Hàng hải

Đóng tàu khát vốn chuyển đổi xanh, đón thị trường 200 tỷ USD

24/04/2025, 07:15

Các nhà máy thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh, áp dụng công nghệ và giải pháp thân thiện môi trường để gia tăng cơ hội tiếp cận thị trường gần 200 tỷ USD vào năm 2030.

Chuyển động từ bên trong nhà máy

Giữa tháng 4, trở lại Nhà máy Đóng tàu Nam Triệu (Hải Phòng), dễ dàng nhận thấy sự đổi thay tích cực. Không còn hình ảnh lộn xộn, đầy bụi sắt và khói hàn, phân xưởng vỏ giờ đây gọn gàng, phân khu rõ ràng, có hệ thống thu gom rác, lối đi sạch sẽ, có tay vịn lên giàn thép - những chi tiết tưởng nhỏ nhưng phản ánh một sự chuyển mình lớn.

Đóng tàu khát vốn chuyển đổi xanh, đón thị trường 200 tỷ USD- Ảnh 1.

Phân xưởng vỏ Nhà máy Đóng tàu Nam Triệu ngăn nắp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ảnh: Tạ Hải.

Nghỉ vài phút uống nước bên ngoài phân xưởng, chị Phạm Thị Hương, thợ hàn của nhà máy chia sẻ: "Tiếng ồn, bụi là đặc thù, nhưng hiện tại nhà máy trang bị đầy đủ bảo hộ, nút tai chống ồn, mặt nạ lọc bụi. Các khu vực được sắp xếp lại nên đỡ bừa bộn, sạch hơn nhiều. Môi trường làm việc cải thiện rõ, công nhân cũng yên tâm làm việc hơn".

Theo ông Phạm Quang Tuyến, quyền Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nam Triệu, đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hướng đến xanh hóa sản xuất: từ bố trí không gian hợp lý, xử lý rác thải công nghiệp đến đầu tư thiết bị làm sạch thép bằng hạt sắt, sơn trong môi trường kín… nhằm giảm tối đa ảnh hưởng tới môi trường.

"Dù mới đạt một phần nhưng đó là hướng đi không thể đảo ngược", ông Tuyến nói và khẳng định, công ty sẽ tiếp tục đầu tư chuyển đổi xanh.

Vừa là thách thức, vừa là động lực

Tương tự, Nhà máy Đóng tàu Sông Cấm cũng có nhiều đổi thay tích cực. Dù đang vận hành hết công suất với các đơn hàng nối tiếp nhau, không gian làm việc vẫn sạch sẽ, gọn gàng. Sông Cấm là đối tác lâu năm của Tập đoàn Damen (Hà Lan) - đơn vị có yêu cầu rất cao về môi trường và an toàn lao động.

Ông Đàm Quang Trung, tổng giám đốc công ty cho biết, nhiều năm qua nhà máy đã áp dụng các tiêu chuẩn ISO về môi trường; phân loại rác từ văn phòng đến phân xưởng; đầu tư hệ thống quản lý tiết kiệm năng lượng; hạn chế tối đa sử dụng vật liệu không thân thiện môi trường.

Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long cũng đang chuyển mình mạnh mẽ. Là đơn vị chuyên đóng tàu xuất khẩu cho các đối tác quốc tế, từ tàu cá đến du thuyền, tàu dịch vụ điện gió, yêu cầu đặt ra với Hạ Long ngày càng cao. Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, tổng giám đốc công ty, đây vừa là thách thức, vừa là động lực để Hạ Long liên tục cải tiến.

Hiện nhà máy đã áp dụng hệ thống quản lý môi trường ISO 14000, ISO 14001; đánh giá rủi ro theo tiêu chuẩn JH143; triển khai 5S tại nơi làm việc; đầu tư thiết bị hiện đại để giảm thiểu tác động môi trường và đảm bảo an toàn cho người lao động.

Đặc biệt, công nghệ phun cát truyền thống từng gây ô nhiễm nặng nề nay được thay thế bằng dây chuyền làm sạch khép kín. Nhờ đó, bụi, khí thải, nước thải được kiểm soát chặt chẽ, vật liệu được tái sử dụng, điều kiện làm việc được cải thiện rõ rệt.

"Cuộc chơi" tốn kém

Nhờ nỗ lực chuyển đổi xanh, vừa qua, Nhà máy Đóng tàu Nam Triệu đã nhận được đơn hàng đóng tàu hút bùn 2.300m3 từ Tập đoàn IHC (Hà Lan) và dự kiến tới đây là tàu rải cáp. Tuy nhiên, theo ông Phạm Quang Tuyến, chuyển đổi xanh là một hành trình tốn kém và nhiều thách thức.

Đóng tàu khát vốn chuyển đổi xanh, đón thị trường 200 tỷ USD- Ảnh 2.

Phân xưởng đóng tàu Sông Cấm sạch sẽ, gọn gàng.

"Chỉ riêng dây chuyền làm sạch thép đã cần tới 10 tỷ đồng, dây chuyền làm sạch tổng đoạn khép kín thêm khoảng 4 tỷ đồng. Mà các nhà máy lại không thể vay vốn tín dụng do đang tái cơ cấu", ông Tuyến chia sẻ.

Thực tế, đây là tình trạng chung của nhiều nhà máy đóng tàu thuộc SBIC. Việc đầu tư công nghệ xanh hiện vẫn chủ yếu dựa vào nguồn vốn tự có từ sản xuất kinh doanh. Đây là một bài toán khó trong bối cảnh ngành đóng tàu còn nhiều khó khăn.

Trong khi đó, xu thế thị trường đang thay đổi nhanh chóng. Theo Tổng công ty SBIC, việc chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc nếu muốn trụ vững và tham gia sâu hơn vào thị trường quốc tế.

Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) đã có lộ trình buộc ngành hàng hải toàn cầu chuyển đổi sử dụng nhiên liệu sạch theo mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net-zero) vào năm 2050. Theo đó, các dòng tàu mới phải sử dụng công nghệ hiện đại hơn, thân thiện môi trường hơn.

Dự báo từ nay đến năm 2030, quy mô thị trường đóng tàu thế giới có thể đạt khoảng 195 tỷ USD, tăng trưởng bình quân gần 4% mỗi năm. Riêng giai đoạn 2024 - 2028, thị trường có thể tăng thêm 22,1 tỷ USD. Trong đó, phân khúc tàu xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, vận hành tiết kiệm nhiên liệu đang được các chủ tàu quốc tế ưu tiên.

Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội này, các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy nhanh chuyển đổi công nghệ và chuẩn hóa môi trường sản xuất. "Nếu không đáp ứng được tiêu chí xanh, các đơn vị rất khó tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu", đại diện SBIC chia sẻ.

Trong bối cảnh các yêu cầu chuyển đổi xanh ngày càng cao, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh nỗ lực nội tại, Nhà nước cần sớm có cơ chế hỗ trợ phù hợp. Cụ thể như chính sách vay vốn ưu đãi cho dự án đầu tư công nghệ xanh; miễn giảm thuế đất, thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp sản xuất thân thiện môi trường…