Giáo dục

Điểm cao vẫn trượt đại học, chuyên gia gợi ý “danh mục đầu tư nguyện vọng” để trúng tuyển

28/07/2025, 12:14

Phụ huynh và học sinh cần thận trọng khi đăng ký nguyện vọng. Đặt quá ít hoặc dồn hết nguyện vọng vào một trường có thể khiến thí sinh mất cơ hội vào đại học.

Khi thí sinh chỉ đăng ký một vài nguyện vọng hoặc tập trung vào một trường top đầu có thể làm giảm khả năng trúng tuyển. Các chuyên gia khuyến cáo, thí sinh cần có chiến lược hợp lý và phân bổ nguyện vọng thông minh để tối đa hóa cơ hội trúng tuyển trong mùa tuyển sinh năm nay.

Điểm cao vẫn trượt đại học, chuyên gia gợi ý “danh mục đầu tư nguyện vọng” để trúng tuyển- Ảnh 1.

Thí sinh và phụ huynh nên cân nhắc kỹ lưỡng khi đăng ký nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển đại học.

Trong bối cảnh năm nay, nhiều trường đại học, đặc biệt là các trường khối kinh tế, không còn xác định chỉ tiêu xét tuyển theo từng phương thức mà quy đổi điểm trúng tuyển tương đương giữa các phương thức, thí sinh và phụ huynh càng thêm băn khoăn về cách sắp xếp nguyện vọng sao cho tối ưu.

Theo quy chế tuyển sinh hiện hành, thí sinh được đăng ký số lượng nguyện vọng không giới hạn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Trung, Phó trưởng Phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Thương mại khuyến cáo, việc chỉ đăng ký một vài nguyện vọng là không nên, bởi điều này có thể khiến thí sinh bỏ lỡ nhiều cơ hội.

Để tăng khả năng trúng tuyển, ông Trung nhấn mạnh: "Việc xây dựng chiến lược đăng ký nguyện vọng một cách hợp lý là yếu tố then chốt. Cụ thể, thí sinh không nên dồn toàn bộ nguyện vọng vào các ngành hoặc trường có mức độ cạnh tranh cao, mà nên phân bổ nguyện vọng theo nhiều nhóm trường tốp đầu, top giữa và top dưới".

Từ thực tế tuyển sinh những năm qua, ông Trung khuyến nghị thí sinh nên cân nhắc kỹ lưỡng giữa năng lực học tập, sở thích cá nhân và xu hướng ngành nghề trước khi đưa ra quyết định đăng ký. Việc xây dựng một "danh mục đầu tư nguyện vọng" hợp lý, cân đối sẽ giúp tăng khả năng trúng tuyển, đồng thời đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển bản thân.

Đồng quan điểm, bà Phạm Thanh Hà, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương cho biết: Từ năm 2024, các trường đại học không còn xác định chỉ tiêu theo từng phương thức hay tổ hợp xét tuyển, mà chỉ tính chỉ tiêu theo ngành/chương trình đào tạo. Khi xét tuyển, hệ thống chung của Bộ GD&ĐT sẽ tự động chọn ra điểm cao nhất từ các phương thức hoặc tổ hợp mà thí sinh có, nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi cho các em.

Bà Hà lưu ý thí sinh ba nguyên tắc cơ bản khi đặt nguyện vọng trên hệ thống: Thứ nhất, thí sinh cần chia thành ba nhóm nguyện vọng khác nhau: Nhóm nguyện vọng an toàn (thí sinh có thể đặt ba nguyện vọng với những ngành có điểm chuẩn năm trước có thể thấp hơn số điểm mình đang có). Nhóm nguyện vọng mục tiêu, vừa sức với bản thân. Nhóm nguyện vọng mơ ước (đặt vào những ngành/trường có điểm chuẩn hơi cao một chút so với sức của bản thân).

Thứ hai, khi đặt nguyện vọng trên Hệ thống, thí sinh không nên chọn quá ít nguyện vọng, bởi Hệ thống không giới hạn số lượng nguyện vọng xét tuyển. Các em đặt nguyện vọng theo thứ tự yêu thích của bản thân. Nguyện vọng nào yêu thích nhất đặt lên đầu tiên (nguyện vọng 1). Hệ thống sẽ chạy từ trên xuống dưới, thí sinh trúng tuyển nguyện vọng nào sẽ dừng lại ở nguyện vọng đó.

Thứ ba, không nên tập trung đặt tất cả nguyện vọng vào một trường. Chẳng hạn, thí sinh yêu thích khối ngành kinh tế - kinh doanh, có thể đặt vào các nhóm trường tốp đầu, tốp giữa và tốp thấp hơn, để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành học yêu thích.

Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cũng khuyến cáo, thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng một cách tràn lan, nhưng cũng không nên quá tiết kiệm. "Có trường hợp đăng ký tới hơn 100 nguyện vọng, điều đó gây lãng phí và không cần thiết. Quan trọng là phải đăng ký có chiến lược", bà Thủy nhấn mạnh.

Bà Thủy cũng lưu ý thêm rằng, thí sinh không nên đặt toàn bộ nguyện vọng vào các ngành hoặc trường có mức độ cạnh tranh quá cao. Nếu không trúng tuyển nguyện vọng đầu, thì các nguyện vọng tiếp theo trong cùng nhóm cũng sẽ rất khó có cơ hội đỗ. 

Thực tế đã ghi nhận nhiều trường hợp thí sinh đạt điểm rất cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng vẫn trượt đại học vì chỉ đăng ký duy nhất một nguyện vọng vào trường top đầu. Những trường hợp này thường không đọc kỹ đề án tuyển sinh, không đáp ứng các tiêu chí phụ hoặc điều kiện sơ tuyển, dẫn đến mất luôn cơ hội trúng tuyển.

"Do đó, thí sinh không nên 'bỏ trứng vào một giỏ'. Hệ thống tuyển sinh năm nay cho phép đăng ký không giới hạn nguyện vọng, vì vậy các em nên tận dụng tối đa để tăng khả năng trúng tuyển", bà Thủy khẳng định.

Một lựa chọn nguyện vọng sáng suốt hôm nay sẽ là bước đầu vững chắc giúp phụ huynh và thí sinh chạm đến thành công ngày mai.

Thí sinh cần hoàn thành hai bước quan trọng, nếu không sẽ không được xét tuyển hoặc bị loại khỏi danh sách trúng tuyển. Đăng ký nguyện vọng xét tuyển và đóng lệ phí cho các nguyện vọng đã đăng ký.

Từ ngày 29/7 đến 17h ngày 5/8, thí sinh phải nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng đăng ký bằng hình thức trực tuyến, theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trước 17h ngày 30/8, tất cả thí sinh trúng tuyển (kể cả thí sinh trúng tuyển thẳng) phải xác nhận nhập học trên Hệ thống, nếu có nguyện vọng theo học.