Quy mô thương mại điện tử đạt 25 tỷ USD
Bộ Công thương vừa thông tin về hội nghị tham vấn chính sách các bên liên quan để xây dựng Luật Thương mại điện tử của bộ này.
Theo đó, trong những năm gần đây, thương mại điện tử Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ. Quy mô thị trường bán lẻ thương mại điện tử hiện đứng thứ 3 tại khu vực Đông Nam Á, đạt khoảng 25 tỷ USD.

Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam hiện đang xếp thứ 5 trên toàn thế giới. Ảnh: Hồng Hạnh.
Trong tổng quy mô 36 tỷ USD của nền kinh tế số Việt Nam, thương mại điện tử chiếm tới 2/3. Đặc biệt, về tốc độ tăng trưởng, Việt Nam hiện đang xếp thứ 5 trên toàn thế giới.
Để quản lý lĩnh vực này, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52 năm 2013 về thương mại điện tử và Nghị định 85 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, cùng với sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới, đa dạng về chủ thể, phức tạp về bản chất đã dẫn tới nhiều thách thức trong công tác quản lý Nhà nước về thương mại điện tử.
Từ đó, các chính sách và quy định hiện hành đã bộc lộ những vấn đề cần khắc phục, như: Tính pháp lý của các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa cao và thiếu chế tài xử lý các hành vi vi phạm; chưa có quy định điều chỉnh các mô hình thương mại điện tử mới, trong đó có các nền tảng dựa trên dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, và thương mại qua mạng xã hội; thiếu cơ chế cụ thể đối với các chủ thể tham gia thương mại điện tử, đặc biệt trong việc xác định quyền và nghĩa vụ.
Những lỗ hổng trên gây khó khăn trong việc xử lý vi phạm, tạo nguy cơ gia tăng gian lận thương mại và trốn thuế.
"Vì vậy, Bộ Công thương thấy rằng cần thiết phải kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các cấp có thẩm quyền sớm xây dựng và ban hành Luật Thương mại điện tử để điều chỉnh, quản lý lĩnh vực này", Bộ trưởng Diên nhấn mạnh.
5 nhóm chính sách lớn để quản lý
Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục thương mại và kinh tế số cho hay, sau khi xin ý kiến các bên liên quan, Bộ Công thương đã xác định 5 nhóm chính sách lớn trong dự thảo đề nghị xây dựng Luật Thương mại điện tử.
Đó là, bổ sung và thống nhất các khái niệm theo các quy định pháp luật hiện hành; quy định các hình thức hoạt động thương mại điện tử, các chủ thể tham gia vào hoạt động thương mại điện tử, quyền và nghĩa vụ liên quan với mục tiêu đảm bảo không bỏ sót các mô hình hoạt động thương mại điện tử và các chủ thể tham gia.
Đảm bảo minh bạch về thẩm quyền, rõ ràng về giới hạn trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp; trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử; quy định về dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại với mục tiêu đối xử công bằng đối với các loại hình cung cấp dịch vụ tin cậy; nhanh chóng phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật liên quan đến hợp đồng điện tử.

Người Việt chi hàng nghìn tỷ đồng mua sắm online mỗi ngày (Ảnh minh họa).
Ngoài ra, quy định về xây dựng, phát triển thương mại điện tử nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ về thúc đẩy phát triển thương mại điện tử; thúc đẩy thương mại điện tử phát triển xanh, bền vững, góp phần phát triển kinh tế hiệu quả, tạo giá trị cho cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội công bằng và giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường kinh doanh.
Góp ý cho dự thảo này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lưu ý, pháp luật thương mại điện tử hiện nay tập trung chủ yếu vào các quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tương ứng với đó là trách nhiệm của người bán và sàn thương mại điện tử. Trong khi đó, pháp luật dường như lại "bỏ ngỏ" quyền và lợi ích của một chủ thể quan trọng khác - người bán hàng hóa dịch vụ.
Ngoài ra, người bán trên các sàn thương mại điện tử phần lớn là hộ, cá nhân kinh doanh nhỏ. Khác với mối quan hệ giữa các thương nhân theo Luật Thương mại - nơi các bên có thể tự do thỏa thuận và đạt được sự bình đẳng trong giao dịch, người bán nhỏ lẻ trên thương mại điện tử thường ở vị thế yếu hơn nhiều so với các nền tảng thương mại điện tử.
Họ có thể dễ bị áp đặt các chính sách bất lợi và mất khả năng thương lượng, như thay đổi điều khoản đột ngột, bị đình chỉ hoặc cấm mà không có lý do rõ ràng, hạn chế tiếp cận dữ liệu… Các hành vi này có thể ảnh hưởng bất lợi với cá nhân kinh doanh nhỏ, đưa vào vào tình thế bị động và dần "bào mòn" sức khỏe và nhiệt huyết kinh doanh của họ.
Luật Cạnh tranh 2020 đã tạo ra hành lang pháp lý để xử lý các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hoặc lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường. Đây là cơ chế rất tốt và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, các hành vi bất lợi kể trên có thể diễn ra mà không cần có thỏa thuận hay ở vị trí thống lĩnh. Đây là "khoảng hở" giữa pháp luật cạnh tranh và thực tiễn hoạt động thương mại điện tử.
Từ những phân tích trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung chính sách về bảo vệ quyền lợi cho người bán trên nền tảng thương mại điện tử.
"Chính sách này không nên tập trung vào quy định hành chính. Thay vào đó, các quy định nên tập trung vào tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của sàn thương mại điện tử đối với người bán, đảm bảo khả năng tiếp cận dữ liệu kinh doanh và quyền tự do thương lượng của người bán", VCCI góp ý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận