Những ngôi nhà mới bên vết nứt đồi Cây Đa
Đồi Cây Đa, xóm Rài, xã Mường Vang, tỉnh Phú Thọ (xã Tuân Đạo, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình cũ) xuất hiện vết nứt, nguy cơ sạt trượt, đe dọa đời sống của hơn trăm hộ dân sống thọt lỏm dưới chân đồi.
Trước nguy cơ rủi ro, Nhà nước chi hơn 70 tỷ đồng làm khu tái định cư mới (Dự án Xây dựng hạ tầng khu tái định cư, Dự án khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai gây sạt lở đất), giúp người dân ổn định đời sống.

Đồi Cây Đa xóm Rài, xã Mường Vang, tỉnh Phú Thọ xuất hiện nhiều vết nứt, đe dọa đời sống người dân sống dưới chân đồi.
Anh Bùi Văn Khuyền (32 tuổi) là một trong những hộ dân nằm trong diện phải di dời khẩn cấp khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Những ngày tháng Bảy, giữa cái nắng chang chang của miền núi, gia đình anh tất bật hoàn thiện ngôi nhà sàn 2 tầng bằng bê tông cốt thép tại khu tái định cư mới, lô số 27. Mồ hôi đẫm lưng áo, nhưng ánh mắt anh lấp lánh niềm hy vọng về một cuộc sống an toàn hơn.
Chia sẻ với phóng viên Báo Xây dựng, anh Khuyền không giấu được sự xúc động, cho biết: Trước kia, khi đồi Cây Đa chưa xuất hiện những vết nứt, cuộc sống nơi đây yên ả, người dân gắn bó với ruộng nương, nếp nhà bao đời. Nhưng từ khi đồi bắt đầu nứt toác, rồi trượt dần xuống, mọi thứ thay đổi. Gia đình anh luôn sống trong nỗi lo sợ. Những ngày mưa lớn, nước dội xuống vết nứt, thấm sâu vào đồi, cả nhà phải vội vã rời nhà đi trú nhờ nơi khác, vừa lạnh, vừa bất an.
Khi Nhà nước có chủ trương di dời, anh Khuyền không ngần ngại gật đầu đồng thuận. "Người còn là quý rồi, nhà cửa có thể làm lại được", anh nói. Ngôi nhà mới đang xây dự kiến sẽ tiêu tốn khoảng 500 triệu đồng. Nhà nước hỗ trợ 80 triệu, phần còn lại anh phải vay mượn khắp nơi, từ làng trên, xóm dưới, từ những người anh em thân quen. Dù khó khăn, nhưng anh tin nơi ở mới sẽ mang lại cuộc sống bình yên và lâu dài cho vợ con mình.

Người dân xóm Rài, xã Mường Vang, tỉnh Phú Thọ xây dựng nhà tại khu tái định cư mới.
Ông Bùi Văn Trình (65 tuổi), người đã gắn bó cả cuộc đời với xóm Rài cũng vừa bốc thăm được vị trí lô đất số 0511. Theo kế hoạch, đến tháng 2/2026, ông sẽ khởi công ngôi nhà mới. Ông kể chậm rãi: "Xóm Rài mình là làng cổ, mấy đời sống ở đây rồi. Bão Yagi năm 2024 ập đến, sau đó đồi Cây Đa bắt đầu nứt. Lúc đầu chỉ là một vài vết nhỏ, giờ đã toác rộng, đất thì sạt, mưa xuống là nước lại dồn về đó. Nhìn mà sợ… Hàng nghìn mét khối đất có thể đổ ụp xuống bất cứ lúc nào".
Ngôi nhà hai tầng ông đang ở mới xây được 3 năm, bao nhiêu của cải, công sức của cả gia đình gom góp mới dựng nên được. Giờ nhà nứt gần hết, nhìn mà đau lòng. "Giờ bảo đi là đi, không tiếc sao được, nhưng còn người còn của. Mất mát bao nhiêu cũng không bằng mất mạng. Tôi bàn với con cháu, mình phải đi thôi", ông Trình nghẹn lời.
Trưởng xóm dài, ông Bùi Văn Thửi cũng đang hoàn thiện ngôi nhà của mình tại khu tái định cư mới. Ông Thửi cho PV Báo Xây dựng biết, trong xóm có hơn 100 hộ, có 66 hộ thuộc diện phải di dời khẩn cấp. Trước nguy cơ rủi ro, ông vận động người dân phối hợp chính quyền địa phương di dời sang nơi ở mới. Hiện tại, bà con đã có vị trí đất, xây nhà, tiến tới ổn định cuộc sống.
