Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Bóng đá

Bóng đá Việt cần gì để đến World Cup?

Bóng đá Việt cần gì để đến World Cup?

05/05/2025, 06:30

Mục tiêu đặt ra với bóng đá nam Việt Nam là vào Top 8 châu Á giai đoạn 2030-2045, giành quyền tham dự World Cup. Tuy nhiên, để trả lời câu hỏi đội tuyển Việt Nam phải làm gì để đến được với ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh lại không hề đơn giản.

Bóng đá Việt Nam đang ở đâu?

Ở thời điểm năm 2017, khi đội tuyển Việt Nam còn loay hoay giữa kỳ vọng và hiện thực, HLV Park Hang-seo xuất hiện như một dấu gạch nối hoàn hảo. Từ cuối năm 2017-2023, ông đã đưa ĐTQG và U23 đạt những thành tích chưa từng có trong lịch sử khi vô địch AFF Cup 2018, vào tứ kết Asian Cup 2019, vòng loại cuối World Cup 2022 và giành hai HCV SEA Games liên tiếp (2019, 2021).

Bóng đá Việt cần gì để đến World Cup?- Ảnh 1.

Đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Kim Sang-sik chú trọng tinh thần đồng đội, kỷ luật chiến thuật và khả năng xoay chuyển cục diện trận đấu. Ảnh: VFF.

Thành công của ông Park không chỉ nằm ở kết quả mà còn ở việc xây dựng một thế hệ cầu thủ bản lĩnh, đoàn kết và có phong cách chơi rõ ràng - phòng ngự phản công hiệu quả.

Đặc biệt, ông còn thể hiện sự thấu hiểu và hòa nhập với văn hóa Việt Nam, khi không đặt mình cao hơn cầu thủ. Ông sống cùng họ, ăn cơm tập thể, học tiếng Việt, ăn nước mắm, hiểu cả chuyện Tết và những thói quen nhỏ nhất trong sinh hoạt.

Tuy nhiên, dưới thời HLV Troussier, bộ khung của đội tuyển vẫn con người cũ nhưng đã thay đổi đáng kể lối chơi, từ phòng ngự phản công sang kiểm soát bóng, xây dựng từ hàng thủ, tổ chức ban bật nhóm nhỏ.

Vị HLV người Pháp yêu cầu các trung vệ và thủ môn phải chơi chân, triển khai bóng từ phần sân nhà bất kể đối thủ là ai. Sơ đồ 3-4-3 được duy trì nhưng cách vận hành thay đổi hoàn toàn, đội hình dâng cao, đẩy mạnh khả năng cầm bóng và kiểm soát trận đấu.

Thực tế cho thấy, cầu thủ Việt chưa đủ trình độ và kinh nghiệm để vận hành lối chơi mới này. Tại Asian Cup 2023, Việt Nam toàn thua cả ba trận vòng bảng, thủng lưới tới 9 bàn. Ở vòng loại thứ hai World Cup 2026, đội tuyển thua Indonesia 0-1 và 0-3, đánh mất lợi thế lớn trong cuộc đua giành vé đi tiếp. Kết quả nghèo nàn đã khiến HLV Troussier bị thanh lý hợp đồng sớm vào tháng 3/2024.

Hiện tại, HLV Kim Sang-sik đang tiếp quản đội tuyển, với triết lý bóng đá chú trọng tinh thần đồng đội, kỷ luật chiến thuật và khả năng xoay chuyển cục diện trận đấu.

Ông Kim đã giúp đội tuyển lấy lại vị thế ở khu vực Đông Nam Á, với chức vô địch AFF Cup 2024. Tuy nhiên, mục tiêu cải thiện thứ hạng FIFA và tiến xa hơn ở Asian Cup hay World Cup vẫn là thách thức lớn phía trước.

Nhìn lại để thấy tồn tại, hạn chế

Ông Trần Anh Tú, Phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cho biết, theo chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đặt ra tới năm 2030 là đội tuyển bóng đá nam nằm trong Top 10 châu Á; tới năm 2045, đội tuyển nam nằm trong Top 8 châu lục và giành quyền dự World Cup.

