Sáng 1/7, trong không khí thanh tịnh đầu tháng, hàng nghìn ngôi chùa, tu viện trên cả nước đồng loạt thỉnh ba hồi chuông trống Bát Nhã, đánh dấu thời khắc chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Lãnh đạo TP.HCM và người dân TP.HCM tới chùa từ sáng sớm để tham gia hoạt động này của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Ghi nhận của PV Báo Xây dựng, tại các chùa lớn như tu viện Khánh An, chùa Giác Ngộ, Việt Nam Quốc Tự, Vĩnh Nghiêm... người dân đến từ sớm, hòa mình trong không gian thanh tịnh, trang nghiêm để cùng nhau cầu nguyện cho một thời kỳ mới của đất nước an bình, phát triển, thịnh vượng.

Tại chùa Vĩnh Nghiêm, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được đánh chuông trong ngày làm việc đầu tiên vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Lãnh đạo TP.HCM cũng có mặt rất sớm để đánh chuông. Trong ngày làm việc đầu tiên trên cương vị mới, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được đã cùng chư tăng và phật tử đánh chuông cầu nguyện quốc thái dân an tại chùa Vĩnh Nghiêm. Không diễn văn, không nghi lễ rườm rà, ông Được đánh vang tiếng chuông giữa làn hương trầm, mở ra một khởi đầu mới phát triển và nhân văn.
Hòa thượng Thích Lệ Trang, trụ trì chùa Việt Nam Quốc Tự (TP.HCM) cho biết, đánh chuông không chỉ là nghi thức tâm linh, mà là lời nhắc chính mình giữ tâm sáng, trí vững, lòng hướng về dân.
Việc các chùa đồng loạt thỉnh chuông là sự đồng hành của Phật giáo với đất nước trong một giai đoạn chuyển mình quan trọng.
"Tiếng chuông không chỉ vọng trong chùa, mà còn vang trong lòng người dân như một thông điệp của trí tuệ, từ bi và hy vọng", hòa thượng Thích Lệ Trang chia sẻ.
Theo thượng tọa Thích Trí Chơn, Phó trưởng Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện chủ tu viện Khánh An, tiếng chuông trống bát nhã có vai trò rất đặc biệt trong đời sống tâm linh của Phật giáo.
Tiếng chuông, tiếng trống như xua đi bao âu lo, thắp lên niềm tin cho một thời kỳ mới.

Tại tu viện Khánh An (TP.HCM), không khí mới hy vọng khi tiếng chuông đầu tiên ngân lên, nhiều người khép mắt niệm Phật, thành tâm hướng vọng.
Tiếng chuông, tiếng trống như xua đi bao âu lo, thắp lên niềm tin cho một thời kỳ mới, nơi con người gắn bó với nhau bằng sự cảm thông, nơi sự điều hành được soi sáng bởi tâm và trí.
Trong đó, chuông lớn nhất trong chùa gọi là đại hồng chung, đặt bên trái, tượng trưng cho sự tỉnh thức. Trống bát nhã đặt bên phải, biểu trưng cho trí tuệ.
Khi chuông và trống được thỉnh cùng nhau, đó không chỉ là âm thanh mà còn là thông điệp giác ngộ và từ bi lan tỏa khắp pháp giới.
Bà Nguyễn Thị Tuyết (60 tuổi), cán bộ hưu trí phường Thạnh Mỹ Tây chia sẻ, nghe ba hồi chuông mà tôi rưng rưng như thấy lại cảnh xưa... Chuông ngân lên mà lòng nhẹ nhõm, thấy đất nước mình thật sự đổi thay.
Cô giáo trẻ Nguyễn Thanh Trúc (phường Cầu Kiệu) chia sẻ, khoảnh khắc tiếng chuông vang lên đã chạm đến tim. Tôi thật sự tự hào khi được sống trong thời bình, được dạy học trò biết trân trọng lịch sử và những giá trị thiêng liêng của dân tộc.
Cô giáo Trúc cho biết thêm, tiếng chuông hướng mình tới những điều thiện lành, thức tỉnh cả tâm hồn. Tôi thấy mình thực sự đang sống trong một khoảnh khắc lịch sử.
Trước đó, Trưởng lão hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã ký văn bản gửi Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành phố về việc tổ chức nghi thức này trên toàn quốc vào đúng ngày 1/7, ngày chính thức vận hành chính quyền hai cấp.
Một số hình ảnh PV Báo Xây dựng ghi nhận tại các chùa trên địa bàn TP.HCM:

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được đánh ba hồi chuông khơi dậy tinh thần đoàn kết và bản lĩnh của người dân thành phố.

Người dân đến chùa Vĩnh Nghiêm từ sớm, hòa mình trong không gian thanh tịnh, trang nghiêm để cùng nhau cầu nguyện cho một thời kỳ mới của đất nước: an bình, phát triển, thịnh vượng.

Người dân thành phố kỳ vọng, dưới sự dẫn dắt của người đứng đầu mới, TP.HCM sẽ không chỉ tiếp tục phát triển mạnh mẽ về kinh tế, mà còn trở thành một nơi đáng sống, nơi mỗi quyết sách được đặt trên nền tảng của trí tuệ, lòng dân và niềm tin vào những giá trị lâu dài.

Đông đảo người dân chắp tay niệm Phật, hoặc chỉ lặng yên dưới mái chùa. Thời khắc ấy, không cần đến những lời phô trương hay tuyên ngôn, vẫn đủ để người dân gợi lên lòng biết ơn, sự tôn kính và niềm hy vọng thẳm sâu nơi mỗi người.

Đánh một tiếng chuông không chỉ là hành động tâm linh, đó còn là lời nhắn nhủ tới chính mình, phải giữ cho lòng luôn sáng, cho đầu óc luôn minh mẫn...

Vị sư thầy thỉnh chuông trống không chỉ đánh bằng tay mà bằng cả sự chánh niệm, tâm lực và lòng thành.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận