
Bắc Ninh mở rộng kết nối giao thông, tạo động lực phát triển kết nối Bắc Ninh với các tỉnh lân cận (Ảnh P.Đô).
Thành phố Bắc Ninh: Ưu tiên phát triển đô thị và quy hoạch
Theo ông Nguyễn Mạnh Hiếu, Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh, việc phát triển các khu nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội và các khu đô thị mới, được ưu tiên hàng đầu, đồng thời chú trọng xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ và hiện đại, kết nối các khu vực một cách hiệu quả.

Sau sáp nhập, các đơn vị hành chính mới sẽ đóng vai trò là cầu nối quan trọng giữa Thủ đô Hà Nội và trung tâm hành chính của tỉnh Bắc Ninh (mới). Ảnh Nguyên Khánh.
Để thúc đẩy sự phát triển của thành phố, hạ tầng giao thông đóng vai trò cốt lõi.
Các cửa ngõ vào thành phố đã được kết nối đồng bộ, hiện chính quyền thành phố đang tích cực triển khai các dự án xây dựng cầu và đường, kết nối thành phố với các tỉnh lân cận như Bắc Giang (như cầu Vân Hà, cầu vượt qua sông đi vào tỉnh lộ đường 295B, 277B, 295C...) tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và đi lại và sau này sẽ phục vụ tốt hơn cho quá trình sáp nhập các đơn vị hành chính.
Chú trọng công tác tái định cư, giải phóng mặt bằng
Ông Hiếu thông tin, thành phố đang gấp rút hoàn thiện các khu tái định cư, tạo điều kiện cho người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án sớm ổn định cuộc sống, đồng thời mở ra không gian phát triển đô thị mới.
Về kinh tế, trước sáp nhập, thành phố đã đạt được những tín hiệu khả quan trong thu ngân sách, thu được 1.800 tỷ đồng, tương đương 48% chỉ tiêu năm.

Ảnh ghi nhận tiến độ dự án xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở bờ sông đê Hữu Cầu vào tháng 12/2024 (Ảnh: Nguyên Khánh).
Liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh, ông Hiếu nhận định, đây vừa là "cơ hội vừa là thách thức".
Ông Hiếu đặc biệt kỳ vọng, sau sáp nhập, các đơn vị hành chính mới sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư vào các khu đô thị, thúc đẩy thương mại và dịch vụ.
Theo định hướng, sau sáp nhập, thành phố sẽ trở thành một trong những đơn vị hành chính mới thuộc phía Nam của tỉnh Bắc Ninh (mới), tập trung phát triển mạnh mẽ thương mại, dịch vụ và giao thông, đóng vai trò là cầu nối quan trọng giữa Hà Nội và trung tâm hành chính mới của tỉnh.
Theo đó, sẽ hình thành các khu đô thị dọc hai bên bờ sông Cầu để khai thác tối đa giá trị cảnh quan và tiềm năng của dòng sông.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cùng lãnh đạo sở, ngành, lãnh đạo thành phố Bắc Ninh kiểm tra tiến độ thi công dự án xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở bờ sông đê Hữu Cầu (Ảnh: Nguyên Khánh).
"Hiện, thành phố đang nỗ lực giải quyết vấn đề di dời các hộ dân sinh sống ở khu vực ven sông Cầu để phục vụ cho các dự án phát triển và đảm bảo an toàn trước khi mùa mưa lũ đến.
Sáng nay (13/5), lãnh đạo tỉnh cũng đã đi kiểm tra và chỉ đạo thành phố đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở bờ sông đê Hữu Cầu, đoạn qua phường Vạn An, bảo đảm tiến độ, kỹ, mỹ thuật theo thiết kế đã được phê duyệt", ông Hiếu nói, đồng thời cam kết "sẽ hoàn thành việc giao đất tái định cư cho người dân để xây dựng nhà ở vào ngày 15/6 tới - Đúng theo tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh".

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh (thứ hai từ phải qua) yêu cầu thành phố chỉ đạo các nhà thầu huy động tối đa nhân lực, vật tư và thiết bị để hoàn thành tiến độ đã đề ra (Ảnh: Nguyên Khánh).
Chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo tỉnh
Chia sẻ với Báo Xây dựng, ông Vương Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, song hành cùng nhiệm vụ phát triển kinh tế, thực hiện các nhiệm vụ để đạt chỉ tiêu đã đề ra và đạt kế hoạch Trung ương giao, hiện tỉnh đang tập trung nguồn lực cho việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã và chuẩn bị cho việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Đồng thời, quyết liệt triển khai các công việc còn tồn đọng tại các đơn vị hành chính cấp huyện, thành phố trực thuộc tỉnh, nhằm đảm bảo mọi công tác diễn ra thuận lợi và hoàn thành việc sáp nhập các đơn vị hành chính, bỏ cấp huyện, nhập cấp xã trước ngày 30/6.
"Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh đang chỉ đạo các huyện, thị trong đó có thành phố Bắc Ninh tập trung thực hiện tốt các dự án trên địa bàn, đảm bảo ổn định và phát triển kinh tế - xã hội", Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh thông tin thêm.
Liên quan đến dự án kè sông Cầu tại phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh, trước lo ngại mùa mưa lũ sắp đến, ông Tuấn cho biết, tỉnh đã yêu cầu thành phố chỉ đạo các nhà thầu huy động tối đa nhân lực, vật tư và thiết bị, đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các hạng mục, nhằm vượt tiến độ đã đề ra.
Đồng thời, yêu cầu thành phố Bắc Ninh tiếp tục quan tâm đến đời sống của các hộ dân đã di dời, đảm bảo các điều kiện sinh hoạt và khẩn trương hoàn thiện cơ sở hạ tầng để bàn giao đất tái định cư trước ngày 15/6. Đối với các hộ chưa di dời, tăng cường vận động để sớm bàn giao mặt bằng.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn (thứ hai từ phải qua) chỉ đạo trực tiếp tại dự án xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở bờ sông đê Hữu Cầu sáng 13/5 (Ảnh: Nguyên Khánh).
"Tỉnh cũng thống nhất với đề xuất của thành phố Bắc Ninh về việc triển khai giai đoạn 2 của dự án xây dựng tuyến đường dọc kè Vạn An (dài khoảng 850m) và giao các sở, ngành liên quan cùng thành phố Bắc Ninh khẩn trương lập phương án trình phê duyệt.
Tuy nhiên, lưu ý thêm về việc thiết kế lan can tầm thấp khu vực kè giáp sông để đảm bảo an toàn và thoát lũ, phát huy hiệu quả của dự án", ông Tuấn nhấn mạnh.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 2879/VPCP-CN, truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc giao cơ quan chủ quản thực hiện dự án xây dựng cầu Vân Hà.
Theo đó, UBND tỉnh Bắc Giang được giao làm cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng cầu Vân Hà, kết nối xã Vân Hà (thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) với phường Hòa Long (thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh).
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Bắc Giang chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh trong việc bố trí kinh phí và tổ chức triển khai dự án, đảm bảo hiệu quả, tuân thủ pháp luật và phòng chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí.
Dự kiến, cầu Vân Hà và đường dẫn hai đầu cầu sẽ được xây dựng với chiều dài khoảng 360m, bề rộng 12m, kết nối từ khu vực Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh đến xã Vân Hà, theo quy hoạch đô thị đã được điều chỉnh của cả Bắc Ninh và thành phố Bắc Ninh.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 220 tỷ đồng, dự kiến khởi công trong năm 2025 và hoàn thành vào năm 2026.
Việc hoàn thành cầu Vân Hà được kỳ vọng sẽ thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời tăng cường khả năng phòng chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn giữa hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang (sau sáp nhập là tỉnh Bắc Ninh mới).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận