Xã hội

Xử lý thế nào với trụ sở dôi dư sau sáp nhập?

17/04/2025, 14:06

Sau sáp nhập tỉnh/thành, xã và bỏ cấp huyện, các chuyên gia, ĐBQH đề xuất cần sớm rà soát, kiểm kê và đặc biệt có phương án xử lý tài sản công, trụ sở dôi dư như chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc đấu giá…

Cần sự quyết liệt của lãnh đạo các cấp

Trung ương vừa ban hành Nghị quyết số 60 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Trong đó, Trung ương thống nhất chủ trương tổ chức chính quyền địa p hương 2 cấp gồm: Cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố). Thống nhất số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương).

Xử lý thế nào với trụ sở dôi dư sau sáp nhập?- Ảnh 1.

Số lượng trụ sở dôi dư sau sáp nhập rất lớn, cần có phương án hợp lý để tránh lãng phí.

Trung ương cũng đồng ý sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60 - 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay.

Như vậy, số lượng tài sản công, trụ sở dôi dư sẽ rất lớn. Đây là vấn đề được nhiều chuyên gia, ĐBQH đặc biệt quan tâm để làm sao sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí và thất thoát.

Tại dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính, hiện đang được Bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến cũng đề cập đến vấn đề sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp.

ĐBQH Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội khẳng định, việc sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, nhập xã mở ra cơ hội lớn để giải phóng rất nhiều trụ sở công, vốn là những tài sản giá trị với vị trí thuận lợi.

Đại biểu chỉ ra thực tế, trong khi nhiều cơ quan đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu nguồn lực để xây dựng mới, không ít trụ sở khang trang lại bị bỏ không. Để giải quyết, trách nhiệm chính thuộc về người đứng đầu các địa phương. Lãnh đạo các cấp cần có sự quyết liệt trong hành động, đặt lợi ích của người dân và Nhà nước lên hàng đầu.

"Việc xử lý tài sản công dôi dư không chỉ là nhiệm vụ cấp bách trước mắt mà còn cần có sự nghiên cứu nghiêm túc, thấu đáo để đảm bảo các tài sản này được phát huy hiệu quả cao nhất trong giai đoạn dài", đại biểu Hạ góp ý.

Kiểm kê, xử lý đúng quy định

Trong khi đó, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội), sau khi sáp nhập, có thể xảy ra tình trạng nơi thừa, nơi thiếu cơ sở vật chất.

Do đó, cần tận dụng tối đa các trụ sở hiện có, đồng thời có kế hoạch hợp lý với các trụ sở không còn phù hợp chức năng hành chính.

"Tài sản công không chỉ là trụ sở mà còn bao gồm máy móc, bàn ghế, trang thiết bị... Tất cả đều cần được kiểm kê, xử lý đúng quy định, tránh thất thoát và đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả", ông Chức nói.

Ông cũng cho rằng sau sáp nhập, các tỉnh/thành và các xã cần phải sử dụng tài sản đã có, không nên xây mới.

"Cần tiết kiệm nhất, để dành nguồn lực cho phát triển, không phải dành nguồn lực để xây trụ sở", ông Chức nói và nhấn mạnh phải rất lưu ý điều này. Theo ông, việc đầu tư xây mới chỉ nên được cân nhắc trong trường hợp thật sự cần thiết, phù hợp với đặc điểm từng địa phương.

Đấu giá để có thêm nguồn thu

Để tránh lãng phí, đại biểu Tạ Văn Hạ đề xuất cần tiến hành ngay việc kiểm kê, đánh giá và quy hoạch lại hệ thống trụ sở. Ưu tiên hàng đầu là điều chuyển các trụ sở khang trang cho các đơn vị hành chính mới hoặc đang thiếu trụ sở.

Đối với các trụ sở đã xuống cấp, cần xem xét chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc tiến hành đấu giá một cách minh bạch để vừa phát huy hiệu quả tài sản, vừa tạo nguồn thu cho địa phương.

Với những quận, huyện không còn nhiều nhu cầu sử dụng trụ sở công, cần mạnh dạn chuyển đổi công năng theo hướng phục vụ nghiên cứu, đổi mới sáng tạo hoặc các lợi ích cộng đồng thiết thực.

Ông kiến nghị ba lĩnh vực ưu tiên: Tạo ra các không gian công cộng xanh mát như công viên, khu vui chơi; xây dựng các trung tâm văn hóa, giáo dục, giải trí đa dạng cho thanh thiếu nhi, người cao tuổi, đặc biệt là trường học và phát triển các cơ sở nghiên cứu khoa học, phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế.

Trong ba lĩnh vực ưu tiên trên, ông Hạ đặc biệt lưu ý vấn đề thiếu nơi gửi trẻ trong bối cảnh già hóa dân số. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người ngại sinh con, bên cạnh yếu tố kinh tế.

Ngoài ra, ông cho rằng Nhà nước cần có chính sách hấp dẫn để thu hút đầu tư tư nhân, vừa giảm gánh nặng ngân sách. Điều đó vừa đảm bảo có được cơ sở vật chất chất lượng cho các dịch vụ công, đồng thời tạo điều kiện để nhà đầu tư khai thác lợi ích kinh tế hợp lý từ các hoạt động thương mại, dịch vụ.

Theo ĐBQH Trương Xuân Cừ, nếu không được sử dụng hoặc quản lý kịp thời, các công trình sẽ nhanh chóng xuống cấp, gây khó khăn cho công tác quản lý và dẫn đến lãng phí. Để sớm đưa vào sử dụng trụ sở dôi dư, ông Cừ cũng cho rằng có thể đấu giá để tăng nguồn thu.

"Qua đợt sáp nhập xã thời gian vừa qua, nhiều trụ sở chưa được xử lý ngay, dẫn đến tình trạng xuống cấp", ông Cừ nói và cho rằng, ở các khu vực trung tâm, đô thị, tỉnh lị, thị trấn... việc đấu giá sẽ rất thuận lợi. Nhiều doanh nghiệp sẽ đầu tư đấu giá để phát triển nhà ở thương mại hoặc các hoạt động dịch vụ khác.

Với các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, việc đấu giá sẽ khó khăn, nên có thể biến các trụ sở này sang các hình thức hoạt động khác như trường học, nhà văn hóa… phục vụ cộng đồng.

Hoàn thành xử lý trụ sở, tài sản công trong 5 năm

Theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính, Bộ Nội vụ đề xuất UBND cấp tỉnh lập danh sách và dự kiến phương án xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cấp huyện và cấp xã thuộc phạm vi quản lý, kèm theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Trước sắp xếp, lập danh sách và thống nhất dự kiến phương án xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý.

Các bộ, cơ quan Trung ương có đơn vị trực thuộc trên địa bàn đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp, lập danh sách và dự kiến phương án sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công thuộc phạm vi quản lý.

Trường hợp không có nhu cầu sử dụng thì chuyển giao cho UBND cấp tỉnh để thực hiện sắp xếp, quản lý, sử dụng theo nhu cầu của địa phương. Trong thời hạn 5 năm kể từ ngày sáp nhập, các địa phương hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công.