Thắt chặt chi tiêu, áp lực nặng nề
Áp lực mua nhà trả góp khiến Bùi Thị Mai Anh (26 tuổi, Hà Nội) phải thắt chặt các khoản chi tiêu để trả nợ. Mai Anh cho biết: "Tôi làm freelancer (tự do) và chưa lập gia đình, năm 2023 tôi dành gần hết số tiền tiết kiệm để mua một căn chung cư ở Hà Nội với hình thức trả góp 70%. Hiện, tôi đã trả được một năm tiền gốc và lãi, nợ còn lại với ngân hàng là 1,6 tỷ, lãi 9%/năm".

Áp lực lãi vay mua nhà đè nặng lên cuộc sống của nhiều gia đình trẻ tại các đô thị lớn.
Chuyện không có gì để nói nếu như công việc thuận lợi, suôn sẻ. Thời gian gần đây, khách hàng và công việc của Mai Anh ít đi khiến việc trả nợ dài hạn mệt mỏi. Mai Anh cho biết, với đồng lương hạn hẹp, nếu cứ duy trì thế này thì làm cũng chỉ đủ để trả nợ và không dư ra được, mỗi tháng Mai Anh trả tới 12 triệu tiền lãi và 5 triệu tiền gốc.
Mai Anh cũng từng tính đến bài toán bán nhà và đi thuê nhà, nhưng sẽ phí mất một năm tiền lãi và cả tiền phí đáo hạn lãi. "Chưa kể tôi cũng rất tiếc vì đây là tài sản đầu tiên cố gắng để mua. Nếu bán đi sau này tôi sợ không có cơ hội mua nữa vì giá nhà ở Hà Nội cao hơn trước khá nhiều. Tôi thì không có nhà ở quê hay nhà của bố mẹ để có thể tính đường lùi, nhiều lúc stress vì cả công việc lẫn khoản nợ mà không biết phải giải quyết thế nào", Mai Anh giải bày.
Câu chuyện mua nhà trả góp không chỉ là "ác mộng" của riêng Mai Anh. Chị Nguyễn Thị Thu Hằng (SN 1995) hiện đang làm nhân viên kế toán cho một công ty may mặc ở huyện Đông Anh chia sẻ, tháng trước vừa phải bán vàng cưới ra đóng bù ngân hàng vì chậm mất 5 ngày bị phạt.
Năm 2022, sau khi hai vợ chồng chị Hằng tích góp được khoảng 500 triệu đồng. Chị thấy dự án chung cư ở Đông Anh mở bán, căn 2 phòng ngủ giá gần 1,5 tỷ đồng và hỗ trợ vay tới 70%, lãi suất ưu đãi năm đầu 7,5%, vợ chồng chị Hằng quyết định xuống tiền, mỗi tháng trả khoảng 9 triệu đồng.
"Vậy là, cuối năm 2022, tôi vay ngân hàng 1 tỷ đồng, ký hợp đồng tín dụng 20 năm. Năm 2023, hết thời gian ưu đãi, ngân hàng thông báo lãi suất điều chỉnh lên 12,3%/năm. Lúc đó tôi sốc thực sự, lương vợ chồng tôi cộng lại khoảng 16 triệu/tháng, trả ngân hàng xong còn đúng 3 triệu để ăn uống, chi tiêu, đi lại", chị Hằng kể.
Để không chậm nợ, chị Hằng cho biết phải cắt giảm mọi khoản, không đi chơi, không shopping, bớt ăn ngoài, xin làm thêm kế toán thời vụ buổi tối. Phí quản lý tòa nhà, phí gửi xe, phí bảo trì, tiền điện nước… tất cả đội lên mỗi tháng hơn 2 triệu khiến vợ chồng chị Hằng vật lộn với nợ nần và lãi suất. Sau nhiều năm kết hôn, vợ chồng chị Hằng vẫn chưa dám sinh con vì nợ nần ăn mòn các chi phí.
