Xã hội

Bộ trưởng Tài chính: Không thể không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng

09/05/2025, 12:47

Các đại biểu quốc hội đề nghị bỏ xăng khỏi mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, ô nhiễm môi trường ngày càng lớn, nếu không tiếp tục đánh thuế mặt hàng này thì rất khó thay đổi hành vi.

Đề nghị bỏ xăng khỏi mặt hàng chịu thuế

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 9/5, Quốc hội dành nhiều thời gian để thảo luận về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

ĐBQH Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cho biết, xăng dầu là mặt hàng nhiên liệu hóa thạch truyền thống, hiện đang chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) 10% đối với xăng khoáng, trong khi xăng sinh học E5 chịu 8%, E10 là 7% (dầu diesel và nhiên liệu khác không chịu thuế TTĐB nhưng có thuế bảo vệ môi trường).

Bộ trưởng Tài chính: Không thể không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng- Ảnh 1.

ĐBQH Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam). Ảnh: Media Quốc hội.

Trong khi đó, xăng dầu là hàng hóa thiết yếu cho giao thông, sản xuất; người dân khó có thể giảm tiêu dùng đột ngột mặc dù biết có tác hại xấu đến môi trường.

"Việc xăng chịu đồng thời cả thuế TTĐB (mục tiêu hạn chế tiêu dùng) và thuế bảo vệ môi trường tạo gánh nặng cho người dân. Trong bối cảnh giá xăng ảnh hưởng trực tiếp đến lạm phát và đời sống, cần cân nhắc điều tiết cho phù hợp", đại biểu nêu ý kiến.

Cũng theo đại biểu Khải, mức chênh lệch thuế giữa xăng sinh học và xăng khoáng hiện nay chưa đủ lớn để kích thích mạnh việc chuyển đổi sang nhiên liệu sạch. Thực tế giá E5-RON92 và RON95 trên thị trường chênh lệch rất ít, người tiêu dùng chưa có động lực rõ ràng để sử dụng xăng E5/E10.

Từ đó, vị đại biểu đề xuất cân nhắc bỏ thuế TTĐB đối với xăng khoáng trong dài hạn, thay vào đó tăng dần thuế bảo vệ môi trường hoặc các cơ chế định giá phát thải carbon. Tuy nhiên, lộ trình điều chỉnh cần thận trọng, có thể giữ ổn định thuế suất TTĐB xăng hiện tại trong vài năm tới, chưa tăng cao ngay để tránh tác động lạm phát.

Đồng thời, tăng ưu đãi cho nhiên liệu sạch, năng lượng tái tạo bằng cách tiếp tục giảm thuế TTĐB cho xăng sinh học E5, E10 (ví dụ giảm còn 5% và 3%), thậm chí miễn thuế TTĐB cho nhiên liệu sinh học thế hệ mới, hydrogen xanh… nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất và người dân sử dụng.

Song song, cần đảm bảo nguồn cung nhiên liệu sinh học trong nước (phát triển vùng nguyên liệu sắn, mía, công nghệ sản xuất ethanol) để đáp ứng nhu cầu khi tiêu dùng tăng lên.

Bộ trưởng Tài chính: Không thể không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng- Ảnh 2.

ĐBQH Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị). Ảnh: Media Quốc hội.

Đồng quan điểm, ĐBQH Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) nhấn mạnh: Xăng là mặt hàng duy nhất phải chịu cả 2 loại thuế TTĐB và thuế bảo vệ môi trường, mặt hàng tương tự như xăng là dầu cũng chỉ chịu thuế bảo vệ môi trường, không chịu thuế TTĐB.

Hai thuế này có điểm tương đồng về bản chất, đều có mục tiêu nhằm điều chỉnh hành vi sử dụng của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Tuy nhiên chúng lại khác nhau về mục đích, thuế bảo vệ môi trường "đánh" vào hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm hoặc tác động xấu đến môi trường, trong khi thuế TTĐB có nhiều mục đích khác nhau, bao gồm cả hàng hóa không khuyến khích tiêu dùng vì lý do đạo đức xã hội, nguy cơ gây ảnh hưởng sức khoẻ, tai nạn.

Theo ông Đồng, thời điểm xây dựng Luật Thuế TTĐB năm 2008 đưa vào mặt hàng xăng do xăng tạo ra khí thải gây ô nhiễm môi trường. Lúc này, cũng chưa có Luật Thuế bảo vệ môi trường.

"Nếu mục tiêu thu thuế nhằm hạn chế tác động xấu đến môi trường thì cần quy về thuế bảo vệ môi trường. Thuế này thu trên giá trị tuyệt đối, đúng với bản chất gây ô nhiễm của xăng, sử dụng bao nhiêu, gây ô nhiễm bấy nhiêu, chứ không phải ô nhiễm nhiều hơn khi giá xăng tăng và ít hơn khi giá xăng giảm", ông Đồng nêu ý kiến.

ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) nhìn nhận: Việc đưa xăng vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt có một số tác động tích cực như khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, giảm phát thải khí nhà kính, điều tiết tiêu dùng xăng.

Tuy nhiên, xăng là đầu vào thiết yếu cho sản xuất, vận tải, sinh hoạt nên việc đánh thuế có thể đẩy chi phí lên cao, ảnh hưởng tới người thu nhập thấp và gây áp lực lạm phát. Đặc biệt xăng hiện đã chịu nhiều loại thuế, nếu không đánh giá tổng thể sẽ dẫn đến mâu thuẫn chính sách.

Bộ trưởng Tài chính: Không thể không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng- Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH. Ảnh: Media Quốc hội.

Lý do cần tiếp tục áp thuế

Tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc đánh thuế xăng đã áp dụng từ năm 1998. Vừa qua, tại COP26, Thủ tướng đã cam kết phải giảm phát thải về 0 vào năm 2050. Đây là cam kết rất khó khăn với Việt Nam. Các quốc gia châu Âu đã triển khai rất quyết liệt với nhiều biện pháp, còn Việt Nam do điều kiện có hạn nên dù đã đưa ra nhiều chương trình vẫn cần nhiều cố gắng để thực hiện.

Từ đó, ông Thắng cho rằng, mặt hàng xăng càng không thể không đánh thuế. "Ô nhiễm môi trường ngày càng lớn, nhất là trong lĩnh vực giao thông. Nếu không tiếp tục đánh thuế xăng thì sẽ rất khó để có thể thay đổi hành vi", Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết.

Về ý kiến của ĐBQH cho rằng hiện nay mặt hàng xăng đang chịu 2 loại cả thuế và phí, ông Thắng cho hay trên thế giới hầu hết các nước nước phát triển đều đánh thuế và phí, chỉ khác về tên gọi. Trong đó, có nước gọi là phí CO2 hay thuế CO2.

Ông Thắng khẳng định thuế TTĐB và phí môi trường hướng đến mục tiêu khác nhau. Thuế TTĐB tập trung để điều tiết hành vi tiêu dùng và tăng thu ngân sách. Còn phí bảo vệ môi trường là nhằm tạo ra các quỹ cho các dự án về môi trường.

Việc áp cả hai loại thuế và phí là phù hợp với cam kết của Việt Nam tại COP26 và mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hơn nữa, nếu cộng cả hai loại thuế, phí này thì vẫn thấp hơn nhiều quốc gia, đặc biệt là châu Âu.

ĐBQH Trần Văn Khải cho rằng chính sách thuế xăng dầu phải gắn liền với lộ trình điện hóa giao thông để khuyến khích chuyển đổi sang phương tiện sạch. Thuế cao hơn đối với nhiên liệu truyền thống sẽ được xã hội chấp nhận nếu người dân có sẵn lựa chọn thay thế khả thi (xe điện, xe hybrid, phương tiện công cộng sạch).

Do đó, cần ưu tiên đầu tư hạ tầng sạc điện, trạm nhiên liệu sạch, hỗ trợ doanh nghiệp vận tải, logistics đổi mới phương tiện. Khi phương tiện điện và năng lượng sạch phổ biến, có thể tăng mạnh thuế nhiên liệu hóa thạch để đảm bảo mục tiêu giảm phát thải.

Chính sách cần đảm bảo hài hòa: Nhà nước giữ được nguồn thu (từ thuế môi trường, từ tăng trưởng xanh), nhân dân được hưởng môi trường trong lành hơn và chi phí nhiên liệu ổn định nhờ công nghệ mới, doanh nghiệp (đặc biệt doanh nghiệp vận tải, công nghệ năng lượng) có động lực đầu tư đổi mới sáng tạo để dẫn dắt thị trường năng lượng sạch.