Chiến lược là kim chỉ nam, tạo cơ sở cho những thay đổi toàn diện, sâu sắc của sự nghiệp thể dục thể thao Việt Nam thời gian tới. Đặc biệt, chiến lược ra đời đúng vào thời điểm cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân đang tập trung mọi động lực mạnh mẽ để phát triển đất nước trong Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Theo ông Tú, ngay từ khi Chiến lược được phê duyệt, với nhận thức rõ ràng về trách nhiệm, thách thức, cơ hội phát triển của bóng đá Việt Nam, VFF đã tập trung triển khai nghiên cứu 5 quan điểm chỉ đạo, 6 mục tiêu chính và đi sâu phân tích 9 giải pháp định hướng được nêu trong chiến lược.

Trên cơ sở của định hướng và thực tế, VFF đã rà soát lại toàn bộ các nội dung công việc đã triển khai từ sau khi có Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam năm 2013 để thấy rõ những thành công, tồn tại, hạn chế.

Từ đó, bám sát các nội dung, nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược mới ban hành, tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại. Cùng với đó, tổng hợp, tham mưu các cơ quan quản lý Nhà nước xem xét điều chỉnh hoặc ban hành mới các quy định trong việc thực hiện chế độ chính sách, giải pháp ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho bóng đá.

Ba nhóm giải pháp chính

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao nhận định, mục tiêu trên hoàn toàn khả thi bởi bóng đá Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển. Tuy nhiên, cả hệ thống phải tập trung cao độ, đồng bộ, quyết liệt, không thể chỉ trông chờ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF).

Bóng đá Việt cần gì để đến World Cup?- Ảnh 2.

Lê Huy Việt Anh là cầu thủ đáng chú ý nhất của U17 Việt Nam. Ảnh: VFF.

Ông Minh cho rằng, để hiện thực hóa mục tiêu, cần ba nhóm giải pháp chính. Thứ nhất, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương vào cuộc phát triển bóng đá, đặc biệt là bóng đá trẻ.

Thứ hai, cần cơ chế đặc biệt để thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn, tiềm lực mạnh đầu tư cho bóng đá một cách lâu dài.

Thứ ba, VFF phải làm tốt vai trò định hướng, tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp, ngoài chuyên nghiệp chất lượng cao, từ đó làm tiền đề để xây dựng các đội tuyển đủ sức cạnh tranh, tiệm cận trình độ châu lục.

Trong khi đó, bình luận viên Vũ Quang Huy góp ý, để thể thao và đặc biệt là bóng đá phát triển, thể chất con người Việt Nam như chỉ số chiều cao, thể lực cần cải thiện.

Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh hơn nữa bóng đá trẻ và bóng đá phong trào, tạo chân đế vững chắc: "Sân bóng cho trẻ em chơi còn rất hạn chế, hoặc muốn chơi thì phải mất tiền. Phải làm sao để tất cả những đứa trẻ yêu bóng đá đều được chơi và phát triển khả năng từ sớm. Bóng đá trẻ đào tạo cần phải có chuẩn mực chứ không thể làm theo kinh nghiệm".

Cũng theo vị bình luận viên kỳ cựu, nguồn lực cho bóng đá cần phải đa dạng chứ không nên phụ thuộc vào một, hai ông bầu.

"Với điều kiện kinh tế hiện tại, để tìm kiếm doanh nghiệp đồng hành cùng bóng đá bền bỉ suốt nhiều năm là không nhiều. Việt Nam nên học mô hình của Nhật Bản, một đội bóng có nhiều nhà tài trợ, tránh tình trạng đội đang ổn định, ông bầu bỏ bóng đá là hỏng cả tập thể", ông Huy nói

Theo bảng xếp hạng FIFA tháng 4/2025, Việt Nam đang xếp hạng 109 thế giới, tăng 5 bậc nhờ thành tích tốt ở AFF Cup 2024 và vòng loại Asian Cup 2027.

Những thành công gần đây (Vô địch AFF Cup, U17 Việt Nam thi đấu ấn tượng ở giải châu Á) cho thấy tiềm năng, nhưng khoảng cách với Top 100 vẫn cần nhiều nỗ lực. Hạn chế lớn là cơ sở vật chất (như sân Mỹ Đình thường gây chấn thương), lực lượng cầu thủ mỏng và thiếu kinh nghiệm ở các sân chơi lớn.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.