Biến chứng phù não sau cơn đau đầu dữ dội
Mới đây, các bác sĩ khoa Đột quỵ đã tiếp nhận nữ bệnh nhân nữ, trong độ tuổi sinh đẻ, nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Bệnh nhân này khởi phát với tình trạng đau đầu vài ngày nay, dùng thuốc giảm đau đỡ ít, vẫn sinh hoạt bình thường. Trước ngày nhập viện, bệnh nhân xuất hiện đau đầu dữ dội. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rối loạn ý thức, co giật toàn thể liên tục, hôn mê sâu, liệt tứ chi, giãn đồng tử.


Một nữ bệnh nhân trẻ tuổi đột quỵ do huyết khối xoang tĩnh mạch não (Ảnh: BVCC).
Tại bệnh viện, nữ bệnh nhân được chẩn đoán xác định chảy máu não lớn chuyển dạng thùy đỉnh 2 bên do huyết khối xoang tĩnh mạch dọc trên và hội lưu xoang. Xét nghiệm D-Dimer tăng cao >5000 ng/mL.
Bệnh nhân ngay lập tức được hội chẩn đa chuyên khoa và chỉ định điều trị đa mô thức, đặt nội khí quản thở máy chủ động, chống phù não, thuốc chống đông Heparin không phân đoạn được sử dụng ngay từ đầu. Sau đó, phối hợp mở sọ giải chèn ép do phù não đe dọa tụt kẹt, và duy trì Heparin trọng lượng phân tử thấp hậu phẫu.
Sau điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh táo, cai được máy thở, giao tiếp được và sinh hoạt chủ động một phần.
Cũng tại đây, một nữ bệnh nhân trẻ tuổi khác, cũng trong độ tuổi sinh sản, vào viện vì đau đầu kéo dài, yếu nửa người trái tăng dần, khó đi lại vài ngày nay. Sau chiếu chụp, xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não vùng thái dương phải do huyết khối xoang thẳng, xoang sigma và xoang ngang trái.
Bệnh nhân vào viện sớm, khi chưa có biến chứng phù não nặng hay tụt kẹt, nên được điều trị nội khoa bằng thuốc chống đông theo phác đồ và đã hồi phục tốt, ra viện với khả năng sinh hoạt độc lập.
BS Nguyễn Hải Linh, Khoa Đột quỵ não, Viện Thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay, cả hai bệnh nhân trên đều đang sử dụng thuốc tránh thai hằng ngày trong thời gian kéo dài.
Lưu ý gì khi dùng thuốc tránh thai?
Theo các bác sĩ, thuốc tránh thai đường uống hàng ngày thường chứa hormone estrogen và progesterone, hoạt động theo cơ chế: Ức chế sự rụng trứng; Làm dày chất nhầy cổ tử cung, ngăn tinh trùng tiếp cận trứng; Thay đổi nội mạc tử cung, ngăn trứng làm tổ. Đây là phương pháp hiệu quả và tiện lợi, tuy nhiên việc lạm dụng trong thời gian dài có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng, đặc biệt là tăng nguy cơ hình thành huyết khối (cục máu đông).
Số liệu thống kê toàn cầu cho thấy tỷ lệ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch ở phụ nữ dùng thuốc tránh thai tăng gấp 3-6 lần so với người không dùng. Huyết khối xoang tĩnh mạch não có thể gây biến chứng đột quỵ chảy máu não hoặc đột quỵ nhồi máu não hoặc có thể kết hợp cả chảy máu, nhồi máu não.
Tại Việt Nam, theo một nghiên cứu của Bệnh viện Từ Dũ và Viện Sản C (2021), gần 50% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từng sử dụng thuốc tránh thai, trong đó gần 20% dùng liên tục >12 tháng mà không qua thăm khám định kỳ. Nguy cơ tăng cao huyết khối hơn ở phụ nữ hút thuốc là, thừa cân/béo phì; Tiền sử gia đình có người bị đột quỵ/huyết khối hoặc có bệnh lý tăng đông...
Theo BS Linh, nếu có ý định sử dụng thuốc tránh thai hàng tháng dài hạn, chị em nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, làm xét nghiệm cần thiết và được tư vấn cách dùng thuốc an toàn, hiệu quả. Không tự ý sử dụng hoặc kéo dài thời gian uống thuốc khi chưa có chỉ định chuyên môn.
Bên cạnh viên thuốc tránh thai, chị em có thể cân nhắc các biện pháp như: Đặt vòng tránh thai (IUD), cấy que tránh thai, miếng dán tránh thai, Triệt sản (đối với người không còn nhu cầu sinh con), bao cao su (biện pháp đơn giản, không nội tiết, bảo vệ kép); nên đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ tư vấn phương pháp phù hợp nhất với thể trạng và điều kiện sức khỏe.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận