Đường sắt

Tạo đòn bẩy chính sách làm đường sắt tốc độ cao

14/05/2025, 16:04

Doanh nghiệp Việt tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam phải thực chất, hiệu quả, không chạy theo phong trào…

Nhiều chính sách mới để "biến nghị quyết thành công trình"

Tại tọa đàm "Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cơ hội để kinh tế tư nhân bứt phá trong kỷ nguyên mới" diễn ra sáng 14/5 tại Hà Nội, ông Trần Thiện Cảnh - Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam - cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng cơ chế chính sách chung cho các dự án đường sắt chiến lược như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, và các tuyến đô thị tại Hà Nội, TP.HCM.

Tạo đòn bẩy chính sách làm đường sắt tốc độ cao- Ảnh 1.

Cục trưởng Cục Đường sắt VN Trần Thiện Cảnh cho biết, chính sách đặc thù để triển khai thực hiện dự án đang được hoàn thiện (Ảnh: danviet.vn).

Theo ông Cảnh, Bộ Xây dựng đã trình 24 chính sách, trong đó 12 chính sách kế thừa từ các văn bản trước như cơ chế huy động vốn, điều chỉnh kế hoạch đầu tư, khai thác quỹ đất dọc tuyến, phát triển công nghiệp phụ trợ, đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ, đảm bảo an toàn giao thông… Hai trụ cột quan trọng tạo lực đẩy tài chính cho dự án là cơ chế khai thác quỹ đất dọc tuyến và phát triển công nghiệp phụ trợ.

Ngoài ra, 6 chính sách được điều chỉnh liên quan đến bố trí vốn và thời gian, điều hành thi công. Đáng chú ý, nhóm chính sách mới đề xuất cho phép sử dụng vốn ODA miễn thuế đối với một số dịch vụ kỹ thuật đặc thù, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế.

Một thay đổi mang tính bước ngoặt - theo ông Cảnh - là việc trao quyền quyết định kỹ thuật tại công trường cho kỹ sư tư vấn, đặc biệt là chuyên gia nước ngoài, thay vì phải chờ phê duyệt từng bước từ chủ đầu tư.

"Cơ chế này giúp tăng phản ứng nhanh, nhất là khi xử lý tình huống phát sinh, kết cấu thép hay vật liệu đặc biệt", ông nói.

Bộ Xây dựng cũng đề xuất áp dụng loại hợp đồng linh hoạt "theo công việc thực tế và đơn giá điều chỉnh" nhằm giảm thiểu rủi ro tranh chấp – bài học rút ra từ các dự án lớn như sân bay Long Thành hay tuyến metro số 3 Hà Nội.

"Một chính sách được đánh giá mang tinh thần cải cách thực chất là miễn trừ trách nhiệm cho người dám nghĩ, dám làm. Trong bối cảnh nhiều cán bộ lo ngại trách nhiệm pháp lý, việc có một hành lang pháp lý rõ ràng là điều kiện tiên quyết để tránh sự 'chần chừ có hệ thống'", ông Cảnh nhấn mạnh.

Để doanh nghiệp trong nước tham gia thực chất, hiệu quả

Liên quan đến việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tham gia dự án, ông Chu Văn Tuân – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt – cho biết: Trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi, Ban đã trực tiếp làm việc với các nhà thầu trong nước, phối hợp với Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam để đánh giá năng lực, kinh nghiệm và đề xuất cơ chế hỗ trợ phù hợp.

Tinh thần chỉ đạo xuyên suốt là thiết kế cơ cấu gói thầu hợp lý, giúp doanh nghiệp nội có thể tham gia một cách thực chất, từ giai đoạn xây lắp đến cung cấp dịch vụ kỹ thuật. Tuy nhiên, ông Tuân lưu ý, đây là dự án có yêu cầu rất cao về tính đồng bộ và liên thông kỹ thuật – không chỉ trong thi công mà cả vận hành, bảo trì. Do đó, việc phân chia gói thầu phải đảm bảo vừa mở cửa cho doanh nghiệp Việt, vừa tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế và quy định pháp luật về đấu thầu.

"Trong hồ sơ yêu cầu và mời thầu, chúng tôi đặc biệt chú trọng các lĩnh vực doanh nghiệp trong nước có thế mạnh như xây dựng nền móng, cầu, hầm, công trình phụ trợ… để tư nhân có thể tham gia, học hỏi và nâng cao năng lực công nghệ trong thực tế thi công", ông Tuân cho biết.

Tạo đòn bẩy chính sách làm đường sắt tốc độ cao- Ảnh 2.

Các dự án đường sắt mới, trong đó có đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân tham gia (Ảnh: minh hoạ).

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam – cho rằng hiện chỉ khoảng 20 doanh nghiệp trong nước đủ điều kiện tiếp cận các gói thầu lớn của đường sắt tốc độ cao. Nguyên nhân là do đa phần doanh nghiệp Việt có quy mô nhỏ, năng lực tài chính và công nghệ hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật cao của dự án.

Theo ông Hiệp, không thể trông chờ vào việc doanh nghiệp nhỏ tự lớn lên. Giải pháp căn cơ là hình thành hệ sinh thái nhà thầu thông qua liên kết giữa các doanh nghiệp lớn – nhỏ, để có thể đáp ứng toàn bộ chuỗi cung ứng trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng quy mô lớn như đường sắt cao tốc.

Ở góc nhìn kỹ thuật, ông Hồ Đức An – Giám đốc kỹ thuật Công ty CP FECON – kiến nghị Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí chỉ định thầu và sớm quyết định lựa chọn công nghệ cho dự án để các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn lực, thiết bị và nhân sự phù hợp.

Các doanh nghiệp trong nước mong muốn nhận được hỗ trợ thực chất từ Chính phủ để có thể tham gia xây dựng hạ tầng đường sắt tốc độ cao. Một trong những kiến nghị được nêu là ưu đãi về mặt bằng, thuế và tín dụng khi đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất cấu kiện bê tông, xưởng chế tạo thiết bị đường sắt…

Ngoài ra, đại diện các doanh nghiệp đề xuất Nhà nước tài trợ các đề tài nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực đường sắt, cũng như hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực. Việc giảm thuế thu nhập cho đội ngũ kỹ sư, công nhân trực tiếp tham gia xây dựng đường sắt tốc độ cao cũng được cho là một chính sách khuyến khích đáng xem xét.

Tạo đòn bẩy chính sách làm đường sắt tốc độ cao- Ảnh 3.

Cần chính sách hỗ trợ, ưu đãi cụ thể để doanh nghiệp trong nước tham gia dự án (Ảnh: AI tạo).

Nhà nước giữ vai trò "bà đỡ" trong chuyển giao công nghệ

Ông Tạ Mạnh Thắng – Phó Ban Hợp tác quốc tế và Khoa học Công nghệ, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam – cho biết: Với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và tuyến Hà Nội – Lào Cai, nhu cầu nhân lực cho giai đoạn vận hành ước tính khoảng 20.000 người. Riêng giai đoạn thi công, có thể cần tới 70.000 – 80.000 lao động, mang lại tác động tích cực tới thị trường lao động và an sinh xã hội.

Tổng công ty Đường sắt VN hiện đã xây dựng kế hoạch đào tạo riêng cho "đại dự án" này, từ việc nâng cấp nhân lực hiện hữu đến đào tạo mới, cập nhật kỹ thuật tiên tiến. Đồng thời, Tổng công ty đã ký kết hợp tác đào tạo với Học viện Đường sắt Liễu Châu (Trung Quốc), và đang xúc tiến các chương trình tương tự với Nhật Bản, Hàn Quốc cùng các trường đại học uy tín trong nước.

Liên quan đến tiềm năng của khu vực tư nhân trong tham gia dự án, ông Thắng nhận định, các doanh nghiệp Việt hiện vẫn gặp nhiều hạn chế trong tiếp cận công nghệ lõi, nhất là các hạng mục kỹ thuật cao. Do đó, vai trò của Nhà nước là rất quan trọng trong việc thiết kế chính sách chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đào tạo nhân lực trong các hợp đồng EPC và PPP.

"Bên cạnh khung chính sách, điều kiện tiên quyết là bản thân doanh nghiệp tư nhân phải xác định rõ thế mạnh của mình, không chạy theo phong trào. Đặc biệt, sự liên kết giữa các doanh nghiệp sẽ là yếu tố sống còn để tạo sức mạnh tổng hợp, phát triển bền vững trong lĩnh vực hạ tầng công nghệ cao như đường sắt", ông Thắng nhấn mạnh.