Sửa quy định về nhiệm vụ của Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ đường thuỷ nội địa
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư quy định về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ đường thủy nội địa.
Chức năng của các cảng vụ có nhiều thay đổi
Thông tư nhằm thay thế các Thông tư số 19/2021 quy định về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ hàng hải (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 03/2025) và Thông tư số 18/2021 quy định về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội địa (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 61/2024).

Sau khi hợp nhất các Cảng vụ Hàng hải và Cảng vụ Đường thủy nội địa trực thuộc Cục Hàng hải và Đường thủy VN, hiện chức năng nhiệm vụ của các cảng vụ có nhiều thay đổi. Ảnh: Tạ Hải.
Theo Cục Hàng hải và Đường thủy VN, sau khi hợp nhất các Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Cục Hàng hải và Đường thủy VN, hiện loại hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ đường thuỷ nội địa có nhiều thay đổi.
Cụ thể, hiện nay, ngoài Cảng vụ hàng hải và Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Cục Hàng hải và Đường thủy VN, còn có Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Sở (thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
Về chức năng nhiệm vụ, cũng có bốn trường hợp. Trong đó, Cảng vụ hàng hải chỉ thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về hàng hải, gồm các cảng vụ hàng hải: Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang, Bình Thuận, Vũng Tàu, Hồ Chí Minh, Cần Thơ.
Ngoài ra, còn trường hợp Cảng vụ hàng hải thực hiện cả chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về hàng hải và đường thủy nội địa do tiếp nhận địa bàn, khu vực quản lý về đường thuỷ nội địa (gồm các Cảng vụ hàng hải: Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đồng Nai, Kiên Giang).
Trường hợp thứ ba, Cảng vụ đường thủy nội địa chỉ thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về đường thủy nội địa (Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực I, II và các Cảng vụ Đường thuỷ nội địa trực thuộc Sở).
Cùng đó, còn có Cảng vụ đường thủy nội địa thực hiện cả chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về đường thủy nội địa và hàng hải do tiếp nhận địa bàn quản lý, khu vực quản lý hàng hải (Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực III, Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV).
Do đó, Cục Hàng hải và Đường thủy VN cho rằng, việc xây dựng và ban hành Thông tư quy định về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ đường thủy nội địa là cần thiết. Điều này nhằm sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với những nhiệm vụ mà các cảng vụ đang được giao thực hiện.
Đồng thời, tạo khung pháp lý đồng bộ, thống nhất cho các cảng vụ thực hiện hiệu lực, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật.
Bổ sung một số nhiệm vụ mới
Theo dự thảo, Thông tư sẽ sửa đổi, bổ sung phạm vi quản lý của cho các cảng vụ trực thuộc Cục Hàng hải và Đường thủy VN để phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Cục sau hợp nhất. Trong đó, có Cảng vụ hàng hải thêm nhiệm vụ quản lý về đường thủy nội địa và Cảng vụ đường thủy nội địa thêm nhiệm vụ quản lý về hàng hải.
Cụ thể, với cảng vụ hàng hải và cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Cục Hàng hải và Đường thủy VN, phạm vi quản lý nhà nước của Cảng vụ hàng hải theo quy định của Bộ Xây dựng về công bố vùng nước cảng biển, khu vực hàng hải, khu vực quản lý được giao và giao thông đường thủy tại cảng, bến thuỷ nội địa, khu neo đậu.
Các khu vực này ngoại trừ bến khách ngang sông và cảng, bến thuỷ nội địa, khu neo đậu trong vùng nước cảng biển đã được Bộ Xây dựng giao, phân cấp cho Cảng vụ đường thủy nội địa thuộc Sở thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc cơ quan, đơn vị được UBND cấp tỉnh giao thực hiện tại địa phương (nơi chưa có tổ chức Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Sở).
Phạm vi quản lý của Cảng vụ đường thuỷ nội địa trực thuộc Cục Hàng hải và Đường thuỷ VN sẽ theo quy định của Bộ Xây dựng về công bố vùng nước cảng biển và khu vực quản lý của Cảng vụ đường thủy nội địa. Cảng, bến thuỷ nội địa (trừ bến khách ngang sông), khu neo đậu đã được công bố, cấp phép hoạt động.
Đối với Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Sở (thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) có phạm vi quản lý bao gồm các cảng, bến thuỷ nội địa (trừ bến khách ngang sông), khu neo đậu đã được công bố, cấp phép hoạt động.
Đáng chú ý, dự thảo cũng đề xuất bổ sung một số nhiệm vụ mới cho các cảng vụ. Bao gồm: Phê duyệt, giám sát phương án đưa tàu lặn vào hoạt động; quyết định chấm dứt hoạt động tàu lặn theo quy định; Tổ chức thanh thải vật chướng ngại trái phép trên luồng, hành lang bảo vệ luồng theo quy định pháp luật và công bố thông báo hàng hải.
Việc bổ sung này để phù hợp với quy định tại Nghị định số 34/205 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực hàng hải.