(Xây dựng) – Theo ông Phạm Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, trưởng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh, cần cân nhắc lại cách đặt tên “nhà ở giá rẻ”, bởi cụm từ này không thực sự hấp dẫn và thậm chí có thể làm giảm động lực sở hữu nhà.
![]() |
Ông Phạm Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, trưởng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh. |
Xem lại cách gọi tên và cách tiếp cận chính sách nhà ở cho người dân
Ông Phạm Lâm cho rằng, quyền sở hữu bất động sản là một điều quan trọng đối với mỗi người, và tên gọi cũng cần phản ánh được giá trị của loại hình nhà ở này. Vì vậy, nên có quy định hoặc định hướng cụ thể hơn về cách gọi phù hợp, ví dụ như “nhà ở phù hợp tài chính” hay “nhà ở tiếp cận được”. Bên cạnh đó, khi bàn đến đối tượng thụ hưởng, không nên chỉ giới hạn ở “người trẻ”, vì đây là một khái niệm có nhiều cách hiểu khác nhau và thiếu tính bao quát.
Quan trọng hơn, chính sách nên hướng đến nhóm người chưa có nhà ở, vì đây là tiêu chí khách quan, rõ ràng và phù hợp với thực tế hơn. Như vậy, các chính sách hỗ trợ sẽ thực sự đi đúng đối tượng, thay vì chỉ dựa vào yếu tố độ tuổi.
Vị chuyên gia cho rằng, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là vấn đề tiếp cận nguồn vốn và lãi suất vay. Hành trình sở hữu nhà của mỗi người thường trải qua các giai đoạn: Thuê nhà, mua căn nhà đầu tiên rồi mới nâng cấp lên căn nhà thứ hai.
“Với người trẻ, không nhất thiết phải đặt mục tiêu sở hữu nhà ngay từ đầu. Việc thuê nhà trong thời gian đầu lập nghiệp là hoàn toàn hợp lý, giúp họ có thời gian ổn định tài chính, tích lũy kinh nghiệm trước khi bước vào giai đoạn sở hữu bất động sản. Thực tế cho thấy, với mặt bằng giá hiện nay, việc mua nhà tại Thành phố Hồ Chí Minh đối với phần lớn người trẻ là một bài toán khó”, ông Phạm Lâm nói.
Giải pháp nào để phát triển nhà ở?
![]() |
Cần có giải pháp phát triển phân khúc nhà ở, đặc biệt là nhà ở giá rẻ. |
Về giải pháp phát triển nhà ở, theo ông Phạm Lâm, có thể tính đến việc quy hoạch các khu vực cách trung tâm thành phố khoảng 30–40km, đi kèm với đầu tư phát triển hệ thống giao thông công cộng thuận tiện, để người dân có thể dễ dàng di chuyển. Khi đó, người trẻ vẫn có thể làm việc ở trung tâm nhưng sinh sống tại những khu vực có chi phí sinh hoạt hợp lý hơn, mà vẫn đảm bảo chất lượng sống.
Ngoài ra, cần có tiêu chí rõ ràng và minh bạch để xác định ai đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, ai được hưởng chính sách ưu đãi. Chẳng hạn, những người đóng thuế đầy đủ, nghiêm túc trong nhiều năm có thể được xem xét ưu tiên.
Đồng thời, cần có cơ chế giám sát và quy định chặt chẽ để tránh tình trạng trục lợi chính sách, bảo đảm công bằng trong tiếp cận nhà ở cho các đối tượng thực sự cần.
“Tất nhiên, đây là một quá trình dài hạn, không thể giải quyết triệt để trong ngày một ngày hai. Nhưng với một lộ trình rõ ràng, những chính sách sát thực tế, minh bạch và hướng đến đúng đối tượng, chúng ta hoàn toàn có thể từng bước tháo gỡ những khó khăn hiện tại, hướng tới một chính sách nhà ở thực sự hiệu quả và bền vững cho người dân”, ông Phạm Lâm chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận