Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Vật liệu xây dựng

Cát xây dựng ở các tỉnh bắc miền Trung bất ngờ khan hiếm, giá tăng cao

Cát xây dựng ở các tỉnh bắc miền Trung bất ngờ khan hiếm, giá tăng cao

Từ đầu năm 2025 đến nay, trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh người dân và nhà thầu đang gặp khó khăn trước việc giá cát xây dựng tăng cao, thậm chí còn xảy ra tình trạng khan hàng.

Cát khan hiếm do cung không đủ cầu

Một chủ mỏ cát (xin được giấu tên) huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: Về việc khan hiếm cát xây dựng, khả năng cao là hiện tại các ngành chức năng "siết chặt" quản lý, tiến hành kiểm tra, thanh tra, công an vào cuộc. Từ đó, dẫn đến nhiều lao động trong lĩnh vực này lo sợ vướng vào lao lý nên bỏ đi tìm việc khác, dẫn đến khan hiếm lao động.

Trước đó, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Thiên An Phát ở Thanh Hóa và các đơn vị liên quan… Những đơn vị này chiếm 72% công suất trên toàn tỉnh.

Cát xây dựng ở các tỉnh bắc miền Trung bất ngờ khan hiếm, giá tăng cao- Ảnh 1.

Một bến khai thác cát tại địa bàn Thanh Hóa.

Thực tế, các mỏ cát trên khu vực hiện đều hoạt động cầm chừng hoặc dừng hoạt động, trong khi các công trình, dự án, nhà dân đang xây dựng nhiều, cộng với các đơn vị cung ứng đã ký hợp đồng cung cát khiến tài nguyên khan hiếm, dẫn đến giá cát xây dựng tăng theo và khan hiếm cát.

Trước tháng 3, giá cát xây dựng bao gồm cả VAT là 200.000 đồng/khối tại mỏ. Thế nhưng, khi có các đoàn kiểm tra vào cuộc thì bất ngờ giá bật tăng lên 350.000 đồng/khối tại mỏ. Nhiều mỏ cát không đủ hàng bán do cung không đủ cầu, khiến chuỗi cung ứng, trong đó có bê tông thương phẩm có sử dụng đá, cát bị đứt gãy.

Ông Nguyễn Hữu Vỹ, Giám đốc Công ty Hợp tác xã Thắng Lợi, xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) cho biết: "Giá cát xây dựng chúng tôi đang bán tại bến công ty là 110.000 đồng/m3, đúng như khung giá Nhà nước quy định. Tuy nhiên, có thể giá cát vận chuyển đến công trình người dân và các công trình khác sẽ tăng giá cao hơn".

Theo ông, có thể do khan cát, các xe tải phải đi xa và chờ hàng nên giá sẽ tăng hơn khoảng 500.000 đồng/chuyến để bù kinh phí, bởi trước đây chở được 3-4 chuyến cát/ngày, thì nay chỉ chở 2 chuyến cát/ngày.

Tại Hà Tĩnh, lượng cát trên địa bàn những tháng gần đây cũng trở nên khan hiếm. Theo các nhà thầu, giá cát xây dựng trước đây 90.000 đồng/khối nay tăng lên 110.000 đồng/khối; giá cát đổ mái từ 90.000 đồng khối tăng lên 120.000 đồng/khối; cát san lấp từ 60.000 đồng/khối tăng lên 70.000 đồng/khối. Hiện nay, đang vào mùa xây dựng nên việc giá cát tăng làm cho các hộ dân, doanh nghiệp thi công các công trình gặp nhiều khó khăn.

Nhà thầu than khổ và ngành chức năng vào cuộc

Một giám đốc công ty xây dựng ở thành phố Vinh (giấu tên) cho biết: Giá cát xây dựng hiện công ty đang mua tại chân công trình tăng khoảng 20% so với trước đó. Trước khoảng 180.000 đồng/m3 thì giờ khoảng 210.000-220.000 đồng/m3. "Giá cát tăng, khan hàng làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công cũng như tăng thêm chi phí vào công trình mà doanh nghiệp như chúng tôi phải chịu thiệt thòi, bởi thời điểm trúng thầu và ký hợp đồng thi công công trình thì được tính giá cát thấp hơn, còn giờ đây giá cát cao hơn", người này nói.

Cát xây dựng ở các tỉnh bắc miền Trung bất ngờ khan hiếm, giá tăng cao- Ảnh 2.

Các công trình xây dựng bị ảnh hưởng do cát tăng giá. Trong ảnh: Công trình chung cư xã hội 1 thuộc dự án Khu nhà ở cho người thu nhập thấp tại phường Hưng Lộc, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Tại công trình chung cư xã hội 1 thuộc dự án Khu nhà ở cho người thu nhập thấp và cán bộ công nhân viên tại phường Hưng Lộc, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An (của Công ty CP Đầu tư và Thương mại dầu khí Nghệ An), chúng tôi thấy công trình đã thi công phần thô lên đến tầng 3 và hiện tại đang dừng thi công.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Lương Sơn, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại dầu khí Nghệ An (Dầu khí Nghệ An) cho biết: "Chúng tôi đã tạm dừng thi công được khoảng 2 tháng rồi, do sau Tết giá vật liệu xây dựng - đặc biệt là cát xây dựng - có tăng lên. Trong thời điểm tạm dừng thi công cũng tiện cho việc bổ sung hồ sơ pháp lý dự án để sau này bàn giao sản phẩm cho khách hàng thuận lợi hơn".

Cát xây dựng ở các tỉnh bắc miền Trung bất ngờ khan hiếm, giá tăng cao- Ảnh 3.

Khu vực thi công dự án công trình hạ tầng kỹ thuật Khu công viên trung tâm thị xã Hồng Lĩnh (giai đoạn 1).

Ông Võ Tá Quyền, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Như Nam, đơn vị thi công dự án công trình hạ tầng kỹ thuật khu công viên Trung tâm thị xã Hồng Lĩnh (giai đoạn 1) chia sẻ: Công trình đang đi vào những hạng mục quan trọng, tuy nhiên giá cát trong thời gian gần đây có xu hướng tăng lên chênh từ 30.000-50.000 đồng/m2 đã làm đội chi phí lên rất nhiều so với kế hoạch. Đặc biệt, tình trạng khan hiếm cát đã làm chậm tiến độ xây dựng mặc dù đã hợp đồng với chủ mỏ cát nhưng có lúc phải chờ mấy ngày mới có cát.

Để tìm hướng giải quyết cho vấn đề khan hiếm cát xây dựng, giá lên cao như hiện nay, Sở Xây dựng Thanh Hóa cho biết sẽ đề xuất Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành liên quan, khuyến khích các mỏ nâng công suất khai thác, không được dừng khai thác, rút ngắn thời gian thẩm định cấp phép mỏ.

Cát xây dựng ở các tỉnh bắc miền Trung bất ngờ khan hiếm, giá tăng cao- Ảnh 4.

Một mỏ khai thác cát trên địa bàn huyện Tân Kỳ, Nghệ An.

Về lâu dài, đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa, các sở ngành tăng cường công tác đấu giá mỏ để tăng cường nguồn cung, mặt khác khuyến khích các đơn vị thi công mua cát từ các tỉnh lân cận về sản xuất.

Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng, ông Nguyễn Văn Hải, Phó giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An cho biết: Sở sẽ tiếp tục theo dõi nếu giá cát tăng đột biến làm ảnh hưởng lớn đến thị trường thì sẽ xin ý kiến thành lập đoàn kiểm tra rà soát cụ thể để tham mưu cho UBND tỉnh hướng giải quyết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.