền Giang) - Cần Giờ - Vũng Tàu, khai thác tiềm năng du lịch biển còn ngủ quên của khu vực này.
Khi hình thành các tuyến đường, cầu kết nối trực tiếp thì giao thông giao thương giữa TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ thuận lợi hơn.
Tiến sĩ - Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng việc kết nối giao thông đến và đi từ TP.HCM về các địa phương là cần thiết. Nhưng cần ưu tiên nhất cho việc đồng bộ hạ tầng giao thông đường bộ, nhất là đường tốc độ cao. Đặc biệt ưu tiên giao thông liên kết vùng để đảm bảo việc giao thông giao thương thuận lợi nhất.