Lãi suất đang vay có giảm được không?

Hiện nay, lãi suất các gói vay mua nhà mới dành cho người trẻ có xu hướng giảm so với các năm trước.
Việc lãi suất ngân hàng sau thời gian ưu đãi có lãi suất thả nổi tăng cao là điều không tốt cho thị trường bất động sản và người mua nhà. Vì vậy, khi bắt đầu nhận công việc đóng gói phân phối sản phẩm cho một dự án mới, chị Thảo Nguyễn - Leader cấp cao tại BHS Group cho biết: "Tôi luôn tìm và đề xuất đối tác ngân hàng có mức cho vay hỗ trợ lãi suất tốt nhất, dịch vụ cạnh tranh nhất để tư vấn, giới thiệu cho khách mua nhà".
Tuy nhiên, trả lời cho câu hỏi lãi suất các gói đang vay có giảm được không, đại diện một ngân hàng tiết lộ: Với các gói đang áp dụng thì thường lãi suất ổn định và xu hướng khó giảm. Hiện nay, lãi suất các gói vay mua nhà mới dành cho người trẻ có xu hướng giảm so với các năm trước.
"Chương trình giảm lãi suất cho người trẻ vay mua nhà lần đầu được nhiều ngân hàng tham gia, đặc biệt là sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các gói tín dụng hỗ trợ thị trường bất động sản. Hiện, chúng tôi đang có mức lãi suất xấp xỉ 4% trong 3 tháng đầu, tỷ lệ vay cho lên đến 90% giá trị tài sản, miễn trả gốc trong 5 năm đầu, thời gian vay trong 35 năm", Anh Nguyễn Thanh Tùng, chi nhánh Ngân hàng SHB Thái Hà (Hà Nội) tư vấn.
Theo quan sát, các gói vay tương tự có thể kể đến như Ngân hàng LP Bank giới thiệu gói vay với quy mô 5.000 tỷ đồng, lãi suất khởi điểm từ 3,88%/năm trong 3 tháng đầu. Khách hàng được vay 100% nhu cầu vốn, thời hạn vay tối đa 35 năm, ân hạn nợ gốc 24 tháng. ACB cũng tham gia với gói vay ưu đãi dành riêng cho người trẻ dưới 35 tuổi, lãi suất từ 5,5%/năm.
Tuy nhiên, các gói cho vay cũ của người mua nhà sẽ không được hưởng gì từ chính sách các gói vay mới lãi suất thấp. Bởi thời gian lãi suất thấp ngắn và thủ tục tất toán, phí phạt trả nợ trước của các gói vay cũ cao, gần như không thể chuyển đổi.
Về lời khuyên dành cho người vay mua nhà, ông Trần Đức Diễn, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, người chuẩn bị vay cần cân đối kế hoạch tài chính, không nên vay quá khả năng chi trả, không nên mua nhà theo tâm lý fomo (tâm lý sợ bỏ lỡ) mà vội vàng bộc phát.
Người đã vay cần huy động nguồn tiền nhàn rỗi từ người thân tất toán trước một phần nếu có thể. Phương án tiết kiệm chi tiêu và chịu áp lực vẫn phải chấp nhận, nhưng cần cơ cấu lại tình hình tài chính thu chi, tối đa hóa hoạt động tăng thu nhập mới giải quyết được tận gốc vấn đề.
Về chính sách điều hành vĩ mô, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, dư nợ tín dụng bất động sản của hệ thống ngân hàng hiện nay đạt 3,48 triệu tỷ đồng. Ngành ngân hàng sẽ tập trung nguồn lực cho tín dụng nhà ở, nhất là cấp tín dụng cho người thu nhập thấp có nhu cầu mua nhà và đáp ứng điều kiện vay vốn. Đồng thời, bà Nguyễn Thị Hồng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương đánh giá nhu cầu sở hữu nhà ở, thuê hoặc thuê mua để có các giải pháp phù hợp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận