Công nghệ mới có tên GRAPE là kết quả hợp tác giữa Bệnh viện Ung bướu Chiết Giang và Học viện DAMO thuộc Tập đoàn Alibaba. Nghiên cứu liên quan đã được công bố trên tạp chí Nature Medicine vào tuần trước, đánh dấu một bước tiến lớn trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh bằng AI. Khác với các phương pháp nội soi hiện nay, vốn đắt đỏ, gây khó chịu và khiến nhiều người e ngại, hệ thống này sử dụng ảnh CT không cản quang, vốn đã phổ biến tại các bệnh viện, để sàng lọc sớm ung thư dạ dày.
Theo các số liệu từ Trung tâm Ung bướu Quốc gia Trung Quốc, mỗi năm quốc gia này ghi nhận khoảng 360.000 ca mắc ung thư dạ dày mới, với khoảng 260.000 ca tử vong. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh nhân phát hiện muộn chỉ dưới 30%, trong khi nếu phát hiện ở giai đoạn đầu, cơ hội sống sót có thể lên đến hơn 90%. Tuy nhiên, việc chẩn đoán sớm vẫn là một thách thức do các công cụ hiện tại còn hạn chế và khó tiếp cận đại trà.

Trung tâm điều khiển máy CT, nơi AI bắt đầu quá trình sàng lọc ung thư dạ dày giai đoạn sớm. (Ảnh: Xinhua).
GRAPE được huấn luyện trên gần 100.000 ảnh CT từ 20 cơ sở y tế trên khắp Trung Quốc. Trong các thử nghiệm, hệ thống đạt độ nhạy 85,1% khi phát hiện các khối u giai đoạn sớm, vượt trội so với các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh trong các bài thử đối chứng. Một trong những cải tiến then chốt là kỹ thuật ghép nối hình ảnh CT có cản quang vào ảnh không cản quang, giúp AI “nhìn” được những chi tiết vốn mờ nhạt, từ đó xác định chính xác vị trí tổn thương. Ông Xia Yingda, chuyên gia từ nhóm AI y tế DAMO và đồng tác giả nghiên cứu, cho biết việc phát hiện ung thư dạ dày bằng AI đặc biệt khó vì dạ dày là cơ quan thay đổi hình dạng liên tục, tùy vào mức độ co giãn và tiêu hóa.
Trong các thử nghiệm thực tế tại hai bệnh viện tại Trung Quốc, hệ thống AI đã nâng tỷ lệ phát hiện ung thư lên tới 24,5%. Đặc biệt, khoảng 40% số ca được phát hiện là những bệnh nhân chưa có bất kỳ triệu chứng tiêu hóa nào. Nhóm nghiên cứu còn phân tích lại ảnh CT cũ của 11 bệnh nhân trước khi được chẩn đoán và phát hiện AI có thể nhận ra dấu hiệu bất thường từ 2 đến 10 tháng trước thời điểm bác sĩ chính thức phát hiện bệnh.
Một trường hợp điển hình là một bệnh nhân 45 tuổi được chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn tiến triển, trong khi sáu tháng trước đó, người này đã từng chụp CT không cản quang vì bệnh khác mà không có triệu chứng liên quan tiêu hóa. Kết quả phân tích cho thấy AI hoàn toàn có thể phát hiện ung thư ngay từ thời điểm đó.

Góc nhìn từ máy CT - thiết bị hỗ trợ AI phát hiện sớm ung thư qua hình ảnh y học tiêu chuẩn. (Ảnh: SCMP).
GRAPE hiện đã được triển khai tại một số bệnh viện ở tỉnh Chiết Giang và An Huy, Trung Quốc, với kế hoạch mở rộng ứng dụng trong và ngoài nước. Trước đó, Học viện DAMO cũng từng gây tiếng vang với PANDA - một mô hình AI khác chuyên phát hiện ung thư tụy, loại ung thư được coi là “sát thủ thầm lặng” do khó phát hiện sớm.
PANDA đạt độ nhạy 92,9% và độ đặc hiệu gần như tuyệt đối trong các thử nghiệm lâm sàng, giúp phát hiện các tổn thương nhỏ mà các xét nghiệm thông thường dễ bỏ sót. Trong đợt thử nghiệm tại Bệnh viện Nhân dân trực thuộc Đại học Ninh Ba, PANDA đã giúp sàng lọc hơn 40.000 người, trong đó có hai ca ung thư tụy giai đoạn sớm được phát hiện thành công, bao gồm một tổn thương chỉ 1,5 cm đã được phẫu thuật kịp thời.
Ngoài GRAPE và PANDA, AI y tế đang dần trở thành chiến lược trọng tâm của ngành y học Trung Quốc. Tại Bệnh viện Liên hiệp Peking Union, AI đang được sử dụng để tầm soát sớm các rối loạn nhận thức do đột quỵ, Alzheimer hay Parkinson. Trong khi đó, Bệnh viện Ruijin ở Thượng Hải đang áp dụng hệ thống RuiPath do Huawei phát triển để phân tích tiêu bản mô học, rút ngắn thời gian chẩn đoán chỉ còn vài giây.
Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế Nature Communications vào tháng 4/2025 cho thấy AI cũng đã được sử dụng thành công trong sàng lọc ung thư cổ tử cung, cho kết quả tương đương hoặc vượt chuyên gia, đặc biệt hữu ích tại các khu vực thiếu bác sĩ chuyên ngành.
Tầm nhìn dài hạn của DAMO là xây dựng mô hình “một lần chụp - nhiều bệnh”, giúp phát hiện đồng thời nhiều loại ung thư, bệnh mạn tính và bệnh cấp tính chỉ từ một ảnh CT không cản quang. Điều này không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn mở rộng khả năng tiếp cận y tế chất lượng cao đến các khu vực khó khăn.
Sự phát triển thần tốc của các công nghệ này cho thấy Trung Quốc đang đặt cược lớn vào tương lai của y học thông minh, nơi máy móc không thay thế mà đồng hành, hỗ trợ bác sĩ phát hiện bệnh sớm, chính xác và bình đẳng hơn cho tất cả mọi người.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận