5 nhóm ngành tăng nhu cầu tuyển dụng
Đánh giá mới nhất về triển vọng thị trường lao động quý II, Bộ Nội vụ cho biết, dự báo sẽ có khoảng 52,2 triệu người có việc làm, tăng 350 nghìn người so với quý I.
Trong đó, một số nhóm ngành được dự báo sẽ tăng nhu cầu tuyển dụng như: Sản xuất trang phục tăng 4,95%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 4,2%; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện tăng 3,7%.

Có 5 nhóm ngành được dự báo sẽ tăng nhu cầu tuyển dụng trong quý II năm nay. Ảnh minh họa.
Về yêu cầu vị trí công việc, có tới 61% vị trí tuyển dụng không yêu cầu kinh nghiệm; 33,2% yêu cầu kinh nghiệm dưới 2 năm; 14,8% yêu cầu từ 2-5 năm; 0,9% yêu cầu trên 5 năm kinh nghiệm. Đáng chú ý, độ tuổi lao động đi tìm việc từ 30 - 39 tuổi, chiếm 42,9%; từ 20 - 29 tuổi, chiếm 31,1%.
Làm sao để đậu việc?
Nghiên cứu từ các doanh nghiệp đăng tuyển dụng lao động và thông tin lao động đi tìm việc trên các website quý I/2025 cho thấy, xu hướng tuyển dụng hiện tại, yêu cầu về trình độ đại học trở lên chiếm 52,9%; yêu cầu trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm 40,4%, về vị trí nhân viên chiếm 67%.
Trong khi đó, đặc điểm của người đi tìm việc chỉ 50,8% có trình độ đại học trở lên; 29,3% có trình độ cao đẳng, trung cấp. Đáng chú ý, đối với vị trí tuyển dụng sơ cấp nhu cầu chỉ chiếm 6,7%, tuy nhiên, dữ liệu của Bộ Nội vụ chỉ rõ, có 19,9% lao động với vị trí này không có chuyên môn kỹ thuật.
Viện Khoa học Tổ chức nhà nước và Lao động (Bộ Nội vụ) cho biết thêm: Quý I/2025, nhu cầu tuyển dụng vị trí quản lý bậc trung chiếm 17,5%; 7,5% vị trí quản lý bậc cao; 8% đối với vị trí việc làm tạm thời.
Về phía người lao động, đối với vị trí quản lý bậc trung, có 14,5% có nhu cầu tìm việc ở vị trí này; chỉ có 8,7% tìm việc ở vị trí quản lý bậc cao; 45% lao động tìm việc ở vị trí nhân viên.
Theo Viện Khoa học Tổ chức nhà nước và Lao động, các nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất ghi nhận trong Quý I, bao gồm: Bán buôn, bán lẻ; hoạt động kinh doanh bất động sản; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; giáo dục và đào tạo; lập trình máy tính, dịch vụ công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, các nhóm nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất, bao gồm: Nhân viên bán hàng; nhân viên dịch vụ khách hàng; nhân viên kinh doanh và quản lý; lao động trong lĩnh vực kỹ thuật; logistics, vận tải.
Ngoài ra, quản trị doanh nghiệp; nhân viên thông tin khách hàng; nhân viên bán hàng, mua sắm và môi giới; nhân viên bán hàng khác; nhân viên kinh doanh, tiếp thị và quảng cáo là những nhóm ngành nghề được người lao động đi tìm việc nhiều nhất.
Chia sẻ với báo chí về xu hướng tuyển dụng của thị trường lao động hiện nay, lãnh đạo Trung tâm Thông tin phân tích dự báo chiến lược và dịch vụ công, Viện Khoa học Tổ chức nhà nước và Lao động (Bộ Nội vụ) cho rằng: Để có định hướng cho công việc, cập nhật thông tin vị trí việc làm tốt hơn, người lao động lao động cần tự trang bị thêm kỹ năng công nghệ thông tin, đồng thời trau dồi chuyên môn để thích nghi với môi trường, yêu cầu chuyên môn kỹ thuật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận