Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Bất động sản

Cách mạng hạ tầng y tế, giáo dục định hình bức tranh đô thị tương lai của Phủ Lý, Hà Nam

Bất động sản

Cách mạng hạ tầng y tế, giáo dục định hình bức tranh đô thị tương lai của Phủ Lý, Hà Nam

26/03/2025, 14:20

Sau 2 bệnh viện lớn là Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2, hàng loạt trường đại học danh tiếng đã lên kế hoạch đầu tư cơ sở 2 tại Phủ Lý, Hà Nam. Đây là kết quả của chiến lược phát triển hạ tầng đồng bộ nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế. Trong đó y tế, giáo dục, nhà ở là những ưu tiên hàng đầu.

(Xây dựng) - Sau 2 bệnh viện lớn là Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2, hàng loạt trường đại học danh tiếng đã lên kế hoạch đầu tư cơ sở 2 tại Phủ Lý, Hà Nam. Đây là kết quả của chiến lược phát triển hạ tầng đồng bộ nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế. Trong đó y tế, giáo dục, nhà ở là những ưu tiên hàng đầu.

Thu hút nhân lực y tế, giáo dục chất lượng cao

Ngày 25/3, đoàn công tác của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã có chuyến khảo sát và làm việc tại Hà Nam để nghiên cứu xây dựng cơ sở đào tạo tại Khu Đại học Nam Cao, thành phố Phủ Lý. Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai và Trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội cũng đề xuất triển khai cơ sở 2 tại đây.

Nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 - dự kiến có quy mô 1.000 giường bệnh, phục vụ 20 triệu dân từ khu vực Hà Tĩnh trở ra, Trường Đại học Y dược Bạch Mai xây dựng mô hình trường đại học sức khoẻ đa lĩnh vực đào tạo chuyên sâu với quy mô khoảng 28 ha tại Khu Đại học Nam Cao, thu hút 5.000 -7.000 sinh viên.

img
Đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai làm việc với Hà Nam về dự án Trường Đại học Y dược Bạch Mai.

Theo các chuyên gia, Hà Nam đang là điểm đến thu hút đầu tư nổi bật ở phía Nam Hà Nôi. Không chỉ là một trong những địa phương đi đầu phát triển khu công nghiệp, thu hút đầu tư FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao, hạ tầng xã hội của tỉnh này được chú trọng nâng cấp mạnh mẽ. Rất nhiều cơ sở y tế và giáo dục chất lượng cao đã và đang được dịch chuyển về Phủ Lý nhờ kết nối giao thông dễ dàng, quy hoạch đồng bộ.

Lãnh đạo Hà Nam cho biết, hiện nay, nhằm phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội với mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số, năm 2025, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng đô thị, y tế, giáo dục, thương mại dịch vụ.

img
Lễ khởi công công trình nhà ở xã hội thuộc đại đô thị Sun Urban City và dự án hạ tầng Khu Đại học Nam Cao.

Phát biểu tại Lễ khởi công công trình nhà ở xã hội thuộc đại đô thị Sun Urban City và dự án hạ tầng Khu Đại học Nam Cao, ông Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam khẳng định, Hà Nam đang giải quyết điểm nghẽn của điểm nghẽn, đó là nguồn nhân lực chất lượng cao. “Chúng ta sẽ dự kiến một số vị trí thuận lợi nhất để bố trí nhà cho giảng viên, cán bộ nhân viên của 1 số trường ĐH lớn đã đầu tư, sẽ đầu tư trong thời gian tới, để làm sao giảng viên, cán bộ, người phục vụ các trường ĐH có chỗ ở tốt nhất, yên tâm công tác tại tỉnh Hà Nam”, ông Huy nói thêm.

Nâng tầm quy mô đô thị

Theo Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 1/2025, một trong những nhiệm vụ cụ thể được nêu là di dời các cơ sở giáo dục đại học trong nội thành ra khu vực ngoại vi thành phố lớn. Sự ra đời của Khu Đại học Nam Cao khẳng định tầm nhìn chiến lược của Hà Nam trong việc đón đầu làn sóng các trường Đại học và cơ sở giáo dục đại học của Hà Nội “đổ bộ”.

Khu Đại học Nam Cao nằm tại thị xã Duy tiên và thành phố Phủ Lý có tổng mức đầu tư hơn 19.000 tỷ và quy mô sau điều chỉnh lên đến 9 km2. Sau khi hoàn thành, dự kiến có quy mô đào tạo từ 50.000 - 80.000 học sinh, sinh viên.

img
Hà Nam đẩy mạnh phát triển nguồn cung nhà ở.

Với quy mô nguồn nhân lực các lĩnh vực công nghiệp, y tế, giáo dục, du lịch dịch vụ,…, ngày càng tăng, hạ tầng đô thị và giao thông của tỉnh cũng sớm được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Cụ thể với tổng vốn đầu tư giao thông 2021-2025 ước tính lên đến 13.600 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ đáng kể (34%) trong tổng vốn đầu tư xây dựng của tỉnh, Hà Nam đã phát huy tối đa lợi thế vị trí chiến lược ở vùng thủ đô, thông qua hệ thống giao thông nội vùng và kết nối với các công trình trọng điểm quốc gia từ không - thủy - bộ - sắt.

Về hạ tầng đô thị, cuối tháng 3 vừa qua, khi chính thức khởi công dự án nhà ở xã hội nằm trong quần thể đại đô thị Sun Urban City tại thành phố Phủ Lý, Hà Nam đồng hành cùng Sun Group tự tin khẳng định cung cấp 12.000 căn nhà ở xã hội chất lượng cao với đầy đủ tiện ích đô thị như công viên, quảng trường, trường học, bệnh viện, khu thương mại... Không chỉ giải quyết bài toán an cư cho người dân và lực lượng lao động chất lượng cao, dự án còn cho thấy tầm nhìn của tỉnh trong quy hoạch đô thị hiện đại, tích hợp, lấy con người làm trung tâm.

Sun Urban City - đô thị nghỉ dưỡng của Sun Group vốn có quy mô khủng và sự đầu tư kỹ lưỡng cho tiện ích sống, nay kết nối trực tiếp với Khu Đại học Nam Cao – đang hình thành nên một “cực tăng trưởng”, điểm đến thịnh vượng mới phía Nam Hà Nội. Khu Đại học Nam Cao được kỳ vọng trở thành "thung lũng tri thức" mới, đồng thời các bệnh viện trung ương cơ sở 2 sắp đi vào hoạt động đều chủ trương phát triển theo hướng bệnh viện thông minh, trở thành trung tâm y tế hàng đầu khu vực.

img
Hà Nam sẽ hoàn thiện và đưa vào hoạt động cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong 2025.

Theo quy hoạch, tuyến hạ tầng Khu Đại học Nam Cao có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, gồm các tuyến đường dài 13,6 km, kết nối chặt chẽ Phủ Lý, các KCN trọng điểm và các tuyến quốc lộ huyết mạch. Hệ sinh thái hạ tầng này không chỉ thúc đẩy phát triển nội tỉnh mà còn tạo đòn bẩy liên kết vùng, kết nối thuận lợi với thủ đô Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định và các tỉnh lân cận – đúng theo định hướng tại Nghị quyết số 14-NQ/TW về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng.

Tầm nhìn chiến lược và khát vọng vươn tầm

Lãnh đạo tỉnh Hà Nam đã thể hiện rõ khát vọng đưa tỉnh phát triển vượt bậc, trở thành trung tâm giao thương kinh tế, xã hội. Hà Nam vốn đã sở hữu nhiều lợi thế tự nhiên về vị trí địa lý, nằm tiếp giáp với Hà Nội, là điểm đầu của các trục giao thông huyết mạch như cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình, Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam. Với sự bổ sung từ các dự án hạ tầng mới, đặc biệt là vành đai 5 và các tuyến kết nối nội vùng, Hà Nam đang từng bước chuyển mình từ tỉnh "vệ tinh" sang vai trò đầu mối trung chuyển, giao thương, sản xuất và dịch vụ toàn khu vực miền Bắc.

img
Hà Nam trở thành điểm đến thu hút đầu tư nhờ phát triển hạ tầng đồng bộ.

Sự cộng hưởng giữa hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế và đô thị hiện đại đang tạo nên lợi thế cạnh tranh hiếm có cho Hà Nam – yếu tố giúp tỉnh vươn lên thu hút đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt là các ngành công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, giáo dục và du lịch nghỉ dưỡng.

Với cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư hấp dẫn; điều kiện đất đai, hạ tầng, môi trường thuận lợi, cùng sự năng động, tích cực từ chính quyền trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, Hà Nam đã và đang tạo ra lực hấp dẫn với nhà đầu tư.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.