Siết trách nhiệm người có ảnh hưởng, ngăn quảng cáo sai sự thật
Dự thảo luật bổ sung nhiều quy định siết hoạt động quảng cáo của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, trước thực trạng nhiều người giới thiệu, mời chào các sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng, gây bức xúc, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Buộc xác minh độ tin cậy sản phẩm quảng cáo
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 10/5, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Dự thảo Luật quy định 2 đối tượng "người chuyển tải sản phẩm quảng cáo" gồm: người trực tiếp quảng cáo, khuyến nghị, xác nhận sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên mạng và người trực tiếp quảng cáo bằng hình thức mặc, treo, gắn vẽ, sử dụng có mục đích sinh lợi hoặc các hình thức khác theo quy định của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: Media Quốc hội.
Đối với đối tượng là người trực tiếp quảng cáo trên mạng, bổ sung hoàn thiện khái niệm, không chỉ "quảng cáo" mà còn khuyến nghị, xác nhận; tránh trường hợp người chuyển tải sản phẩm quảng cáo không thừa nhận hành vi quảng cáo mà chỉ thừa nhận việc thực hiện cung cấp thông tin đơn thuần về sản phẩm, dịch vụ hoặc nêu ra trải nghiệm của mình với sản phẩm, dịch vụ; né tránh bị xử lý theo quy định pháp luật về quảng cáo, gây khó khăn cho công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan quản lý nhà nước.
Đồng thời, bổ sung quy định người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp nội dung quảng cáo không bảo đảm các yêu cầu theo quy định tại Luật này. Từ đó khắc phục tình trạng nhiều người dùng mạng (bao gồm cả người có ảnh hưởng) giới thiệu, mời chào, quảng cáo cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, không đúng sự thật, gây bức xúc, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Đáng chú ý, dự thảo luật còn bổ sung quy định về nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng.
Ngoài nghĩa vụ chung, họ phải thực hiện một số nghĩa vụ đặc thù khác như: Xác minh về độ tin cậy của người quảng cáo; kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo. Nếu chưa sử dụng hoặc chưa hiểu rõ về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ thì không được giới thiệu về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ.
Đồng thời, phải thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình thực hiện hoạt động quảng cáo.
"Hiện nay, nhiều người có ảnh hưởng giới thiệu, mời chào, quảng cáo cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, không đúng sự thật, gây bức xúc, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Dự thảo có những quy định riêng cho người có ảnh hưởng nhằm nhấn mạnh đến trách nhiệm của người có ảnh hưởng trong xã hội khi chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Buộc họ phải cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn đối tác quảng cáo, tránh tiếp tay cho những hành vi quảng cáo gian dối", ông Vinh nhấn mạnh.
Từ đó, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về xử phạt vi phạm hành chính và các quy định khác theo góp ý của đại biểu.
Đối với nghĩa vụ thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình thực hiện hoạt động quảng cáo, theo ông Vinh, để nhằm phân biệt giữa thông tin thông thường và thông tin quảng cáo.
Bởi, thực tế hiện nay, nhiều người chuyển tải sản phẩm quảng cáo trên mạng lợi dụng những tính năng của mạng xã hội và các ứng dụng để quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nhưng không thừa nhận hoạt động quảng cáo nhằm mục đích tránh thực hiện nghĩa vụ thuế, tránh việc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp nội dung sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo không bảo đảm các yêu cầu theo quy định.

Quang cảnh phiên họp sáng 10/5. Ảnh: Media Quốc hội.
Tăng diện tích quảng cáo trên báo in
Đối với ý kiến của ĐBQH về tăng diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, hiện nay, trước sự phát triển của quảng cáo trên mạng, doanh thu quảng cáo báo chí nói chung và doanh thu quảng cáo của báo in nói riêng đã giảm mạnh.
Do vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với quan điểm tăng diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí nhằm hỗ trợ các cơ quan báo chí cải thiện nguồn thu, thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính, có thêm nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng nội dung tin, bài.
Tuy nhiên, để tránh ảnh hưởng đến uy tín cũng như kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị của các cơ quan báo chí, tính thẩm mỹ của ấn phẩm báo chí, việc giới hạn tỷ lệ diện tích quảng cáo trên báo in là cần thiết.
Mặt khác, sự suy giảm của thị phần quảng cáo trên báo in còn đến từ nhiều nguyên nhân khách quan (sự hấp dẫn, tính linh hoạt, khả năng tiếp cận người tiêu dùng và sức lan tỏa của báo in so với các hình thức quảng cáo trên mạng).
Vì vậy, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng gấp đôi tỷ lệ diện tích quảng cáo trên báo in, tạp chí in so với quy định hiện hành (diện tích quảng cáo trên báo in không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí) là hợp lý trong bối cảnh hiện nay.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho cơ quan báo chí tăng nguồn thu quảng cáo qua báo in, tạp chí in (nhất là các ấn phẩm vào những ngày lễ, kỷ niệm đặc biệt, ngày tết…), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, rà soát, bổ sung quy định giới hạn diện tích quảng cáo trên báo in sẽ không áp dụng với "phụ trương quảng cáo"; bảo đảm việc phát hành phụ trương quảng cáo được thực hiện theo quy định của Luật Quảng cáo.
Đối với quảng cáo trên báo nói, báo hình, giữ quy định về thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền là 5% như Luật Quảng cáo năm 2012 do nguồn thu chính của các kênh chương trình cung cấp theo phương thức trả tiền là tiền thuê bao.
Ngoài ra, việc nâng giới hạn thời lượng quảng cáo từ 5% lên 10% như trong dự thảo luật có thể gây ảnh hưởng đến trải nghiệm nghe, xem của người sử dụng thuê bao dịch vụ, trong khi họ đã trả tiền thuê bao để sử dụng dịch vụ này.
Vì vậy, dự thảo đã được chỉnh lý theo hướng quy định riêng: đối với kênh chương trình cung cấp theo phương thức quảng bá, thời lượng quảng cáo không được vượt quá 10% tổng thời lượng phát sóng một ngày của các kênh chương trình.
Với kênh chương trình cung cấp theo phương thức trả tiền, thời lượng quảng cáo không vượt quá 5% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của các kênh chương trình.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ các đài truyền hình có thêm nguồn thu quảng cáo, dự thảo Luật giữ nguyên quy định không giới hạn thời lượng quảng cáo với kênh chương trình chuyên quảng cáo.