Huy động nguồn vốn trung ương, địa phương và xã hội
Theo ghi nhận của PV Báo Xây dựng, Dự án Xây dựng hạ tầng khu tái định cư, Dự án khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai gây sạt lở đất xây dựng mới (khu tái định cư mới) của người dân xóm Rài xây dựng khu đất bằng phẳng đối diện bên kia chân đồi Cây Đa, cách bởi đồng trũng và cách khu nhà ở cũ không xa, khoảng 300m.
Khu tái định cư mới được bao quay bằng tường bao bê tông kiên cố, cao, dày dặn, giúp giữ ổn định mặt bằng và chống tràn bùn đất lên khu dân cư nếu không may có lũ, bùn đất sạt trượt đổ xuống cánh đồng trũng. Cùng với quá trình hoàn thiện hạ tầng, hàng chục ngôi nhà sàn 2 tầng, xây dựng bằng bê tông cốt thép hoàn thiện kiên cố.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (áo sơ mi xanh bên trái) và ông Doãn Quang Hưng, Chủ tịch xã Mường Vang (áo sơ mi trắng cầm sổ) cùng cán bộ kiểm tra thực tế tại dự án tái định cư mới xóm Rài.
Ông Doãn Quang Hưng, Chủ tịch xã Mường Vang, tỉnh Phú Thọ (xã Tuân Đạo, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình cũ), cho biết khu tái định cư mới diện tích 6ha, phân ra 131 lô đất ở. Diện tích mỗi lô đất ở 200m2. Địa phương dự kiến giao 111 lô, còn lại 20 lô dự phòng tái định cư có các hộ dân khác đủ điều kiện theo quy định.
Theo ông Hưng, tổng vốn đầu tư dự án 72 tỷ đồng. Trong đó vốn Trung ương 50 tỷ đồng, vốn tỉnh 22 tỷ đồng và vốn xã hội hóa hỗ trợ người dân di dời khoảng 30 triệu đồng mỗi hộ.
Ông Hưng cho hay, để dự án triển khai ngay, nhanh, đảm bảo đời sống cho người dân, tỉnh Hòa Bình trước đây (nay là tỉnh Phú Thọ) áp dụng đầu tư dự án trong tình huống khẩn cấp, cấp bách. Kết hợp với vận động, tuyên truyền, minh bạch để người dân hiểu và đồng thuận.
"Người dân đang ở ổn định, nơi cha ông họ ở từ rất lâu đời. Nay họ phải bỏ nơi 'chôn nhau cắt rốn' di dời đi nơi khác họ phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều. Bên cạnh đó là khó khăn về vật chất, di dời phát sinh chi phí, nhiều hộ dân đang còn vay ngân hàng để xây nhà cũ chưa trả hết.
Vì thế, chính quyền địa phương bằng các biện pháp tuyên truyền, vận động, công khai tất cả quy hoạch, hình ảnh tương lai, hạ tầng, nhà văn hóa, trường học, người dân đồng thuận. Để đảm bảo cuộc sống cho người dân, chính quyền huy động mọi nguồn lực, thậm chí đưa cả ngân hàng vào cuộc xây dựng chính sách hỗ trợ người dân phải di dời khẩn cấp như khoanh nợ, khoanh vốn nên người dân rất đồng thuận", ông Hưng nói.
Ông Hưng cũng cho biết, để ổn định đời sống cho người dân sau tái định cư, thường trực Đảng ủy, ủy ban xã đã họp và quyết định tới đây, xã đưa chương trình hỗ trợ người dân phát triển kinh tế bằng cách thúc đẩy nuôi lợn ỉ. Dự kiến, sẽ có tổ chức về phối hợp với người dân theo hình thức mỗi hộ dân nuôi 10 con, họ cung cấp giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Ông Hưng kỳ vọng, với những cách làm mới, kinh tế người dân sẽ ổn định, địa phương từng bước vươn mình.
Dự án Xây dựng hạ tầng khu tái định cư, Dự án khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai gây sạt lở đất tại xóm Rài, xã Mường Vang, tỉnh Phú Thọ (xã Tuân Đạo, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình cũ) được xây dựng dựa trên Nghị quyết 143/NQQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả Bão số 3 Yagi; Công văn 7381/BKTĐT-QLĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu Tư (nay là Bộ Tài chính) về thực hiện chọn nhà thầu khắc phục hậu quả Bão số 3 và mua sau bão; và các quyết định của tỉnh Hòa Bình (nay là tỉnh Phú Thọ).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận