Cảng lớn, nhưng đường vào lại nhỏ
Sau gần 30 năm, Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) đã trở thành cụm cảng biển hàng đầu khu vực với 7 bến cảng vận hành ổn định: Hào Hưng, PTSC, Gemadept, bến xuất sản phẩm Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Doosan Vina, bến cảng chuyên dùng khu liên hợp gang thép và cảng tổng hợp container Hòa Phát - Dung Quất.
Lượng hàng qua các cảng hiện đã đạt hàng chục triệu tấn mỗi năm, tăng đều qua từng năm.

Cảng nước sâu là thế mạnh của Dung Quất. Ảnh: Lê Danh
Hệ thống cảng biển tại Dung Quất được kết hợp giữa cảng tổng hợp và các bến cảng chuyên dùng, là lợi thế thu hút đầu tư.
Trong đó, cảng PTSC Dung Quất có công suất 35.000 tấn/ngày, khả năng tiếp nhận, xử lý tàu 70.000 tấn. Đây là nơi làm hàng xuất đến nhiều nước trên thế giới, phục vụ nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đơn vị đang khẩn trương xây dựng bến cảng số 3 với tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 9/2025; tuy nhiên, hạ tầng giao thông kết nối chưa đồng bộ đang “gây đau đầu”, kéo giảm hiệu quả đầu tư.

Đường tiếp cận cảng Dung Quất có nền - mặt đường nhỏ hẹp. Ảnh: Lê Danh
Ông Ngô Xuân Hải, Phó giám đốc Cảng PTSC Dung Quất cho biết, doanh nghiệp mạnh tay đầu tư mở rộng, hoàn thiện bến cảng theo chủ trương đầu tư.
Dù vậy, đường vào cảng hiện đang rất nhỏ hẹp, tải trọng cầu thấp lại xuống cấp nên không đáp ứng được yêu cầu vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là hàng siêu trường, siêu trọng, làm khó doanh nghiệp và trở ngại trong thu hút khách hàng.

Lưu lượng phương tiện tải trọng lớn lưu thông qua tuyến mỗi ngày rất cao. Ảnh: Lê Danh
Bên cạnh đó, đại diện Cảng Germadept Dung Quất cũng cho rằng, hạ tầng giao thông ngoại khu kết nối cụm cảng Dung Quất với các tuyến giao thông huyết mạch, trục Bắc - Nam, như Quốc lộ 1 và cao tốc đang bộc lộ rõ hạn chế.
Hạ tầng không theo kịp nhu cầu vận tải, nhưng không được đầu tư, nâng cấp đã đánh mất cơ hội cạnh tranh, làm giảm sức hút của Dung Quất nói riêng và Quảng Ngãi nói chung.
"Nhiều đơn hàng không thể qua Dung Quất mà phải đi vòng qua cảng khác do gặp phải giới hạn về tải trọng đường và cầu, gây thiệt hại đáng kể cho các doanh nghiệp kinh doanh cảng, nhà đầu tư và cả địa phương", đại diện cảng này nói.

Dung Quất đang tự đánh mất lợi thế khi hạ tầng không theo kịp tốc độ phát triển. Ảnh: Lê Danh
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi, hiện quốc lộ 24C là tuyến huyết mạch nối cụm cảng Dung Quất với các trục giao thông động lực, liên vùng và vành đai.
Trong đó, đoạn tuyến dài 3,5km từ ngã tư Bình Thuận đến cảng đóng vai trò là trục cửa ngõ, mỗi ngày "gánh" hàng nghìn lượt phương tiện hạng nặng chuyên chở hàng ra vào cảng.
Tuy nhiên, hiện đoạn này chỉ rộng 7,5m, phương tiện lưu thông khó khăn, di chuyển chậm; trên tuyến có cầu Sông Đầm đã xây dựng từ rất lâu, không đáp ứng tải trọng cho việc vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng qua cảng.

Phải "gánh" hàng nghìn lượt phương tiện tải trọng lớn mỗi ngày nên tuyến đường đã nhỏ, còn hư hỏng và xuống cấp. Ảnh: Lê Danh
Nút thắt "cổ chai" này đã hình thành điểm nghẽn về giao thông, gây khó cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hoá qua cảng Dung Quất lâu nay.
Cấp thiết nâng cấp để đuổi kịp tốc độ phát triển
Mạnh về cảng, lượng hàng hóa đi và đến rất lớn, nhưng hạ tầng đường bộ ở Dung Quất đang không theo kịp tốc độ phát triển, làm giảm sức hút của khu kinh tế này trong mắt nhà đầu tư, phát sinh không ít hệ luỵ.
Vài năm tới, nhiều dự án công nghiệp nặng, công nghiệp chế tạo và phụ trợ ở Dung Quất sẽ được triển khai xây dựng và đi vào hoạt động, kéo theo lượng hàng qua cảng tăng đột biến.

Dung Quất chưa có tuyến chuyên dụng cho xe Container, siêu trọng nên gây xung đột với giao thông dân sinh, phương tiện bị hạn chế tốc độ. Ảnh: Lê Danh
Dự báo đến năm 2030, khối lượng hàng hóa qua Dung Quất sẽ đạt 39 triệu tấn, lâu dài khi điều chỉnh các cảng biển và thu hút thêm các nhà đầu tư, lượng hàng qua Dung Quất sẽ lên đến 72 triệu tấn.
Theo Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi Trần Văn Mẫn, hiện Dung Quất chưa phát huy hết tiềm năng về logistics, phối hợp đa phương thức vận tải do hạ tầng chưa đồng bộ.
Ông Mẫn cho rằng, hạn chế về hạ tầng kết nối đã làm giảm hiệu quả khai thác các cảng biển, thế mạnh riêng có của Dung Quất. Trong đó, tính liên tục trong kết nối, vận tải giữa hai phương thức đang tồn tại một số điểm nghẽn cần sớm được khơi thông, phục vụ nhu cầu phát triển.

Hạ tầng kết nối chưa đồng bộ đang là lực cản khiến Dung Quất chậm nhịp phát triển. Ảnh: Lê Danh
Trước mắt, cần nhanh chóng đầu tư, nâng cấp khoảng 6,5km thuộc quốc lộ 24C, đoạn từ ngã tư Bình Thuận đến cảng Dung Quất để giải quyết nhu cầu vận tải hiện hữu, bám sát tốc độ phát triển trong tương lai gần. Dự trù tổng kinh phí khoảng 500 tỷ đồng.
Cùng với đó, nút giao Trì Bình trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã chính thức được tái khởi động thi công, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025. Khi thông tuyến sẽ trực tiếp nối cảng Dung Quất với cao tốc Bắc - Nam, phương tiện đi và đến cảng sẽ thay đổi lộ trình và tạo áp lực tăng đột biến lên tuyến đường Trì Bình - Cảng Dung Quất.
Trong khi đó, tuyến này hiện mới hoàn thành đầu tư giai đoạn 1, chưa đúng mặt cắt đường theo quy hoạch nên chỉ cơ bản đáp ứng nhu cầu hiện tại. Khi trở thành trục độc đạo lên xuống cao tốc, lượng phương tiện lưu thông sẽ tăng gấp nhiều lần.

Tuyến Trì Bình - Cảng Dung Quất được dự báo sẽ quá tải trong tương lai gần. Ảnh: Lê Danh
Do đó, để hạ tầng phải thực sự đi trước đón đầu, không đợi đến khi quá tải mới nâng cấp, mở rộng, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi chủ động đề xuất đầu tư hoàn thiện 8,7km đường Trì Bình - Cảng Dung Quất theo đúng quy hoạch được duyệt, với tổng kinh phí dự kiến khoảng 400 tỷ đồng.
Nhằm sẵn sàng phục vụ nhu cầu vận tải tăng cao trong thời gian tới, đặc biệt là các dự án công nghiệp nặng, công nghiệp chế tạo phục vụ các dự án trọng điểm quốc gia; góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng để Dung Quất bứt phá, xứng tầm trung tâm công nghiệp, logistics hàng đầu của cả nước.
Hiện, 262 dự án với 216 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 87.000 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận