Giáo dục

Tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường: Cần lộ trình lâu dài, triển khai đồng bộ

03/07/2025, 18:57

Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là bước đi chiến lược nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ, chuẩn bị nguồn nhân lực sẵn sàng hội nhập quốc tế, song cần có lộ trình lâu dài, đồng bộ từ cơ sở pháp lý đến điều kiện triển khai.

Thích ứng thách thức mới

Tiếng Anh được xem là công cụ quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế. Không chỉ riêng Việt Nam, nhiều quốc gia như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia cũng đang đẩy mạnh việc đưa tiếng Anh vào vai trò ngôn ngữ thứ hai trong giáo dục.

Hiện nay, tại Việt Nam, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 xác định tiếng Anh là môn học bắt buộc. Môn tiếng Anh không chỉ là một môn học ngôn ngữ, mà còn là công cụ hỗ trợ học sinh phát triển tư duy logic, năng lực giao tiếp và khả năng tiếp cận tri thức mới trong thời đại số.

Tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường: Cần lộ trình lâu dài, triển khai đồng bộ- Ảnh 1.

Học sinh rèn luyện kỹ năng giao tiếp tiếng Anh trong môi trường học đường, một phần trong định hướng đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai tại Việt Nam.

Tầm quan trọng của tiếng Anh tiếp tục được khẳng định khi nằm trong nhóm ít môn học có đề án cấp quốc gia, Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường phổ thông.

Tuy nhiên, để tiếng Anh thực sự trở thành ngôn ngữ thứ hai trong môi trường học đường, các chuyên gia cho rằng cần có lộ trình lâu dài, đồng bộ từ cơ sở pháp lý đến điều kiện triển khai. Trong đó, việc đầu tư cho đội ngũ giáo viên, cả về số lượng lẫn chất lượng, là điều kiện tiên quyết.

GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, nhấn mạnh: "Việc nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh không chỉ là một nhiệm vụ giáo dục, mà còn là chiến lược thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Khi tiếng Anh được sử dụng như phương tiện giảng dạy trong các môn học, học sinh sẽ rèn luyện tư duy đa chiều, linh hoạt và thích ứng tốt hơn với những thách thức mới".

Chia sẻ với phóng viên Báo Xây dựng, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam cho biết, việc đưa tiếng Anh vào giảng dạy trong nhà trường trước hết là cơ hội để tạo ra một môi trường học tập cởi mở, giúp học sinh nâng cao ý thức trong việc học ngoại ngữ. Qua đó, các em không chỉ học để lấy điểm hay hoàn thành chương trình, mà còn biết cách vận dụng ngôn ngữ vào thực tiễn cuộc sống.

Ông nhấn mạnh: "Điểm cốt lõi không nằm ở việc đưa thêm một môn học vào chương trình, mà ở việc học sinh có đủ ý thức và quyết tâm để tiếp nhận thêm một ngôn ngữ mới như một công cụ giúp nâng cao kết quả học tập và chất lượng cuộc sống. Ý thức đó phải được nuôi dưỡng bằng mục tiêu rõ ràng, cùng với sự chủ động và bền bỉ trong quá trình học tập".

Bên cạnh đó, theo ông Lâm, việc xây dựng các hình thức khuyến khích học sinh học ngoại ngữ là một yêu cầu tất yếu được đặt ra cho cả xã hội và Nhà nước. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng những điều kiện hỗ trợ này cần thực sự mang tính khích lệ, tạo động lực học tập thực chất cho học sinh, thay vì chạy theo thành tích, điểm số hay bằng cấp mà không phản ánh đúng năng lực sử dụng ngoại ngữ trong thực tế.

Cơ hội học sinh Việt hội nhập sâu rộng

Trên thực tế, nhiều địa phương đã có những bước đi cụ thể nhằm hiện thực hóa định hướng này. Hàng trăm giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội đã được cử đi đào tạo tại các quốc gia có nền giáo dục phát triển. Sau khi trở về, họ thành lập các câu lạc bộ chuyên môn, tổ chức tập huấn và chia sẻ phương pháp giảng dạy với giáo viên ở các khu vực ngoại thành.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, thành phố sẽ tiếp tục bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ cho giáo viên các môn khác để có thể giảng dạy song ngữ. Đồng thời, ngành giáo dục đẩy mạnh tuyển dụng và hợp tác với các trung tâm ngoại ngữ nhằm đảm bảo nguồn lực giảng dạy.

Tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường: Cần lộ trình lâu dài, triển khai đồng bộ- Ảnh 2.

Học sinh trong giờ học tiếng Anh tại trường minh chứng cho định hướng đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong hệ thống giáo dục.

Từ thực tế giảng dạy, cô Phạm Thu Hà, giáo viên tiếng Anh tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ: "Hiện nay, nhiều học sinh vẫn chưa tự tin khi giao tiếp bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, với định hướng rõ ràng, lộ trình cụ thể và sự đồng hành của phụ huynh, nhà trường và giáo viên, mục tiêu này hoàn toàn khả thi".

Cô Hà cũng nhấn mạnh vai trò tiên phong của giáo viên trong việc tạo dựng môi trường học tiếng Anh tự nhiên: "Không chỉ trong tiết học chính khóa, mà thông qua các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ hay sinh hoạt hằng ngày, học sinh cần được khuyến khích sử dụng tiếng Anh như một phần tất yếu trong đời sống học đường".

Ở góc độ quản lý, TS Nguyễn Thị Mai Hữu, Trưởng Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia (Bộ GD&ĐT) cho rằng: "Việc phát triển tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai là yêu cầu cấp thiết, song cũng tiềm ẩn nhiều thách thức do sự chênh lệch về cơ sở vật chất và chất lượng giáo viên giữa các địa phương".

Đại diện khối doanh nghiệp, bà Vũ Thị Thanh Loan, Tổng giám đốc Hệ thống Anh ngữ Quốc tế Ocean Edu chia sẻ: "Ngày nay, học tiếng Anh không chỉ đơn thuần là kỹ năng giao tiếp, mà còn là nền tảng giúp học sinh phát triển toàn diện các năng lực cần thiết, đáp ứng hiệu quả các yêu cầu học tập và làm việc trong thời đại số".

Theo bà Loan, việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai là bước đi chiến lược, mở đường cho quá trình đổi mới giáo dục toàn diện. Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần có sự triển khai nhanh chóng, đồng bộ và bền vững từ cấp trung ương đến từng địa phương.

"Hành trình này đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và sự đồng hành của toàn xã hội. Đây sẽ là nền tảng chiến lược để thế hệ trẻ Việt Nam tự tin vươn ra thế giới, hội nhập sâu rộng và cạnh tranh toàn diện trong kỷ nguyên toàn cầu hóa", bà Loan nói.

Ngày nay, học tiếng Anh không chỉ đơn thuần là kỹ năng giao tiếp, mà còn là nền tảng giúp học sinh phát triển toàn diện các năng lực cần thiết, đáp ứng hiệu quả các yêu cầu học tập và làm việc trong thời đại số.
Bà Vũ Thị Thanh Loan, Tổng giám đốc Hệ thống Anh ngữ Quốc tế Ocean Edu.