Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Chỉ đạo điều hành

Bộ Xây dựng triển khai phương án ứng phó thiên tai năm 2025

Bộ Xây dựng triển khai phương án ứng phó thiên tai năm 2025

24/05/2025, 13:50

Bộ Xây dựng vừa ban hành Quyết định số 644/QĐ-BXD về phương án ứng phó thiên tai năm 2025 theo cấp độ rủi ro, nhằm triển khai hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai.

Xử lý, khắc phục sự cố đảm bảo giao thông trong thời gian nhanh nhất

Tại Quyết định số 644/QĐ-BXD, Bộ Xây dựng yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan xây dựng phương án đảm bảo an toàn giao thông, cơ sở hạ tầng xây dựng, nhà cửa và các công trình thuộc phạm vi quản lý của ngành Xây dựng.

Bộ Xây dựng triển khai phương án ứng phó thiên tai năm 2025- Ảnh 1.

Trước dự báo về một mùa mưa bão diễn biến phức tạp, Bộ Xây dựng đã ban hành phương án ứng phó thiên tai năm 2025 với hàng loạt giải pháp chủ động, linh hoạt, nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trong các lĩnh vực xây dựng, hạ tầng và giao thông. Ảnh: Nam Hạ.

Trên nguyên tắc thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ, Bộ Xây dựng yêu cầu các đơn vị quản lý bảo trì đường bộ, đường sắt chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng, duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng cứu, đảm bảo giao thông khi có tình huống thiên tai; trực tiếp nắm bắt hiện trường, chủ động chỉ đạo xử lý khắc phục sự cố đảm bảo giao thông trong thời gian nhanh nhất.

Các đơn vị phối hợp lực lượng liên quan ở địa phương tổ chức phân làn, phân tuyến, điều tiết hướng dẫn giao thông; cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu vào ban ngày, dăng dây đèn báo hiệu vào ban đêm ở những vị trí bị ngập nước, bị đứt đường, đoạn đường bị sạt lở nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông.

Các Cảng vụ Hàng hải và Đường thủy nắm chắc số liệu tàu thuyền và những phương tiện thủy ra vào cảng, số lượng tàu thuyền đang hành trình hoặc neo đậu tại vùng nước cảng biển hoặc vùng thủy nội địa tại khu vực dự kiến bị ảnh hưởng của thiên tai; phối hợp Ban chỉ huy địa phương để điều động, hướng dẫn tàu, thuyền vào nơi neo đậu an toàn khi có bão hoặc áp thấp nhiệt đới.

Những đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo trì tuyến, luồng đường thủy nội địa bố trí phương tiện, nhân lực để tổ chức điều tiết hướng dẫn đảm bảo giao thông, chống va trôi cho các cầu ở những vị trí trọng yếu trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia mùa lũ bão.

Phối hợp và hướng dẫn địa phương phân luồng, phân tuyến khi thi công trục vớt chướng ngại vật trên các tuyến luồng hàng hải, đường thủy.

Đảm bảo an toàn cho người, thiết bị, công trình

Về phương án đảm bảo an toàn đối với công trình đang thi công, Bộ Xây dựng yêu cầu các đơn vị chỉ đạo, hướng dẫn lập và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn cho người, thiết bị, công trình và công trình lân cận, đặc biệt đảm bảo an toàn đối với cần trục tháp, máy vận thăng, những thiết bị làm việc trên cao mùa mưa bão.

Về phương án đảm bảo an toàn đối với các công trình tháp (trụ) viễn thông, truyền hình, Bộ Xây dựng đề nghị chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng báo cáo chi tiết số lượng công trình đang quản lý, khai thác, sử dụng theo phân cấp công trình, thời gian đưa vào sử dụng và vị trí xây dựng, đặc biệt đối với công trình đặt tại những vị trí xung yếu như ven biển, hải đảo, khu vực thường xuyên chịu tác động của bão, lũ, xâm thực, khu vực đông dân cư…

Chủ đầu tư, chủ quản lý thực hiện công tác kiểm định chất lượng công trình theo chu kỳ, bảo trì, sửa chữa khắc phục các tồn tại (nếu có); lập kế hoạch và khẩn trương tổ chức thực hiện công tác kiểm định chất lượng công trình, sớm phát hiện nguy cơ, hàng năm thực hiện tốt công tác bảo trì. Kết quả báo cáo gửi Sở Xây dựng địa phương để theo dõi, kiểm tra việc thực hiện những công việc nêu trên.

Về phương án đảm bảo an toàn đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan kiểm tra những biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong đô thị; kiểm soát quy trình cắt tỉa cây xanh đô thị đảm bảo an toàn mùa mưa bão; đảm bảo an toàn điện và cung cấp nước sạch cho các vùng bị úng ngập.

Đối với các công trình đang khai thác, sử dụng, Bộ yêu cầu người dân, chủ sở hữu thực hiện gia cố, giằng chống đảm bảo an toàn nhà ở trước mùa mưa bão. Các công trình sử dụng mái tôn, mái fibro xi măng, tràn nhựa, cửa kính, công trình gắn panô, biển quảng cáo, bồn chứa nước trên cao phải được kiểm tra, rà soát và có biện pháp sửa chữa, gia cường. Công trình xây dựng tại khu vực có nguy cơ sạt lở đất như bờ sông, bờ suối, lũ ống, lũ quét phải có đánh giá, cảnh báo cho nhân dân.

Về phương án đảm bảo tiêu thoát nước đô thị, chống ngập úng, Bộ Xây dựng đề nghị các cơ quan, đơn vị hướng dẫn địa phương rà soát, kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước của khu vực đô thị nhằm đảm bảo việc chống ngập úng khi mưa, lũ. Triển khai những giải pháp chống ngập úng đô thị do mưa lũ kết hợp triều cường tại miền Nam (TP.HCM, Cần Thơ, Đồng bằng sông Cửu Long), tập trung nâng cấp, bảo trì hệ thống tiêu thoát nước.

Bộ Xây dựng triển khai phương án ứng phó thiên tai năm 2025- Ảnh 2.

Yêu cầu hướng dẫn tàu, thuyền vào nơi neo đậu an toàn khi có bão. Ảnh: Vĩnh Phú.

Ứng phó khẩn cấp siêu bão và lũ lớn

Đối với trường hợp bão mạnh, lũ lớn (siêu bão và mưa lũ trên diện rộng, trầm trọng) xảy ra, Bộ Xây dựng yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, triển khai một số nội dung ứng phó khẩn cấp.

Kích hoạt tình trạng báo động (trực 24/24h) tới toàn bộ Ban chỉ huy các đơn vị, lực lượng thường xuyên, lực lượng xung kích các đơn vị, công ty quản lý bảo trì đường bộ, đường sắt, hàng hải nơi chịu tác động trực tiếp của cơn bão.

Thành lập Ban chỉ huy tiền phương qua nhóm cộng đồng giữa Ban chỉ huy các cấp, Ban chỉ huy những đơn vị quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, các cảng vụ… qua mạng xã hội.

Qua hệ thống thông tin liên lạc, chỉ đạo các đơn vị chịu tác động trực tiếp của siêu bão trong việc xử lý kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả tình huống cấp bách; gia cố vị trí trọng yếu nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con người, giảm nhẹ thiệt hại cho phương tiện và trang thiết bị của cơ quan, đơn vị. Trường hợp khẩn cấp thực hiện chỉ đạo công tác di chuyển người lao động và phương tiện đến nơi tránh trú kiên cố, an toàn.

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp phối hợp cơ quan chức năng ở địa phương sẵn sàng phong tỏa tạm thời những tuyến đường, tuyến luồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng; huy động lực lượng, phương tiện tham gia công tác phối hợp bộ đội, biên phòng và các lực lượng chức năng địa phương.

Bộ Xây dựng phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng cơ quan chuyên môn từ Cục Đường bộ, Cục Hàng không, Cục Đường sắt, Tổng công ty Đường sắt, đến các doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (HUD), Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) trong việc xây dựng, điều chỉnh phương án ứng phó thiên tai sát với tình hình thực tế.

Cơ quan thường trực Ban chỉ huy (Vụ Vận tải và An toàn giao thông) chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kịp thời để lãnh đạo Bộ đưa ra các chỉ đạo nhanh chóng, chính xác…

Trước đó, ngày 21/5, Bộ Xây dựng ban hành Công điện số 17/CĐ-BXD yêu cầu tăng cường công tác bảo đảm an toàn trong thi công xây dựng và phòng chống sạt lở trong mùa mưa lũ.

Nhằm ứng phó thiên tai một cách hiệu quả nhất, Bộ Xây dựng yêu cầu các đơn vị thực hiện phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư và phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ), 3 sẵn sàng (sẵn sàng phòng ngừa chủ động, sẵn sàng ứng phó kịp thời, sẵn sàng khắc phục khẩn trương, hiệu quả).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.