Chiều 11/4, UBND TP Cần Thơ tổ chức họp báo quý I/2025 để thông tin về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Tại cuộc họp, PV Báo Xây dựng đã đặt câu hỏi liên quan đến công trình xây dựng Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ (quận Ninh Kiều) có tổng mức đầu tư 1.727 tỷ đồng, từ nguồn vốn ODA và đối ứng trong nước, quy mô 500 giường nhưng dừng lại từ năm 2022 đến nay. "Định hướng của thành phố trong việc xử lý công trình này như thế nào?", Báo Xây dựng nêu.

Công trình xây dựng Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ được khởi công từ tháng 10/2017, đã đạt 80% khối lượng phần thô rồi dừng hẳn từ năm 2022 đến nay.
Ông Võ Nhựt Quang, Phó giám đốc Sở Tài chính TP Cần Thơ cho biết, để tái khởi động lại dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, ngành chức năng thành phố phải hoàn tất hồ sơ, trình tự, thủ tục để Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án có sử dụng vốn ODA sang sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.
"Khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận sẽ phấn đấu hoàn thành thủ tục trong quý II/2025. Đồng thời, sẽ khởi động lại dự án trong năm nay", ông Quang khẳng định.
Cũng liên quan đến dự án này, ông Trương Cảnh Tuyên, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, thành phố đã có đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ nguồn vốn 1.300 tỷ đồng để khởi động lại dự án.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ khẳng định, sẽ khởi động lại dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ trong năm 2025 và hoàn thành trong năm 2026.
"Nếu Trung ương không bố trí được vốn thì bằng nguồn ngân sách thành phố phải bố trí 1.300 tỷ đồng này từ nguồn vốn đầu tu trung hạn giai đoạn 2026-2030. Nhất quyết phải hoàn thành dự án Bệnh viện ung bướu Cần Thơ trong năm 2026. Đây là bệnh viện rất cần thiết và quan trọng đối với 19 triệu dân khu vực ĐBSCL", Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nói.
Từ năm 2022, dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ dừng lại hoàn toàn khi xây dựng được hơn 80% khối lượng (xong phần thô), còn hệ thống trang thiết bị chưa triển khai.
Theo chủ đầu tư, dự án bị tạm dừng chủ yếu do hợp đồng xây dựng và hiệp định vay vốn ODA từ Hungary hết hiệu lực từ năm 2022. Ngoài ra, liên danh nhà thầu (Hungary) liên tục đề xuất điều chỉnh trang thiết bị, vật liệu ngoài hợp đồng, không đảm bảo tỷ lệ 50% hàng hóa có xuất xứ Hungary, khiến dự án phải điều chỉnh làm chậm tiến độ và tạm dừng thi công.
Đến ngày 8/11/2024, TP Cần Thơ đề xuất Thủ tướng bốn nội dung: Điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến cuối năm 2027; điều chỉnh nguồn vốn thực hiện dự án từ nguồn vốn ODA sang nguồn vốn trong nước; điều chỉnh danh mục liên quan đến trang thiết bị y tế và vật liệu xây dựng; điều chỉnh khối lượng phát sinh.
Theo ghi nhận thực tế, hiện công trình xây dựng Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ đã cơ bản xong các khối tòa nhà chính, trong đó khối tòa nhà cao nhất 6 tầng. Tuy nhiên, do công trình bị bỏ hoang, phơi mưa nắng nhiều năm ròng nên rất nhiều hạng mục xây dựng bị xuống cấp, hư hỏng hoặc không còn đảm bảo chất lượng.
Nhiều khu vực ở tầng trệt và tầng 1 bị cỏ dại, dây leo xâm lấn, đeo bám vào các mảng tường thô. Bên ngoài, hàng loạt kiện gạch xây, bê tông cũng phơi nắng mưa suốt nhiều năm từ khi công trình bị dừng thi công.
Người dân và cử tri TP Cần Thơ đã rất nhiều lần bày tỏ bức xúc vì sự lãng phí của công trình xây dựng bệnh viện hiện đại nhất ĐBSCL này, đồng thời kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc kiểm tra, thanh tra về hiệu quả sử dụng vốn vay, vốn đầu tư công trung hạn khi để xảy ra các vấn đề sai phạm, bất cập khiến dự án trễ hẹn rồi bỏ hoang suốt nhiều năm.
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị tại cơ sở cũ của Bệnh hiện Ung bướu Cần Thơ đã xuống cấp trầm trọng, nhiều trang thiết bị không còn đáp ứng như cầu khám, điều trị cho bệnh nhân. Đặc biệt là máy xạ trị tại bệnh viện này đã sử dụng quá thời gian quy định nhưng vẫn phải tiếp tục sử dụng, thường xuyên bị hư hỏng, không đảm bảo liên tục trong quá trình điều trị.
Một số hình ảnh ghi nhận tại công trình Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ "đắp chiếu" nhiều năm qua:

Công trình đã xây dựng được 80% phần thô nhưng bị dừng hẳn từ năm 2022.

Dây leo xâm lấn công trình.

Bê tông, vữa nhiều nơi bị xuống cấp nghiêm trọng.

Nhiều hậng mục hoang phế.

Cần 1.300 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước để khởi động lại công trình Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ thay cho nguồn vốn ODA đã hết hiệp định từ năm 2022.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận