Nâng cao chất lượng đô thị
Theo Nghị quyết số 74/NQ-CP, Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành hướng dẫn rà soát quy hoạch đô thị và đánh giá chất lượng đô thị của các đơn vị hành chính sau sắp xếp.

Việc rà soát quy hoạch đô thị và đánh giá chất lượng đô thị là việc làm quan trọng sau sắp xếp các đơn vị hành chính.
Cũng theo nội dung này, Bộ Xây dựng ban hành hướng dẫn rà soát, đánh số và gắn biển số nhà, công trình xây dựng tại khu vực đô thị, khu vực nông thôn bảo đảm khoa học, nhất quán và đồng bộ ở khu vực đô thị, nông thôn, miền núi; đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý Nhà nước, gắn với việc đồng bộ, liên thông dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, hệ thống thông tin, địa chỉ số... và các vấn đề khác có liên quan thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng. Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng thực hiện việc này trước ngày 10/4.
Liên quan công tác quản lý, phát triển đô thị, trước đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chia sẻ, trong những năm qua, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong lĩnh vực phát triển đô thị với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 44,3% vào năm 2024.
Tuy nhiên, hệ thống đô thị tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm áp lực gia tăng dân số, biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên hiệu quả và đảm bảo môi trường sống xanh, sạch, bền vững.
Để giải quyết những vấn đề này, việc hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến là điều kiện tiên quyết.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định, đô thị hóa là một xu thế tất yếu, khách quan, là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế.
Phát triển đô thị theo hướng bền vững, hiện đại
Theo Thạc sỹ Lê Tùng Lâm, Trưởng ban Đô thị (HĐND thành phố Đà Nẵng), các yêu cầu đổi mới quản lý phát triển đô thị trong kỷ nguyên mới cần phải phát triển đô thị bền vững và hiện đại theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TW.
Các đơn vị cần tạo đột phá bằng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; thúc đẩy ứng dụng sâu rộng các công nghệ số tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), Blockchain, điện toán đám mây và các nền tảng đô thị thông minh vào quản lý và vận hành đô thị.

Mô hình chính quyền đô thị cần hướng tới sự tinh gọn, hiện đại.
Xây dựng mô hình chính quyền đô thị số, quản lý đô thị theo thời gian thực, hiện đại hóa toàn diện các quy trình cung ứng dịch vụ công và tối ưu hóa các nguồn lực đô thị thông qua chuyển đổi số.
Trong bối cảnh quản lý đô thị, cần cụ thể hóa như thiết kế và vận hành mô hình chính quyền đô thị tinh gọn, hiện đại, loại bỏ các tầng nấc trung gian không cần thiết, áp dụng mạnh mẽ Chính phủ điện tử, chính quyền số và mô hình quản lý theo kết quả.
Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh cho chính quyền đô thị các cấp, gắn với trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực và cơ chế giám sát độc lập, minh bạch. Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý đô thị đa ngành, chuyên nghiệp, có năng lực hoạch định chính sách và điều hành các mô hình quản trị hiện đại, am hiểu và ứng dụng thành thạo công nghệ số.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận