Rà soát tuyến đường ngập úng, điều chỉnh quy hoạch thoát nước
UBND TP Cần Thơ vừa ban hành Văn bản số 115/UBND-XDĐT khẩn trương rà soát và đề xuất giải pháp chống ngập trên địa bàn thành phố.
Chủ tịch UBND TP giao Giám đốc Sở Xây dựng làm đầu mối, phối hợp các sở, ngành và đơn vị liên quan rà soát các tuyến đường, xác định nguyên nhân ngập, đề xuất giải pháp xử lý trong thời gian tới.
Sở Xây dựng rà soát các đồ án quy hoạch liên quan chống ngập, thoát nước, đánh giá, tổng kết và điều chỉnh phù hợp Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời, sở tiếp tục tăng cường thẩm định, góp ý các đồ án quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và những dự án khu dân cư, khu đô thị, khu tái định cư, dự án thương mại dịch vụ…, nhằm bảo đảm giải pháp thoát nước hiệu quả, đáp ứng đúng quy định và đặc thù đô thị.
Sở Xây dựng là đầu mối tiếp nhận thông tin, ý tưởng, sáng kiến chống ngập từ tổ chức, cá nhân; tổng hợp, phân tích, đánh giá, tham mưu cho UBND TP lựa chọn phương án tối ưu. Đơn vị sẽ phối hợp Sở Nội vụ khen thưởng tập thể, cá nhân có sáng kiến chống ngập hiệu quả.

Tuyến đường thường xuyên ngập ở trung tâm TP Cần Thơ.
Địa phương chủ động xử lý điểm ngập, vận hành đồng bộ công trình chống ngập
Chủ tịch UBND TP yêu cầu UBND các phường: Ninh Kiều, Tân An, Cái Khế, An Bình và Bình Thủy chủ động phối hợp đơn vị liên quan khảo sát, đánh giá hiện trạng, nguyên nhân ngập úng, đề xuất giải pháp giảm ngập đối với các điểm ngập sâu ảnh hưởng giao thông và sinh hoạt của người dân.
Lãnh đạo địa phương tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, nạo vét hệ thống cống, mương, kênh, rạch thoát nước trên địa bàn; dự trù, bổ sung kinh phí kịp thời để thay thế, sửa chữa, nạo vét và bảo dưỡng hệ thống thoát nước bị hư hại, xuống cấp. Đồng thời, cải tạo các tuyến cống có cao độ chênh lệch so với cửa xả gây cản trở dòng chảy; xử lý những cửa xả bị bồi lắng, xuống cấp và thay thế các van ngăn triều không còn hoạt động.
Các phường cũng được yêu cầu tăng cường đầu tư hệ thống thoát nước bằng nguồn vốn ngân sách, kết hợp đồng bộ với các công trình giao thông để tránh tình trạng ngập cục bộ và thiếu kết nối.
Ngoài ra, phải rà soát, kiểm tra, thẩm định nội dung thoát nước, chống ngập trong quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, các dự án khu dân cư, tái định cư; kiểm soát chặt việc đấu nối thoát nước của hộ dân, tuyến hẻm.
Việc tăng mảng xanh đô thị, công viên, áp dụng giải pháp hạ tầng xanh cũng được yêu cầu để tăng khả năng thấm nước tự nhiên tại vỉa hè, khu vui chơi, công viên.

Âu thuyền Cái Khế, công trình chống ngập trên địa bàn thành phố.
Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp các sở, ngành, địa phương vận hành hợp lý hệ thống van, cống, âu thuyền; dự báo chính xác thời điểm lũ, triều cường dâng để chủ động điều tiết, hạn chế ngập. Sở tiếp tục triển khai và rà soát Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng TP Cần Thơ đã được Bộ Nông nghiệp và Môi trường phê duyệt.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các tỉnh lân cận vận hành hệ thống cống, van điều tiết trên thượng nguồn, nhằm hạn chế mực nước dâng cao ở khu vực đô thị, đồng thời bảo đảm mực nước hợp lý ở vùng nông thôn.
Đặc biệt, sở sẽ tiếp nhận, quản lý và khai thác Hệ thống thông tin quản lý rủi ro ngập lụt (FRMIS), phát huy hiệu quả Dự án Phát triển TP Cần Thơ, tăng khả năng thích ứng của đô thị, giảm tình trạng ngập do triều cường kết hợp mưa lớn tại trung tâm thành phố.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức TP Cần Thơ đẩy nhanh công tác nghiệm thu, hoàn thành các hạng mục thuộc Dự án Phát triển thành phố, đặc biệt là hệ thống FRMIS, để bàn giao Sở Nông nghiệp và Môi trường tiếp nhận, quản lý, vận hành.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận