Xu hướng tất yếu
Kinh tế tuần hoàn hoạt động theo vòng tròn, chất thải của hoạt động này là nguyên liệu của hoạt động mới, tạo ra vòng lặp lại mang tính khép kín. Nhờ đó, các giá trị của sản phẩm, nguyên vật liệu và tài nguyên được duy trì trong nền kinh tế ở mức lâu nhất, nhằm tối thiểu sử dụng tài nguyên là nguyên liệu đầu vào và lượng phế thải, mức độ ô nhiễm môi trường, khí thải cũng giảm đáng kể.

Mô hình tại khu công nghiệp Nam Cầu Kiền tiên phong trong việc ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.
Xu hướng bất động sản công nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam ngày càng phát triển rõ nét, chủ yếu thể hiện thông qua sự phát triển của các khu công nghiệp sinh thái và sự chú trọng các yếu tố bền vững trong xây dựng, vận hành.
Đây là mô hình tiêu biểu cho thấy sự lồng ghép những nguyên tắc kinh tế tuần hoàn vào bất động sản công nghiệp. Các khu công nghiệp sinh thái thúc đẩy cộng sinh công nghiệp, nơi chất thải hoặc phụ phẩm của doanh nghiệp này có thể trở thành tài nguyên đầu vào cho doanh nghiệp khác, tạo thành mạng lưới tuần hoàn tài nguyên.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cách tiếp cận xanh đối với phục hồi kinh tế (hay phục hồi xanh) hướng tới mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu đang là lựa chọn hàng đầu được Liên hợp quốc khuyến khích, thúc đẩy.
Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) là một trong những mô hình tiêu biểu đi đầu trong việc áp dụng mô hình sinh thái tuần hoàn và đưa vào vận hành, thu lợi từ bán rác thải làm nguyên liệu thứ cấp.
Tại khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, không có cảnh lô cốt sắt thép đồ sộ, không có những ống xi măng nhả khói ngày đêm với 25% hệ thống lượng nước thải trong khu công nghiệp sau xử lý được tái sử dụng cho mục đích tưới cây.
TS Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec, chủ đầu tư khu công nghiệp Nam Cầu Kiền chia sẻ về mô hình tuần hoàn thực tế đối với doanh nghiệp thép khi thải ra khói bụi. Mỗi tấn khói bụi sản xuất thép tiêu tốn gần 20 triệu đồng chi phí xử lý. Nhưng tại Nam Cầu Kiền, các đơn vị sản xuất thép bán được hàng chục triệu đồng cho doanh nghiệp khác làm chất vi lượng.
Với mô hình cộng sinh công nghiệp và mối quan hệ giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cùng chung một hệ thống xử lý chất thải theo hướng tuần hoàn, doanh nghiệp tại khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã thu được nguồn lợi lớn từ khai thác chính những phế liệu, phế thải, phụ phẩm trước đây phải tốn nhiều tiền để xử lý.
Cũng tại Hải Phòng, khu công nghiệp DEEP C được lựa chọn là mô hình thí điểm tham gia dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” - dự án khu công nghiệp sinh thái - do Việt Nam và UNIDO phối hợp thực hiện.
Trong quá trình triển khai dự án khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp DEEP C đã tích cực phối hợp chặt chẽ Ban Quản lý dự án để đưa ra 137 giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, 5 giải pháp cộng sinh công nghiệp và 5 giải pháp cộng sinh công nghiệp đô thị.
Tại Hải Dương, bà Dương Thị Thu Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty CP COMA 18, chủ đầu tư khu công nghiệp Cộng Hòa (Chí Linh) cho hay, mặc dù khu công nghiệp mới bắt đầu xây dựng hạ tầng, nhưng định hướng phát triển xanh, sử dụng công nghệ xanh, năng lượng sạch để giảm phát thải môi trường. Trong thiết kế, khu công nghiệp dành đến 23ha cho quỹ đất cây xanh và cảnh quan. Hệ thống xử lý chất thải công nghệ cao lên đến 4.800m3/ngày đêm…
Công ty ưu tiên phát triển "chiến lược bền vững", hướng tới một môi trường xanh, thân thiện, tạo ra hệ sinh thái cân bằng kinh tế, môi trường tuần hoàn, cam kết đem lại giá trị cho cộng đồng và xã hội, tạo lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh mới.
Để thích nghi với chu kỳ mới của bất động sản, công ty tiếp tục áp dụng những quy chuẩn quốc tế về quản lý môi trường vào quy trình như quy chuẩn ESG (môi trường - xã hội - quản trị).
Theo bà Hà, về tầm nhìn xa, khu công nghiệp Kim Thành không dừng lại ở việc quy hoạch hạ tầng hoàn chỉnh, cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp mà còn hướng đến xanh hóa khu công nghiệp.
Nhiều thách thức khi xanh hóa
Để chuyển đổi sang sinh thái xanh bền vững, các khu công nghiệp cần đáp ứng nhiều tiêu chí gắt gao.
Theo ông Hoàng Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty CP Shinec, từ vị trí chiến lược, hạ tầng đồng bộ, sử dụng năng lượng tái tạo, áp dụng kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải, thu hút doanh nghiệp xanh... dẫn đến chi phí đầu tư phát triển một khu công nghiệp xanh rất lớn. Doanh nghiệp phải đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng xanh, công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, hệ thống năng lượng tái tạo và những chương trình cộng đồng...
Ông Tuấn nhấn mạnh, các cơ chế, khung pháp lý về khu công nghiệp, mô hình phát triển dự án theo định hướng sinh thái tuần hoàn vẫn chưa rõ ràng, thiếu các thông tư hướng dẫn thực thi cụ thể và luật chi tiết.
Bà Trần Thị Tố Loan, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn đầu tư Sao Đỏ, chủ đầu tư khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Hải Phòng) cho biết, trước đây, những khu công nghiệp truyền thống thường tập trung việc tối đa hóa lợi nhuận và tăng trưởng kinh tế mà không đặt nặng vấn đề bảo vệ môi trường hoặc phúc lợi xã hội.
Hiện tại, mô hình khu công nghiệp bền vững được thiết kế và quản lý theo định hướng tích hợp mục tiêu phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội, nhằm đạt được sự phát triển bền vững. Tuy nhiên hiện nay, quá trình xanh hóa các khu công nghiệp gặp nhiều khó khăn, từ tài chính cho đến năng lực chủ đầu tư, quy định pháp lý thiếu rõ ràng, cụ thể...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận