Tự ý đưa yêu cầu trái quy định, đăng kiểm viên bị xử lý ra sao?
Nghị định 168/2024 đã bổ sung chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tự ý đưa ra các yêu cầu trái quy định trong kiểm định xe.
Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu toàn hệ thống kiểm định phương tiện trên cả nước chấn chỉnh hoạt động, sau khi tiếp nhận nhiều phản ánh từ người dân, doanh nghiệp. Các phản ánh cho thấy vẫn tồn tại tình trạng đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ áp dụng tùy tiện các thủ tục kiểm định, gây phiền hà cho chủ phương tiện.

Tự ý đưa ra yêu cầu trái quy định trong đăng kiểm xe cơ giới là hành vi bị nghiêm cấm, có thể bị phạt đến 10 triệu đồng nếu là đăng kiểm viên, phạt đến 20 triệu đồng nếu là cơ sở đăng kiểm (ảnh minh hoạ).
Theo quy định tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/7, hành vi của đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ tự ý đưa ra yêu cầu trái quy định trong quá trình kiểm định xe cơ giới sẽ bị xử phạt nặng. Cụ thể, cá nhân vi phạm sẽ bị phạt từ 8–10 triệu đồng, còn cơ sở đăng kiểm nơi để xảy ra sai phạm sẽ bị phạt từ 16–20 triệu đồng.
Đây là chế tài bổ sung so với Nghị định 100/2019 trước đây, được ban hành trong bối cảnh thời gian qua đã ghi nhận tình trạng một số trung tâm đăng kiểm gây khó dễ cho người dân và doanh nghiệp bằng những yêu cầu không đúng quy định.
Một số hành vi điển hình như: buộc chủ xe phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự mới, dù bảo hiểm cũ còn hiệu lực; hoặc yêu cầu đưa xe đến gara do trung tâm "chỉ định" để sửa chữa mới cho phép tiếp tục đăng kiểm.
Cục Đăng kiểm Việt Nam nhấn mạnh, những hành vi nêu trên bị nghiêm cấm. Cá nhân, đơn vị vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo Nghị định 168/2024 và có thể bị truy cứu trách nhiệm theo quy định pháp luật nếu vi phạm nghiêm trọng.
Cùng với đó, các trung tâm đăng kiểm được yêu cầu rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp đăng kiểm viên có thái độ phục vụ thiếu chuẩn mực, gây bức xúc cho người dân. Cục cũng yêu cầu tăng cường công tác tập huấn về đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử và kỹ năng giao tiếp, thay đổi nhận thức theo hướng lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong cung cấp dịch vụ công.