Hộ kinh doanh nhỏ mới chỉ chạm tay vào số hóa
Bà An, chủ một cơ sở ô mai gia truyền trên phố Hàng Bạc (Hà Nội), là đại diện tiêu biểu cho hàng triệu hộ kinh doanh truyền thống tại Việt Nam. Dù vẫn giữ phương thức phân phối qua siêu thị là chủ yếu, bà đã bước đầu tiếp cận kênh online, sử dụng Facebook để quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên, bà thừa nhận doanh thu từ kênh này còn khiêm tốn, và cơ sở của bà "chưa cần dùng công nghệ ở mức cao", chưa ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hay các phần mềm quản trị kinh doanh. Lý do chính là bởi quy mô nhỏ, chi phí đầu tư cao và thiếu kiến thức chuyên môn.

Doanh nghiệp nhỏ kinh doanh về hàng tiêu dùng ở Hà Nội từng triển khai thương mại điện tử từ năm 2018 tuy nhiên cũng chưa khai thác hiệu quả của chuyển đổi số.
Tương tự, bà Phạm Thanh Thủy, Giám đốc BU GloBal Co.;LTL, một doanh nghiệp chuyên kinh doanh về hàng tiêu dùng ở Hà Nội từng triển khai thương mại điện tử từ năm 2018, cho biết: Dù có kinh nghiệm và đội ngũ nhân sự trẻ, nhưng đơn vị vẫn gặp rào cản lớn liên quan đến thủ tục pháp lý, chính sách, và các yêu cầu về chứng từ, quy định liên quan đến quảng bá sản phẩm trên nền tảng trực tuyến. Bà cho biết những quy định này vẫn còn chưa rõ ràng, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp và có thể dẫn đến tình trạng "cứ làm trước đi để chỉnh sau và kiểm phạt sau".
Bà Thuỷ thông tin thêm: Hiệu quả về doanh thu giữa kinh doanh truyền thống và thương mại điện tử là tương đương nhau, tuy nhiên, về mặt cơ cấu và chi phí thì không tiết kiệm được nhiều.
Không riêng hộ kinh doanh hay những doanh nghiệp nhỏ, theo thống kê, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam hiện có hơn 940.000 doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh, phần lớn là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (SMEs). Dù đóng góp khoảng 50% GDP và hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước, khu vực này lại có tiềm lực tài chính và trình độ quản trị hạn chế. Đặc biệt, năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, khiến họ dễ bị bỏ lại trong cuộc đua chuyển đổi số.
Chuyển đổi số không còn là xu hướng mà là điều kiện sinh tồn
Theo ông Nguyễn Đức Trung, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Tư nhân và Kinh tế tập thể (PTDNTN&KTTT), Bộ Tài chính, chuyển đổi số hiện nay không chỉ là xu hướng mà là "điều kiện bắt buộc để tồn tại". Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế số đang mở ra những cơ hội lớn, nếu không nắm bắt, doanh nghiệp nhỏ sẽ bị loại khỏi sân chơi ngay trên sân nhà.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất không nằm ở nhận thức mà ở chỗ "muốn chuyển đổi nhưng không biết bắt đầu từ đâu, và không đủ sức đi một mình". Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp nhỏ bị rối giữa hàng loạt thuật ngữ công nghệ, giữa những lựa chọn phần mềm, chi phí triển khai và thiếu người đồng hành có năng lực chuyên môn.
Để giải quyết điểm nghẽn đó, từ năm 2021 đến nay, Bộ Tài chính thông qua Cục PTDNTN&KTTT đã triển khai nhiều chương trình đồng hành cùng SMEs, hợp tác xã (HTX) và hộ kinh doanh (HKD). Ví dụ như: Đào tạo trực tiếp cho gần 15.000 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố; Xây dựng mạng lưới hơn 300 tư vấn viên chuyển đổi số trên cả nước; Hỗ trợ chuyên sâu cho hơn 450 doanh nghiệp với lộ trình và giải pháp số hóa cụ thể theo ngành nghề.
Đặc biệt, chương trình "Giới thiệu các gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh chuyển đổi số" được tổ chức vừa qua, đánh dấu bước đi chiến lược mới khi huy động được sự tham gia trực tiếp từ các tập đoàn công nghệ lớn trong nước.
Doanh nghiệp công nghệ Việt trở thành người bạn đồng hành
Không còn đứng ngoài với vai trò nhà cung cấp, các doanh nghiệp công nghệ Việt đang chủ động nhập cuộc, đồng hành cùng SMEs và HTX bằng những chương trình hỗ trợ cụ thể, từ tài chính đến đào tạo và chuyển giao công nghệ.
Bà Phạm Hoài Anh - Giám đốc Thương mại Công ty 1C Việt Nam cho biệt, doanh nghiệp này đang phối hợp cùng Cục Phát triển doanh nghiệp triển khai chương trình hỗ trợ đặc biệt trị giá 6 tỷ đồng. Mục tiêu là giúp tối đa 300 doanh nghiệp – ưu tiên lĩnh vực sản xuất – tiếp cận giải pháp quản trị tổng thể Mini-ERP.
Trong khi đó, bà Bùi Thị Trang - Giám đốc Khối Kế toán, dịch vụ - Công ty Cổ phần MISA cho rằng: Với hơn 31 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - kế toán và quản trị doanh nghiệp, MISA đã xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số toàn diện dành cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh.
Cũng theo bà Bùi Thị Trang, điểm đặc biệt của các giải pháp chuyển đổi số MISA nằm ở khả năng liên kết, đồng bộ dữ liệu giúp các đơn vị tối ưu vận hành, tiết kiệm chi phí và đảm bảo tuân thủ pháp lý để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW và phát triển kinh tế tư nhân theo Nghị quyết 68/NQ-TW của Bộ Chính trị.
Với những chính sách hỗ trợ trên, bà Bùi Thị Trang cho biết, MISA sẽ dành 8 tỷ đồng để hỗ trợ cho hàng ngàn doanh nghiệp và hộ kinh doanh chuyển đổi số thành công.
Để đồng hành cùng doanh nghiệp trong hoạt động chuyển đổi số, ông Lê Huy Hoàng - Quản lý tư vấn chuyển đổi số thuộc FTP Digital - Tập đoàn FPT thông tin: FPT đang cung cấp gói hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp với ưu đãi giảm giá 50% khi khách hàng cam kết sử dụng 24 tháng trở lên cho các dịch vụ, giải pháp số của FPT. Cùng với đó tham vấn xây dựng và triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ, hoạt động truyền thông, tư vấn, đào tạo chuyển đổi số cho các doanh nghiệp.
Đại diện Công ty Viễn thông MobiFone cũng cho biết, sẽ miễn phí 6 tháng cho 1.000 doanh nghiệp sử dụng hoá đơn điện tử MobiFone; giải pháp quản lý bán hàng MobiFone 1POS; giải pháp quản lý hoá đơn đầu vào IMS…
Ông Nguyễn Đức Trung khẳng định, sự vào cuộc đồng bộ từ Bộ Tài chính và các tập đoàn công nghệ là "chìa khóa" để mở cánh cửa chuyển đổi số cho khu vực kinh tế tư nhân – vốn đang đóng góp gần 50% GDP. Ông cũng nhấn mạnh, đây không chỉ là cuộc cách mạng công nghệ, mà là hành trình nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và tăng trưởng bền vững cho toàn nền kinh tế.
Chuyển đổi số – hành trình cần sự bền bỉ
Dù đã có những bước tiến, nhưng rõ ràng chuyển đổi số không phải con đường dễ đi, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ, HTX và hộ kinh doanh. Rào cản về chi phí, thiếu nhân lực chuyên môn, hạn chế về hạ tầng và chính sách còn nhiều bất cập vẫn là những thách thức hiện hữu.
Theo Ông Bùi Quang Cường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp Phát triển Doanh nghiệp iViet và Phó Ban Phát triển Nguồn nhân lực của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng điều quan trọng nhất là khởi động hành trình chuyển đổi từ những bước nhỏ, từ nhận thức, đến ứng dụng các công cụ cơ bản như hóa đơn điện tử, phần mềm kế toán, giải pháp quản lý bán hàng. Khi hệ sinh thái công nghệ ngày càng thân thiện và gắn bó với thực tiễn doanh nghiệp Việt, khoảng cách giữa "muốn chuyển đổi" và "chuyển đổi được" sẽ dần được thu hẹp.
Với các chính sách hỗ trợ từ nhà nước, cùng sự vào cuộc quyết liệt của các doanh nghiệp công nghệ, bức tranh chuyển đổi số của kinh tế tư nhân Việt Nam đang sáng dần lên. Quan trọng hơn, họ không còn phải "tự bơi" giữa đại dương số, mà đã có những người đồng hành tin cậy – cả trong tư vấn, công nghệ lẫn tài chính.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận